09:46 04/12/2024

Lộ trình 3 giai đoạn phát triển giao thông thông minh Hà Nội

Tùng Dương

Muốn có thành phố thông minh cần phải có giao thông thông minh. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn của thành phố kết hợp ý kiến góp ý đề xuất đưa ra lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố Hà Nội theo 3 giai đoạn...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 3/12/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam- Châu Á 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội tổ chức đã diễn ra hội thảo "Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh, phát triển bền vững". Cùng với việc đưa ra lộ trình phát triển giao thông thông minh, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp tập trung thảo luận giải pháp giao thông thông minh, sử dụng công nghệ tiên tiến và phương tiện thân thiện với môi trường nhằm cải thiện hệ thống giao thông tại Hà Nội.

TỪNG BƯỚC HÌNH THÀNH HỆ THỐNG GIAO THÔNG THÔNG MINH

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tàng và là một trong các trụ cột chính của thành phố thông minh.

Với quy mô diện tích của thành phố khoảng 3.358,6 km2 và dân số trên 8 triệu người, Hà Nội được xác định là một trong những thành phố có số dân và mật độ dân cư cao của cả nước, nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa rất lớn.

Theo thống kê hiện nay, có khoảng 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Trong nhiều năm qua, Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch, từng bước ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông.

 
Từ ngày 1/1/2025, Hà Nội sẽ áp dụng giải pháp thẻ vé liên thông thông minh và cũng là một trong số những thành phố đầu tiên trên cả nước ban hành quy định về hệ thống kỹ thuật của thẻ vé liên thông.

Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ùn ứ thường xuyên tại các nút giao thông có mật độ lưu thông lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây mất an toàn giao thông, ô nhiêm môi trường,...

Theo ông Hải, đây là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông thành phố. Giải pháp hiệu quả cho những bài toán đó là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông.

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả khi giám sát giao thông bằng camera, giám sát các phương tiện vận tải bằng thiết bị giám sát hành trình, xây dựng một sô ứng dụng phục vụ đỗ xe, tìm tuyến xe bus,... Đây là những tiền đề để triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS trong thành phố.

Tuy nhiên trước thực trạng phát triển hiện nay, việc triển khai phát triển hệ thống giao thông thông minh là rất cần thiết. Sở Giao thông vận tải đã nghiên cứu lập và trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt “Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong đó đã xác định quản lý khai thác hạ tầng giao thông một cách hiệu quả để từ đó giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo điều kiện tối đa cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, cung cấp thông tin giao thông chính xác, khai thác tối ưu hạ tầng giao thông hiện tại. Đề án nhằm bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn và thân thiện với môi trường.

Lộ trình 3 giai đoạn phát triển giao thông thông minh Hà Nội - Ảnh 1

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố thông tin, theo kinh nghiệm thế giới, việc phát triển hệ thống ITS được hình thành phát triển qua 3 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn kiện toàn hình thành; giai đoạn mở rộng và phát triển và giai đoạn phát triển bền vững.

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn của thành phố kết hợp với ý kiến góp ý của 3 tập đoàn lớn (VNPT; Viettel; FPT) đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu tiên (2025-2027), thành phố hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà nội, trong đó có bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh khai thác 9 chức năng.

Cụ thể bao gồm: Giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; Quản lý giao thông công chính; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công chính.

Cùng với đó lắp đặt hệ thống các thiết bị ngoại vi, gồm hệ thống camera (giám sát tốc độ; đo đếm lưu lượng; xử phạt giao thông); Hệ thống bảng báo điện tử; hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hạ tầng truyền dẫn tại 55 nút giao trên các tuyến vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm.

Trong giai đoạn 2 (2028-2030), mở rộng phạm vi, vùng hoạt động với 9 chức năng hiện hữu đã hình thành trong giai đoạn đầu. Đồng thời thành phố tiếp tục hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 3 chức năng còn lại gồm: quản lý vận tải; quản lý nhu cầu (thu phí nội đô); mô phỏng giao thông).

Tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông thành phố tại trung tâm. Mở rộng phạm vi triển khai lắp đặt các thiết bị ITS ngoại vi cho 150 nút bao phủ toàn bộ các tuyến vành đai 1,1,3 và các tuyến trục chính đô thị, các tuyến hướng tâm…

Trong giai đoạn 3 (sau năm 2030), nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông minh, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố thông minh, đưa Hà Nội trở thành có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.

