“Không bảo hộ sở hữu trí tuệ giống như chiếc vali không khoá”
Cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, gạo ST25… là một trong rất nhiều thương hiệu của Việt Nam bị đánh cắp nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài…
Ông Peter Willimott, Văn phòng WIPO Singapore, ví von rằng những sản phẩm này giống như chiếc vali không khoá khi mang sang nước ngoài và rất đơn giản để người khác thò tay vào lấy. Tại hội thảo “Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0” ngày 2/8, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam thừa nhận rằng thời gian qua dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của các chủ thể Việt Nam vẫn tăng đáng kể.
SỐ LƯỢNG ĐƠN BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ CÒN KHIÊM TỐN
Theo ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, báo cáo thường niên sở hữu trí tuệ năm 2021 của Cục Sở hữu trí tuệ, trong giai đọan 2010-2021, tại Việt Nam có trên 65 nghìn đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, trên 5 nghìn đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, 31 nghìn đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 480 nghìn đơn đăng ký nhãn hiệu cùng hơn 313 nghìn văn bằng được cấp ra.
Trong số đó, chủ thể là doanh nghiệp chiếm 40,15% tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế năm 2021, tăng từ 30,47% của năm 2010, chiếm 30% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích (tăng từ 25,6% năm 2010).
Tuy nhiên, ông Huân thẳng thắn cho rằng hoạt động bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển hiện nay.
Báo cáo chỉ số sở hữu trí tuệ quốc tế năm 2022 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, chỉ số đo lường quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam năm 2022 chỉ xếp thứ 42/55 quốc gia được xếp hạng, tức là thuộc 1/3 các quốc gia bị đánh giá thấp, giảm một bậc so với năm 2021.
Ngoài ra, nếu so sánh với con số hơn 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường thì số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp trong thời gian qua vẫn rất khiêm tốn.
Chưa kể đến là chúng ta vẫn liên tục phải chứng kiến những bài học đắt giá về việc doanh nghiệp Việt Nam bị tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu, thậm chí bị lợi dụng và chiếm đoạt các thành quả sáng tạo cả ở trong lẫn ngoài nước.
Đặc biệt, trong thời đại CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo hộ sở hữu trí tuệ lại càng trở nên phức tạp khi mà sự phát triển của khoa học, công nghệ vừa giúp phát huy và lan toả mạnh mẽ những mặt tích cực, nhưng đồng thời cũng khuếch đại gấp nhiều lần các vấn đề nổi cộm về sở hữu trí tuệ mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Điển hình là các hành vi xâm phạm đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và vùng lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet.
Ông Huân nhận định rằng trong kỷ nguyên này, doanh nghiệp thành công cũng dễ dàng nhưng thất bại ngay nếu thiếu đi sự chuẩn bị kỹ càng cả về vật lực và tâm lực. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, điển hình như CPTPP, EVFTA đa nâng cao mức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hơn so với chuẩn mực quốc tế phổ biến hiện nay.
Mới nhất, hiệp định RCEP cũng đã đưa sở hữu trí tuệ vào thành một chương trong cam kết giữa các bên, khiến bảo hộ sở hữu trí tuệ giờ đây không còn là một sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc.
LÀM GÌ ĐỂ BẢO HỘ TỐT HƠN QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ?
Ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ), cho rằng sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế và quốc gia. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ tài sản vô hình của mình.
Khi được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp không chỉ được bảo hộ để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn, hợp pháp, mà còn có thể chuyển giao hoặc chuyển nhượng các độc quyền này cho các chủ thể khác để thu lợi, bảo đảm giá trị pháp lý đối với giá trị gia tăng.
Đồng tình, ông Bắc cho rằng doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững cần có thói quen đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Cụ thể như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…
Các cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin, tư vấn pháp lý và hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký bảo hộ không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài.
Ông Peter Willimott cũng thừa nhận rằng tài sản vô hình tạo ra nhiều giá trị cho doanh nghiệp dù là doanh nghiệp nhỏ hay lớn. Song đây cũng là thách thức cho doanh nghiệp muốn xuất khẩu ra nước ngoài trong việc bảo vệ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thương mại hoá bằng sáng chế.
“Bảo hộ sở hữu trí tuệ giống như chiếc vali đựng hành lý đi nước ngoài nhưng không khoá, nên việc mất đồ bên trong vali là chuyện không tránh khỏi. Vì thế, khi xuất khẩu doanh nghiệp cần khoá bản quyền của mình lại. Điều quan trọng doanh nghiệp phải đăng ký nhãn hiệu ở cả Việt Nam và nước ngoài để bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình để tránh rủi ro”, ông Peter Willimott khuyến cáo.
Việc bảo vệ nhãn hiệu ở nước ngoài sẽ tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp. Song vấn đề đặt ra, doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức hay bất kỳ một quốc gia nào đều phải nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước sở tại, sử dụng đồng tiền nước đó… và thời gian mất 2 năm.
Do đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn đơn vị tại Việt Nam để đăng ký bảo hộ ở các quốc gia xuất khẩu của mình như hệ thống Madrid của WIPO Việt Nam nhằm giảm tối đa chi phí tài chính, thời gian cho doanh nghiệp.