Gian nan chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một phức tạp, tinh vi hơn, diễn ra trực tiếp và cả trên môi trường online. Điều này đã và đang gây khó khăn thách thức không nhỏ cho công tác thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
Theo thống kê, trong năm 2021, các lực lượng chức năng của 9 bộ, ngành là thành viên Chương trình 168 đã giải quyết 340 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng số tiền phạt gần 4,7 tỷ đồng và tiêu hủy hàng hóa vi phạm, thay đổi tên miền... Bộ Công Thương xử lý hơn 2.200 vụ vi phạm hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ với tổng số tiền xử phạt hơn 28,5 tỷ đồng và tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 61,55 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã xử lý 51 đơn yêu cầu xử lý vi phạm với tổng số tiền xử phạt 75,8 tỷ đồng…
XÂM PHẠM DIỄN BIẾN PHỨC TẠP, TINH VI
Tại hội thảo “Cuộc chiến chống hàng giả và hành vi xâm phạm bản quyền: Thực thi trực tuyến và trực tiếp” vừa diễn ra, các chuyên gia thừa nhận các vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay có những điểm mới. Theo đó, trong một vụ việc có sự kết hợp của nhiều hành vi khác nhau, xâm phạm quyền cả trên môi trường hữu hình lẫn thương mại điện tử, đặc biệt là xâm phạm quyền trên môi trường kỹ thuật số.
Ngoài ra, xu hướng xâm phạm bản quyền trên không gian mạng gia tăng về số lượng, tính chất cũng như mức độ, nhất là trong tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, chương trình truyền hình, gameshow, thể thao…
Trong một vụ việc có sự kết hợp của nhiều hành vi khác nhau, xâm phạm quyền cả trên môi trường hữu hình lẫn thương mại điện tử, đặc biệt là xâm phạm quyền trên môi trường kỹ thuật số.
Chia sẻ câu chuyện xâm phạm bản quyền nội dung phát sóng, ông Aaron Herps, Giám đốc Bộ phận bảo vệ nội dung khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, cho biết đã và đang phải đối mặt với nhiều hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở khu vực.
Chiến dịch chống xâm phạm quyền tác giả của đơn vị dựa trên 4 nền tảng chính là công nghệ; các công cụ làm gián đoạn; các biện pháp pháp lý, khởi kiện, truy tố hình sự và giáo dục. Đơn vị này đã áp dụng hình thức chặn quyền truy cập trái phép ở 228 quốc gia và vùng lãnh thổ phát sóng Giải ngoại hạng Anh.
Tại Việt Nam, sau thời gian phối hợp với các cơ quan chức năng đã làm giảm 93% lượng truy cập vào các trang web vi phạm bản quyền phát sóng. Tuy nhiên, kiểm tra sau khi chặn, có tới 60% trang web lại chuyển sang một tên miền khác để tiếp tục phát các chương trình vi phạm. Do đó, đơn vị phải tiếp tục hành trình chặn các tên miền mới này, ông Aaron Herps cho biết.
Thực tế trên giống với câu chuyện ngăn chặn hành vi bán hàng xâm phạm trên thương mại điện tử. Một chuyên gia lĩnh vực này chia sẻ đang có không ít trường hợp đối tượng tái phạm nhiều lần, tiếp tục bán hàng hóa xâm phạm bằng cách tạo tài khoản mới. Kể cả khi chủ thể quyền phát hiện xâm phạm và yêu cầu sàn thương mại điện tử gỡ bỏ link sản phẩm, cấm tài khoản này thì đối tượng lại mở tài khoản mới.
Hiện chưa có cơ chế buộc các sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về sự xuất hiện lặp đi lặp lại của đối tượng vi phạm trên nền tảng của mình. Do đó, hoạt động gỡ bỏ vi phạm của chủ thể quyền sẽ phải lặp đi lặp lại.
THÁCH THỨC THỰC THI, XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số ngày càng phức tạp và tinh vi nhưng hoạt động thực thi lại gặp nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất trong việc xử lý, bảo vệ quyền là tìm ra nguồn gốc đầu nậu sản xuất hàng giả, hàng nhái để xử lý.
Luật sư Vũ Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật Rouse Việt Nam, cho biết có 4 thách thức mà chủ thể quyền gặp phải trong thời gian qua.
