18:37 25/10/2016

Luật Về hội: Quá khó, lại xin lùi

Nguyễn Lê

Trong lịch sử lập pháp Việt Nam, đây là đạo luật nâng lên đặt xuống nhiều nhất, theo đại biểu Dương Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân xin tiếp thu để hoàn chỉnh và trình kỳ họp sau.<br>
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân xin tiếp thu để hoàn chỉnh và trình kỳ họp sau.<br>
Một ngày thảo luận, cuối chiều 25/10, sau khi nghe 49 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân xin tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo Luật Về hội, và sẽ trình kỳ họp sau.

Trước đó, một số vị đại biểu khác cũng cho rằng cần thảo luận, cân nhắc thật kỹ, không vì áp lực dư luận mà vội thông qua dự án luật rất nhạy cảm này.

Nâng lên, đặt xuống nhiều nhất

Một trong số các vị cho rằng chắc chắn chưa thể thông qua là đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai).

Ông nói: trong lịch sử lập pháp Việt Nam, đây là đạo luật nâng lên đặt xuống nhiều nhất. 70 năm trước, quyền lập hội đã được đưa vào Hiến pháp và có mặt trong tất cả hiến pháp tiếp theo. 60 năm trước, sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa quyền lập hội thành một văn bản pháp luật.

Đến năm 2006 thì lần đầu tiên một dự thảo luật được đưa ra Quốc hội và rồi lại xếp lại. Từ đó đến nay, đã 10-15 lần soạn thảo, và lần này được đưa ra trên tinh thần Hiến pháp 2013 sau khi đã soạn thảo được một số bộ luật liên quan đến quyền con người.

“Đây là nỗ lực lớn, nhưng cũng cho thấy đây là vấn đề không đơn giản”, ông Quốc nhìn nhận.

Lần này cuộc trao đổi cũng trở nên gay gắt hơn, theo đại biểu Quốc, là do từ phiên bản dự thảo tháng 9 đến tháng 10 đã có dung sai, khác biệt rất lớn, khác hoàn toàn những điều thảo luận trước kia.

“Đứng trước một đạo luật khó thế này, chúng ta vẫn ở trong tâm thế bất ổn, làm luật để phát triển hay giữ sự an toàn”, ông nói.

Theo ông Dương Trung Quốc, an toàn là cần thiết nhưng phải nhìn thấy quyền lập hội của con người. Trong khi đó dự thảo luật lại bị “sa lầy” vào nhiều yếu tố về thủ tục, mà có thể điều chỉnh ở chỗ khác. Quan điểm của ông là, luật phải tập trung vào những điều cơ bản nhất, để thực hiện quyền con người, quyền lập hội.

"Luật phải tạo ra cộng đồng, hướng tới những điều tích cực. Luật này phải trên quan điểm như thế, chứ cứ nhìn vào đảm bảo an ninh thì không được. Luật này sớm ra thì tốt, nhưng chắc kỳ họp này chưa ra được đâu", ông Quốc nhìn nhận.

Tin vào truyền thống

Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong, đại biểu Vũ Trọng Kim đề cập một số người có tâm lý là khi luật ra đời, nếu không khéo sẽ sinh ra kiểu “xã hội dân sự” như xã hội nước ngoài. Nhưng cũng có chiều ngược lại, có tâm lý “Tây hoá 100%”, tức là sao chép 100% mô hình nước ngoài.

“Luật Về hội của Việt Nam nên tránh cả hai khuynh hướng này”, ông Kim đề nghị.

Đạị biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, hội ở Việt Nam đã qua quá trình lịch sử lâu dài và nói chung là tốt đẹp. Vì thế, theo ông Kim, khi xây dựng Luật Về hội, không được hoài nghi do dự. mà phải vững tin vào truyền thống tốt đẹp đó.

Góp ý cụ thể hơn, đại biểu Kim đề nghị khoản 1 điều 7 nên thêm vào hai chữ “tự do”. Tức là thay vì viết Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền lập hội của công dân Việt Nam... thì cần viết là Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tự do lập hội của công dân Việt Nam.

“Tự do lập và tự do tham gia mới đầy đủ quyền của công dân”, ông nói.

Tiếp thu các góp ý từ nghị trường, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận việc chuẩn bị dự án luật chưa được chu đáo, nên cần có thời gian chuẩn bị tiếp để trình Quốc hội tại kỳ họp sau.