10:05 07/03/2022

Lý do Covid-19 chưa thể thành bệnh đặc hữu như cúm mùa

Hoài Phương

Bước sang năm Covid-19 thứ ba, nhiều nước trên thế giới đang cố gắng triển khai những giải pháp để có thể xem đây như bệnh đặc hữu, có nghĩa là một căn bệnh có các đợt bùng phát theo mùa nhẹ và con người có thể sống cùng nó như bệnh cúm...

Cuối tháng 2/2022, Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết có kế hoạch tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu trong vòng 4 tháng tới. Theo báo Bangkok Post, hướng dẫn để tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu của Bộ Y tế công cộng Thái Lan gồm có ba tiêu chí: số ca mắc mới theo ngày phải dưới 10.000 ca, tỉ lệ tử vong không cao hơn 0,1% số người nhập viện vì Covid-19 và hơn 80% người có nguy cơ cao mắc bệnh đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine.

Tây Ban Nha cũng là một trong số các nước đang kêu gọi xem Covid-19 như bệnh cúm. Theo đó, giới chức Tây Ban Nha sẽ không cần báo cáo số ca mắc mới theo ngày và người có triệu chứng bệnh sẽ không cần phải xét nghiệm dù vẫn được điều trị. Nhiều nước như Anh và Đan Mạch cũng đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch, hướng tới việc sống chung với virus và xem Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu.

ĐỪNG BỎ KHẨU TRANG QUÁ SỚM

CDC Mỹ định nghĩa bệnh đặc hữu “là sự hiện diện thường xuyên của một căn bệnh, hoặc tác nhân truyền nhiễm trong một cộng đồng tại một khu vực địa lý”. Bệnh đặc hữu thường xuyên xuất hiện và có tốc độ lây lan khá dễ đoán. Khả năng dự đoán đó cho phép hệ thống chăm sóc sức khỏe và bác sĩ chuẩn bị, thích ứng, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng.

Tiến sĩ Daniel McQuillen, Chủ tịch Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ, giải thích, để một đại dịch chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu cần có một nền tảng nhất định. Dù một số người vẫn sẽ nhiễm bệnh, nhưng đó sẽ không phải là một con số cao quá mức với những hậu quả nặng nề khiến công chúng, hệ thống bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ bị quá tải.

Tiến sĩ Paul Goepfert, Đại học Alabama, nhận định: “Không có một quy tắc đơn giản, cứng nhắc nào cho thấy thời điểm đại dịch trở thành bệnh đặc hữu”. Vẫn còn quá sớm để biết tình hình bệnh dịch ở một quốc gia đã đạt đến giai đoạn bệnh đặc hữu chưa. Đó là lý do nhiều người Mỹ lo ngại còn quá sớm để bỏ các quy định về khẩu trang. 

Tuy nhiên, Tiến sĩ McQuillen cho biết các hướng dẫn mới của CDC là sự thay đổi hợp lý. “Chúng ta sẽ chuyển từ việc cố gắng ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh chuyển sang đối phó với ngăn ngừa bệnh nặng và làm thế nào để hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị quá tải, tránh ảnh hưởng tới các hoạt động bình thường khác,” Tiến sĩ McQuillen nói.

Dù là Covid-19 hay các virus đường hô hấp khác, việc bỏ các quy định về khẩu trang bây giờ vẫn là quá sớm.
Dù là Covid-19 hay các virus đường hô hấp khác, việc bỏ các quy định về khẩu trang bây giờ vẫn là quá sớm.

Hiện còn nhiều chuyên gia do dự khi đánh giá Mỹ đã bước vào giai đoạn bệnh đặc hữu hay chưa, vì chỉ thời gian mới cho thấy liệu một biến thể mới có xuất hiện và gây ra biến động tương tự hay không. “Giai đoạn bệnh đặc hữu là khi bạn nhìn thấy những con số liên tục thấp, hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể kiểm soát, và mọi người nhận được sự chăm sóc cần thiết,” Tiến sĩ Chida nói.

Ngay cả khi xã hội bắt đầu trở lại hoạt động bình thường, một số biện pháp y tế công cộng có thể sẽ không hoàn toàn biến mất. TS Kelly Cawcutt , một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH  Nebraska (Mỹ) nói rõ. "Một số biện pháp y tế công cộng đã ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và cũng như giảm thiểu sự lây lan của các virus đường hô hấp khác sẽ còn phải kéo dài," bà Cawcutt cho hay.

