13:05 24/06/2023

Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh: Tình bạn hay kẻ thù?

Luật sư Lê Quang Vinh*

Giao thoa giữa pháp luật sở hữu trí tuệ (dưới đây gọi tắt là “Luật Sở hữu trí tuệ 2022”) và pháp luật cạnh tranh hay còn gọi là pháp luật chống độc quyền (dưới đây gọi tắt là “Luật Cạnh tranh 2018”) là một vấn đề phức tạp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Làm rõ mối quan hệ qua lại giữa 2 luật này nhằm cảnh báo các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ sở hữu nhiều tài sản sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sáng chế, có nguy cơ bị “soi” về khả năng thực hiện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường (do có sức mạnh thị trường đáng kể).

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ (quyền tài sản), chẳng hạn như hình thức thể hiện của ý tưởng dưới dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học (quyền tác giả), sáng tạo kỹ thuật (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng), hoặc chỉ dẫn nguồn gốc thương mại (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại).

Bảo hộ pháp lý quyền sở hữu trí tuệ thực chất là hợp pháp hóa quyền độc quyền sử dụng, khai thác thương mại sản phẩm mang quyền sở hữu trí tuệ.

Thông qua hệ thống cấp bảo hộ độc quyền có ấn định thời hạn bảo hộ (ví dụ như thời hạn độc quyền sáng chế là 20 năm), Luật Sở hữu trí tuệ 2022 được tin rằng một mặt giúp chủ thể quyền có thể thu hồi được đủ giá trị vật chất bù đắp cho quá trình họ đã đầu tư nghiên cứu, và mặt khác khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đổi mới để tạo ra sự khác biệt trên thị trường.

Như vậy, mục tiêu của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 vừa khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới vừa giúp người tiêu dùng tiếp cận với nhiều sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh khác biệt.

Luật Cạnh tranh 2018 có nhiệm vụ chống độc quyền, thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh, ngăn chặn, kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh bao gồm cả hành vi lạm dụng vị trí độc quyền mà có thể gây tổn hại tới cạnh tranh và người tiêu dùng.

Dưới góc độ tiêu dùng, nếu luật chống độc quyền 2018 hoạt động hiệu quả, người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hàng hóa, dịch vụ hơn cũng như có thể tiếp cận được sản phẩm chất lượng có giá cả phải chăng hơn. Nhưng dưới góc độ sản xuất, cung ứng dịch vụ, nhà sản xuất rõ ràng phải nỗ lực nhiều hơn để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động thông qua việc tiếp tục nghiên cứu đổi mổi công nghệ và quy trình sản xuất.

WIPO – Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới nhận định rằng, sở hữu trí tuệ cho phép người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm được bán bởi các doanh nghiệp cạnh tranh. Không có bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp kém hiệu quả hơn sẽ tìm cách sao chép sản phẩm của đối thủ cạnh tranh hiệu quả hơn. Như thế, đối thủ cạnh tranh hiệu quả hơn sẽ mất động lực cải thiện hoặc cung cấp sản phẩm mới và cả xã hội nói chung cũng thua cuộc. Trong bối cảnh đó, sở hữu trí tuệ chỉ thực hiện vai trò đảm bảo cạnh tranh quan trọng đó khi nó bảo vệ được sự khác biệt thực sự.

Tuy nhiên, Giáo sư Mark A. Lemley (Trường Đại học Stanford) cho rằng, luật chống độc quyền phục vụ mục tiêu cạnh tranh bằng cách đảm bảo rằng thị trường không bị thống trị bất công bởi một hãng duy nhất, và bằng cách đảm bảo rằng các đối thủ cạnh tranh giả định không thông đồng để tránh tác động cạnh tranh.

Theo nghĩa đó, quyền sở hữu trí tuệ dường như đi ngược lại thị trường cạnh tranh tự do ở chỗ các quyền sở hữu trí tuệ đó hạn chế đối thủ khác sao chép hoặc bắt chước nỗ lực trí tuệ của tác giả hoặc nhà sáng chế. Sự tồn tại của quyền sở hữu trí tuệ có thể cho phép chủ thể quyền tính giá độc quyền hoặc để hạn chế cạnh tranh, chẳng hạn như bằng cách kiểm soát việc sử dụng ý tưởng ở các sản phẩm tiếp theo.

Như vậy, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Luật Cạnh tranh 2018 là “bạn của nhau” khi và chỉ khi chúng cùng thực hiện được mục tiêu chung là khuyến khích đổi mới, sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngược lại, chúng có thể trở thành “kẻ thù của nhau” như nhiều người quan niệm nếu các quyền sở hữu sở hữu trí tuệ hoặc phạm vi bảo hộ của các quyền này (vốn luôn được luật chống độc quyền giả định là cấp đúng/xác định chính xác bởi nhà nước hoặc tòa án) được cấp/xác định không chính xác.

Nhằm mục đích ngăn chặn quyền sở hữu trí tuệ bị lạm dụng mà có thể gây tổn hại đến mục tiêu của luật cạnh tranh 2018, phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần thiết kế công cụ pháp lý chống độc quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chẳng hạn như Hướng dẫn chống độc quyền trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc được ban hành vào tháng 8/2020.

* Công ty luật Bross & Partner