Hà Nội khai trương thẻ vé tháng "ảo", từng bước triển khai đề án giao thông thông minh
Ngày 2/4, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội khai trương thẻ vé thẻ phi vật lý cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn. Những nỗ lực triển khai đề án giao thông thông minh trong thành phố thông minh đang được tích cực triển khai...
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thẻ điện tử ảo (phi vật lý) được thiết lập theo tài khoản định danh của khách hàng, hiển thị trên điện thoại di động, có hình ảnh và đầy đủ thông tin như thẻ chip vật lý: mã thẻ, thông tin chủ thẻ, loại đối tượng, thời hạn sử dụng thẻ.
Về lợi ích của thẻ điện tử ảo, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nêu rõ việc sử dụng thẻ ảo giúp tiết kiệm chi phí phát hành thẻ vật lý. Cùng với đó, khách hàng không tốn thời gian/chi phí đi lại để nhận và dán tem trên thẻ vé tháng.
"Để giúp người dân sử dụng dịch vụ một cách thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã phối hợp với phối hợp với Liên minh Asim – VPBank triển khai áp dụng thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội", đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông tin.
"Thẻ ảo có giá trị sử dụng ngay sau khi khách hàng đăng ký thẻ thành công, không mất thời gian chờ đợi 3-4 ngày lấy thẻ và không mất thời gian xếp hàng dán tem vé tháng như thẻ vật lý", đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết.
Việc đăng ký thẻ điện tử ảo, gia hạn thẻ vé tháng cho người thân, theo dõi lịch sử sử dụng dịch vụ của cá nhân… cũng vô cùng thuận tiện.
Trung tâm Quản lý Giao công cộng TP. Hà Nội là đơn vị quản lý và điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố. Trong những năm qua, trung tâm đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng với mục tiêu từng bước chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và đưa giao thông công cộng là phương tiện đi lại thuận tiện cho người dân. Từ đó, góp phần giảm thiểu sử dụng giao thông cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Với việc triển khai thí điểm thẻ vé liên thông, sự ra đời của thẻ phi vật lý là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố. Thẻ ảo không chỉ đánh dấu thay đổi cải tiến kỹ thuật mà còn là một bước nhảy vọt trong việc cung cấp dịch vụ tiện ích, an toàn và hiệu quả hơn cho người dân, hành khách.
Sau khi theo dõi và đánh giá việc thí điểm thẻ vé tháng điện tử, từ hiệu quả thu được, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ nghiên cứu mở rộng trên mạng bus bàn thành phố và các loại hình vận tải công cộng khác như đường sắt đô thị, taxi...
Từ đó, thu hút, gia tăng sản lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị trong tương lai, góp phần thực hiện đề án của thành phố về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn.
Thành phố hiện có 156 tuyến buýt, trong đó có 1 tuyến buýt BRT, 10 tuyến xe buýt điện, 10 tuyến xe buýt CNG, 112 tuyến buýt thường, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 03 tuyến City Tour, với 2.030 phương tiện.
Trong năm 2023, mạng lưới tuyến buýt vận chuyển tổng hành khách ước đạt 499 triệu (trong đó buýt trợ giá ước đạt 488,2 triệu lượt hành khách) tăng 43,3% so với thực hiện cùng kỳ 2022. Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vận chuyển 10,7 triệu lượt hành khách, đạt 101,1% so với kế hoạch, tăng 31,4 % so với cùng kỳ 2022.
Hiện năng lực đáp ứng của mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt khoảng 30% song tỷ lệ đảm nhiệm của vận tải hành khách công cộng toàn thành phố mới đạt 19,5%.
Do đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển vận tải hành khách công cộng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông để tăng thị phần vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và giảm ô nhiễm môi trường.
UBND TP. Hà Nội đặt ra mục tiêu vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu năm 2024 đảm nhận từ 22 - 25%. Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng Đề án "giao thông thông minh" trong tổng thể xây dựng thành phố thông minh…