F0 đã tiêm vaccine có nguy cơ tái nhiễm thấp
Theo định nghĩa của CDC Mỹ, tái nhiễm Covid-19 là hiện tượng mắc bệnh lần hai sau khi đã khỏi hẳn. Kết quả dương tính ghi nhận sau lần đầu tiên ít nhất 90 ngày, trình tự gene virus của hai lần mắc bệnh cũng khác hoàn toàn...
Trong bối cảnh hầu hết các nước chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19 và biến chủng Omicron vẫn lây lan mạnh, số ca tái nhiễm nCoV tăng lên. Hiện tượng F0 có thể nhiễm Omicron hai lần với dòng phụ BA.1 và BA.2 xảy ra ở một số nước như Mỹ, Anh. Song các chuyên gia cho rằng những trường hợp này rất hiếm, đặc biệt là trong khoảng thời gian ngắn. Tình trạng này cũng không nguy hiểm đến mức làm gián đoạn kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế hoặc nới lỏng giãn cách xã hội.
Cho đến nay, tác động ngắn hạn và dài hạn của miễn dịch lai (kết hợp giữa tiêm vaccine và từng nhiễm Covid-19) vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Từ tháng 3/2021, Bộ Y tế Israel cho phép những cá nhân đã khỏi Covid-19 ít nhất 3 tháng được tiêm thêm một liều vaccine Pfizer. Sau đó, sử dụng dữ liệu của dữ liệu này được lấy trong hệ thống Maccabi Healthcare Services - dữ liệu sức khỏe lớn nhất tại Israel, các nhà khoa học đã so sánh tỷ lệ tái nhiễm ở các F0 đã tiêm thêm một liều vaccine và chưa tiêm thêm.
Nghiên cứu được thực hiện với 41 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, dựa trên dữ liệu sức khỏe của 107.413 người từ 16 tuổi trở lên. Trong đó, người nhiễm nCoV được tiêm vaccine ít nhất sau 3 tháng mắc bệnh. Các tình nguyện viên được đánh giá 4 kết quả liên quan Covid-19: Tỷ lệ tái nhiễm nCoV, nhập viện, nguy kịch và tử vong. Những kết quả này được đánh giá trong thời gian từ ngày 2/3/2021 đến 13/12/2021.
Trong số các tình nguyện viên, 1.374 có kết quả tái nhiễm nCoV, gồm 874 người có triệu chứng Covid-19, 10 ca phải nhập viện. Không trường hợp nào tử vong vì Covid-19 trong quá trình theo dõi. Kết quả cho thấy những người được tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm thấp hơn 82% so với nhóm bệnh nhân chưa được tiêm vaccine. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng của họ cũng giảm 76%.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine ngày 15/2. Nó được đánh giá cao vì dựa trên số liệu theo dõi của thế giới thực. Các tác giả nhấn mạnh, ngay cả khi không tiêm vaccine bổ sung, việc tái nhiễm dường như không phổ biến, ít nhất trong 1 năm sau đó.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nghiên cứu trên được thực hiện trước khi biến thể Omicron lây lan trên toàn thế giới. Ngoài ra, giới chuyên môn cảnh báo, hậu quả lâu dài của việc nhiễm và tái nhiễm SARS-CoV-2 vẫn chưa được biết rõ. Do đó, cần tiến hành các kế hoạch tiêm chủng cho các nhóm độ tuổi và nguy cơ khác nhau.
Trước đó, một số nhà khoa học trên thế giới tin rằng tỷ lệ tái nhiễm có thể cao hơn đối với người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ trong lần đầu tiên. Dựa trên các nghiên cứu và nhiều cuộc thảo luận với đồng nghiệp ở Nam Phi, Stanley Weiss, chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Rutgers, nhận định: "Bạn có thể nhiễm Omicron hai lần. Nếu có biểu hiện nhẹ, không có phản ứng miễn dịch tốt và lại tiếp xúc với lượng virus lớn, điều này chắc chắn sẽ xảy ra".
Tuy nhiên, cuối tháng 1, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng, cho biết các trường hợp tái nhiễm cùng loại biến chủng là cực hiếm. "Chúng hiếm khi xảy ra, ít nhất là trong vài tháng, nếu bạn có phản ứng miễn dịch tốt", ông nói. Dữ liệu cũng cho thấy bệnh nhân tái nhiễm nCoV nhìn chung có triệu chứng nhẹ, không gặp nhiều vấn đề.
Trong khi đó, hiện tượng mắc Covid-19 hai lần với hai biến chủng khác nhau phổ biến hơn. Nghiên cứu do Đại học Imperial College London thực hiện cho thấy khoảng hai phần ba trong số hơn 3.500 tình nguyện viên có kết quả dương tính vào tháng 1/2022 từng mắc Covid-19 trước đây. Giới chức y tế Anh hồi tháng 12/2021 ước tính nguy cơ tái nhiễm với biến chủng Omicron lớn hơn 5,4 lần so với Delta.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cảnh báo, người dân có thể nhầm lẫn giữa việc tái nhiễm nCoV và tái dương tính do kit xét nghiệm. Theo tiến sĩ Shira Doron, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Y tế Tufts, nhiều người vẫn xét nghiệm dương tính vài tuần hoặc vài tháng sau khi nhiễm virus. Bà giải thích nguyên nhân là do một số người còn "tàn dư" nCoV trong máu sau mắc bệnh. Virus lúc này không còn hoạt động, nhưng vẫn hiển thị được trên kit PCR có độ nhạy cao. Điều này khiến bệnh nhân nhầm tưởng họ tái nhiễm nCoV, trong khi thực tế chỉ là tải lượng virus còn dư kể từ lần nhiễm ban đầu.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Imperial College London nhận định Omicron là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc mới Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây. Nhóm chuyên gia cho biết: "Tiêm phòng (cả liều tiêu chuẩn và tăng cường) vẫn là nòng cốt trong chương trình chống Covid-19, có thể ngăn ngừa các ca nhập viện".