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số ngày càng phức tạp, tinh vi nhưng hoạt động thực thi, xử lý lại gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, một vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan. Luật sư Yến phân tích do xu hướng vụ việc xâm phạm nhiều loại quyền sở hữu trí tuệ cùng lúc nên thẩm quyền xử lý ở nhiều cơ quan thay vì chỉ 1-2 cơ quan như trước đây.
Thứ hai, các vướng mắc trong xử lý vi phạm trên môi trường số, các website và sàn thương mại điện tử. Các hành vi vi phạm trên môi trường số chủ yếu đến từ 3 loại website chính là: thương mại điện tử trung gian, website “.vn” và “.com” độc lập. Các đối tượng lập nhiều website để thực hiện các hành vi vi phạm. Với các trang web độc lập, các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, mua bán, thanh toán, vận chuyển online nên việc điều tra rất khó khăn. Trong khi đó, các sàn không tiết lộ thông tin đối tượng vi phạm cho chủ thể quyền.
Thứ ba, các bằng chứng về hành vi xâm phạm để chứng minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Thứ tư, thiếu biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm trên môi trường số. Dẫn chứng thực tế hỗ trợ một khách hàng xử lý xâm phạm quyền với một doanh nghiệp, bà Yến cho biết đơn vị này cùng lúc đăng ký hơn 80 tên miền tạo các trang web khác nhau nhằm lập sàn giao dịch điện tử bán hàng online. Đơn vị này đã dùng tên thương mại xâm phạm nhãn hiệu, giả trang thương mại điện tử như của chủ thể quyền. Điều này gây nhầm lẫn cho người dùng khi mua hàng. Để thực thi quyền, chặn các trang web này rất mất thời gian.
MẠNH TAY HƠN VỚI CÁC VI PHẠM
Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, doanh nghiệp và cả người dân.
Theo ông Isaac Atwal, Trưởng ban Chính trị Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, khi bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ thì khách hàng, người tiêu dùng mới tự tin mua sắm hàng hóa, không phải lo lắng về hàng giả, hàng nhái.
Trong bối cảnh vi phạm bản quyền, hàng giả hàng nhái ngày càng phức tạp, các chuyên gia cho rằng, cần sự phối hợp để thực thi đạt hiệu quả cao. Ông Desmond Tan, Trưởng Ban Sở hữu trí tuệ và Cố vấn khu vực Đông Nam Á, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh tại Singapore khẳng định: sở hữu trí tuệ là vấn đề của khu vực và toàn cầu. Do đó, cần có sự hợp tác, thực thi, bảo vệ quyền, đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng. Nếu không bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng thì không thể phát triển kinh tế, thương mại.
Đây là cơ hội cho các cơ quan thực thi pháp luật cũng như doanh nghiệp hợp tác trong cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền cả trực tuyến và trực tiếp.
Cần yêu cầu khắt khe hơn đối với người bán trên sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân, vị trí kho hàng, nguồn gốc sản phẩm phân phối… Đặc biệt cần áp dụng biện pháp xử phạt nặng hơn đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần…
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Marilyn Krige, Cố vấn cao cấp về chống hàng giả toàn cầu, Tập đoàn Reckitt Benckiser, cho rằng đấu tranh chống lại hàng giả, hàng nhái cần phải hợp tác toàn cầu thì mới có sự thích ứng linh hoạt, hợp tác với các cơ quan pháp luật để truy vết các nguồn hàng giả, hàng nhái. Reckitt Benckiser sẵn sàng hợp tác với các cơ quan pháp luật của các nước để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Luật sư Yến khuyến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của Chương trình 168 để Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan thành viên có thể phối hợp thực hiện quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể quyền. Đồng thời nghiên cứu thiết lập cơ chế báo cáo trực tiếp với Thủ tướng để điều phối thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó ban hành văn bản hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Luật sư cũng khuyến nghị nghiên cứu có thể cho phép nhiều cơ quan thực thi có thẩm quyền áp dụng biện pháp chặn trang web đối với các vi phạm trực tuyến. Áp dụng các yêu cầu khắt khe hơn đối với người bán trên sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân, vị trí kho hàng, nguồn gốc sản phẩm phân phối… Đặc biệt cần áp dụng các biện pháp xử phạt nặng hơn đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần…