Mũi tiêm vaccine Covid-19 thứ 4 liệu có cần thiết?
Với nhiều quốc gia, Omicron đã cho thấy một thực tế theo đuổi ngăn chặn lây nhiễm là cách tiếp cận thất bại. Vì thế nhiều nước đã chuyển đổi phương thức chống dịch, từ ngăn chặn lây nhiễm mới sang ưu tiên giảm tỉ lệ nhập viện, tử vong…
Trước đây, nhiều nước coi mũi tiêm tăng cường đóng vai trò quan trọng trong chiến lược y tế cộng đồng nhằm kiểm soát lây lan của virus, sau khi Omicron cho thấy khả năng kháng vaccine, làm giảm hiệu lực của cơ chế hai liều tiêm. Số liệu do giới chức y tế Anh công bố cho thấy cơ chế hai liều tiêm vaccine Moderna và Pfizer chỉ đạt mức hiệu quả 10% trong ngăn chặn lây nhiễm Omicron sau thời điểm 20 tuần tính từ mũi hai. Mũi tăng cường sẽ giúp tăng hiệu lực 75% trong ngăn chặn lây nhiễm có triệu chứng hai tuần sau khi tiêm.
Nhưng hiệu quả bảo vệ của mũi tăng cường lại có xu hướng giảm dần sau 4 tuần. Nghiên cứu cho thấy liều tăng cường có hiệu lực khoảng 55% - 70% trong ngăn chặn lây nhiễm sau khi tiêm từ 5 - 10 tuần, sau đó giảm xuống còn 40% - 50% sau 10 tuần. Giám đốc điều hành hãng Pfizer Albert Bourla hồi tháng 12 cũng từng nhận định người dân có thể cần đến mũi thứ 4 và thời hạn tiêm có thể rút ngắn hơn do mức độ lây lan nhanh của biến thể Omicron.
Tuy nhiên, giới khoa học hiện tại lại có ý kiến phản đối việc tiêm mũi thứ 4 hay tiêm nhắc định kỳ với thời hạn 6 tháng. Giáo sư Andrew Pollard - một trong các chuyên gia tham gia sáng chế vaccine AstraZeneca và là người đứng đầu Nhóm vaccine Đại học Oxford (Oxford Vaccine Group), đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc một số nước vội vã triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4.
Ông cho rằng mũi nhắc lại có thể chỉ cần thiết với người dễ bị tổn thương dù số này đã hoàn tất quy trình tiêm 3 mũi vaccine. Những người thuộc nhóm này gồm có người già, người có hệ miễn dịch suy yếu. “Việc tiêm nhắc 6 tháng một lần với tất cả mọi người là tốn kém, không bền vững và thậm chí không cần thiết,” giáo sư Pollard nêu quan điểm.
Mới đây, một nghiên cứu sơ bộ được công bố hôm 15/2 cũng cho thấy đối với dân số nói chung, mũi tiêm thứ 4 là không cần thiết. Mũi thứ 4 của cùng một loại vaccine - trong trường hợp này là Pfizer-BioNTech hoặc Moderna - cung cấp rất ít khả năng bảo vệ chống lại nhiễm bệnh so với 3 mũi.
Theo đó, tờ Nature dẫn lời nhà miễn dịch học Miles Davenport từ Đại học New South Wales (Sydney - Úc) cho hay các kết quả hiện tại cho thấy vaccine Covid-19 đã đạt đến mức miễn dịch giới hạn sau liều thứ 3. Theo dự báo của tiến sĩ Davenport, các liều tiêm tiếp theo, nếu có, có thể là sau nhiều tháng hoặc thậm chí vài năm, chủ yếu sẽ chỉ cần để phục hồi khả năng miễn dịch đã mất theo thời gian.
Tiến sĩ Gili Regev -Yochay từ Trung tâm Y tế Sheba (Ramat Gan - Israel), đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho hay các kết luận này được rút ra từ nghiên cứu dựa trên 274 nhân viên y tế đã được tiêm liều thứ 4 (mũi tăng cường thứ 2) cuối năm 2021. Họ được chủng ngừa bằng vaccine Pfizer hoặc Moderna. Một nhóm chỉ tiêm 3 mũi khác cũng được tập hợp để đối chứng. Kết quả cho thấy, liều thứ tư có nâng cao mức độ kháng thể trung hòa của người được tiêm nhưng không đáng kể và không vượt qua mức quan sát được ngay sau liều thứ 3, cũng không kích hoạt được tế bào T thêm nữa như kỳ vọng trước đó.
Mặc dù mũi tiêm bổ sung làm tăng nồng độ kháng thể lên trên mức được quan sát thấy ngay sau mũi tiêm thứ 3, nhưng sự gia tăng kháng thể không chuyển thành khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại nhiễm bệnh. Theo báo cáo của Regev-Yochay và nhóm của bà, liều bổ sung làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh chỉ khoảng 10% đến 30%. Trong thời gian nghiên cứu 30 ngày, khoảng 20% số người được tiêm thêm mũi tiêm thứ 4 đã bị nhiễm biến thể Omicron, so với khoảng 25% số người chỉ được tiêm 3 mũi.
Liều thứ 4 dường như không kích hoạt các tế bào T, vốn rất quan trọng để loại bỏ nhiễm bệnh trong tương lai. Regev-Yochay và các đồng nghiệp của bà kết luận rằng liều thứ 4 phục hồi một số khả năng bảo vệ đã mất sau lần tiêm thứ 3 nhưng không tăng cường miễn dịch hơn thế.
Mặc dù các nhà khoa học không biết chính xác lý do tại sao liều thứ 4 không kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, nhưng một số người tin rằng vaccine hiện tại có thể không phải là công cụ tốt nhất để chống lại một biến thể có khả năng lây nhiễm như Omicron. Các loại vaccine đang được sử dụng được thiết kế để chống lại các biến thể lưu hành vào năm 2020, rất khác với Omicron.
Ngoài ra, tuy virus biến đổi, nhưng những bộ phận khác của hệ miễn dịch, như tế bào T hay tế bào B vẫn duy trì tốt sức đề kháng trước các biến thể sau mũi tiêm thứ 3, thậm chí là mũi hai. Không thể ngăn chặn lây nhiễm, nhưng chính những tế bào này giúp giảm tình trạng diễn tiến bệnh nặng và từ đó giữ cho tỉ lệ nhập viện, tử vong ở mức thấp.
Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu lưu ý chỉ một số người cao tuổi hoặc mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch (ví dụ bệnh nhân HIV) có thể sẽ cần đến liều thứ 4 khi có làn sóng dịch bệnh gia tăng đột biến ở khu vực. Bởi lẽ, với nhóm này, khả năng bảo vệ của các liều vaccine sẽ không được như người khỏe mạnh.
Một nghiên cứu đăng trên Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong (MMWR) của CDC Mỹ trong tháng 2/2022 cũng cho thấy 3 mũi vaccine cung cấp khoảng 90% khả năng bảo vệ khỏi nhập viện do nhiễm Omicron 2 tháng sau liều cuối cùng. Sự bảo vệ đó giảm xuống khoảng 80% sau 4 tháng. Do đó, liều thứ 4 có thể sẽ giúp mở rộng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng cho những người trên 65 tuổi, những người có các yếu tố sức khỏe làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.