THÔNG MINH VỚI XE TỰ HÀNH, DI CHUYỂN XANH, PHÁT THẢI THẤP

Hệ thống giao thông thông minh hỗ trợ công tác quản lý nhà nước hiệu quả vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường…cung cấp dịch vụ chất lượng, thuận tiện cho người dân.

Đặc biệt, hệ thống giao thông thông minh sẽ tạo ra nguồn dữ liệu số mới, là tài nguyên mới cho các doạnh nghiệp phát triển sản phẩm gia tăng giá trị. Trong đó, Sở có thể cung cấp các dữ liệu đi lại của người dân cũng như phương tiện giao thông tại mỗi khu vực...

Các chuyên gia nhấn mạnh, xây dựng thành phố thông minh là ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để giải quyết một số vấn để cấp bách của đô thị. Do vậy, muốn có thành phố thông minh thì phải có giao thông thông minh.

Xe tự hành cấp độ 4 của Phenikaa-X tại Thành phố mới Bình Dương.
Xe tự hành cấp độ 4 của Phenikaa-X tại Thành phố mới Bình Dương.

Chia sẻ những thành tựu trong nghiên cứu và phát triển phương tiện xe tự hành thông minh, ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc thương mại Phenikaa-X khẳng định, xe tự hành thông minh đang là xu hướng công nghệ tương lai trên thế giới.

Tại Việt Nam, Phenikaa là một trong số ít các công ty xe tự hành thế giới đã đạt cấp độ 4/5 cấp độ của xe tự hành, sánh ngang với các thương hiệu lớn như Baidu... Đơn vị này cũng tích hợp công nghệ tự hành lên các phương tiện sẵn có như xe điện chở khách 4 bánh thành xe tự hành không người lái trong nội khu...

Xe tự hành của Phenikaa sử dụng công nghệ bao gồm: Dữ liệu từ cảm biến LIDAR để phát hiện vật cản trên đường; Trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu từ cảm biến, từ đó đưa ra các thuật toán tránh vật cản một cách an toàn; Camera để thu thập tín hiệu hình ảnh, kết hợp với AI để phân tích dữ liệu và đưa ra thuật toán tránh vật cản an toàn; Mạng 5G để theo dõi theo thời gian thực.

Ông Hiệp thông tin: xe tự hành của Phenikaa-X đã trở thành phương tiện di chuyển thông minh được triển khai tại một số dự án ở Ecopark (Hưng Yên), dự án của Becamex (Bình Dương) và dự án của Sơn Kim Land (Quận 9 TP. Hồ Chí Minh)... để đưa đón khách hàng.

Xe tự hành không chỉ phục vụ giao thông công cộng chở người mà còn có thể ứng dụng trong logistics vận chuyển hàng hóa trong nhà máy, trong các trang trại chăn nuôi, vệ sinh đường phố…

Nhìn nhận ở góc độ giảm phát thải cho các phương tiện giao thông, di chuyển xanh, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam chia sẻ việc phát triển các giải pháp chuyển đổi giao thông bền vững, hướng tới giao thông thông minh và thân thiện với môi trường, giảm khí thải ra môi trường.

Bà Trang dẫn chứng Grab có một số tính năng như gợi ý lộ trình để tài xế có thể chọn cung đường ngắn nhất, tránh được các khu vực ùn tắc. Thậm chí, với một phương tiện, tài xế có thể tham gia nhiều dịch vụ khác nhau từ GrabFood (giao đồ ăn), đến giao hàng..., giúp giảm thiểu quãng đường di chuyển, giảm lượng phát thải ra môi trường.

Hoặc với  tính năng ghép đơn hàng GrabFood giúp giảm thiểu số lượng xe hoạt động trên đường phố, tiết kiệm thời gian di chuyển so với việc mỗi đơn hàng sử dụng một phương tiện riêng. Hiện 1/3 số đơn hàng GrabFood trên nền tảng được ghép đơn, giúp giảm 27 ngàn tấn C02 được thải ra môi trường.

Từ góc độ nhà cung cấp giải pháp công nghệ, Tập đoàn Intel, cho rằng công nghệ xử lý dữ liệu tại biên (Edge Computing), cảm biến IoT và kết nối 5G sẽ là nền tảng giúp cải thiện hiệu quả quản lý giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm. Intel đã thực hiện các dự án tương lai tại các thành phố lớn trên thế giới như Singapore và Barcelona, ​​nơi các hệ thống cảm biến giao thông thông minh đã giúp tối ưu hóa thời gian đèn tín hiệu...