Mặc dù nhiều người đang hy vọng rằng biến thể Omicron là một sự báo trước sự kết thúc của đại dịch, song Cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, TS Anthony Fauci cảnh báo rằng một biến thể mới có thể xuất hiện làm mất khả năng miễn dịch do Omicron cung cấp. "Không có dữ liệu nào cho thấy rõ ràng rằng virus đã sử dụng hết các lựa chọn để đột biến và tạo ra các biến thể lây nhiễm mới. Vì vậy, nguy cơ xuất hiện tiếp các biến thể mới là điều hoàn toàn có thể".

SO SÁNH VỚI CÚM MÙA

Trong khi đó, một nghiên cứ mới từ Nhật Bản cho thấy biến chủng Omicron có khả năng gây chết người cao hơn 40% so với cúm mùa. Tỷ lệ tử vong (CFR) được tính bằng công thức số người mắc bệnh qua đời chia cho tổng số ca mắc mới trong một khoảng thời gian nhất định. Với công thức này, CFR do Omicron tại Nhật Bản khoảng 0,13%. 

Theo Bộ trưởng Y tế Nhật Bản, con số này thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ tử vong 4,25% trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021, nhưng so với bệnh cúm mùa (0,006 - 0,09%), tỷ lệ tử vong do Omicron cao hơn khá nhiều. CFR do cúm dựa trên số liệu năm 2018 - 2019 là 0,01 - 0,052%.

 

Cần tích lũy và phân tích thêm dữ liệu. Song, dựa trên các dữ liệu được báo cáo, có thể kết luận tỷ lệ tử vong ở người nhiễm Omicron cao hơn cúm mùa”, GS.TS Hitoshi Oshitani, Trường Đại học Y khoa thuộc Đại học Tohoku, cố vấn cho Bộ Y tế Nhật Bản, nhấn mạnh.

Đồng thời, GS.TS Hitoshi Oshitani đánh giá tỷ lệ tử vong của Omicron vẫn thấp so với các biến chủng trước. Sự sụt giảm tỷ lệ tử vong ở người nhiễm Omicron có thể phản ánh độc lực của nó đã kém đi, đặc biệt so với Delta và lợi ích của việc tiêm chủng.

Các phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch trước khi hoàn thành việc phủ vaccine. Hội đồng cố vấn của Bộ Y tế Nhật Bản cũng nhấn mạnh việc cần có thêm nghiên cứu để xác định tác động của việc nới lỏng biện pháp chống dịch sau khi tất cả các hạn chế được dỡ bỏ. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng dữ liệu mới công bố được thu thập khi hầu hết các biện pháp hạn chế vẫn đang được áp dụng.

Covid-19 và cúm mùa rất khác nhau, nhất là ở giá trị R, tức số người mà một người có thể lây nhiễm.
Covid-19 và cúm mùa rất khác nhau, nhất là ở giá trị R, tức số người mà một người có thể lây nhiễm.

Tương tự, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Auckland (New Zealand), ông Rod Jackson kêu gọi người dân không nên coi nhẹ làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron, và đặc biệt không nên nghĩ rằng đó chỉ như là bệnh cúm mùa. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nghiên cứu mới cho thấy làn sóng Omicron tại New Zealand đạt đỉnh vào tháng 3 với 4.000 ca nhiễm mới/ngày.

Phát biểu với báo giới, Giáo sư Jackson lưu ý rằng "rõ ràng" là người dân chưa thực sự nhìn nhận làn sóng này một cách nghiêm túc. Ông khẳng định việc cho rằng Omicron chỉ gây bệnh nhẹ như cúm là "không đúng." Ông viện dẫn tại Mỹ, số người tử vong vì Omicron đã vượt số ca tử vong vì Delta.

Giáo sư Jackson cũng nhấn mạnh tới một vấn đề khác rất quan trọng khi so sánh giữa cúm với nhiễm biến thể Omicron chính là giá trị R, tức số người mà một người có thể lây nhiễm. Giá trị R của cúm ở mức dưới 2 trong khi với Omicron "chúng ta thậm chí không biết giá trị này lớn đến mức nào," ông nói. "Chắc chắn là cao hơn Delta, biến thể có giá trị R là 6 (tức là một người có thể lây nhiễm cho 6 người)". Chính vì vậy, ông khẳng định rằng hiện tại Covid-19 vẫn là một căn bệnh rất khác với cúm và không nên xem nhẹ.