11:14 23/02/2022

Chuyện gì xảy ra nếu “Omicron tàng hình” trở thành biến thể chiếm ưu thế?

Hoài Phương

BA.2 là một trong 4 biến chủng dòng phụ của Omicron. Chủng phổ biến nhất hiện tại là BA.1, nhưng BA.2 đang có dấu hiệu "vượt mặt" chủng họ hàng khi các nghiên cứu chỉ ra rằng BA.2 dường như có khả năng lây nhiễm nhanh hơn BA.1 khoảng 1,5 lần…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của WHO, trong tuần qua, số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 toàn cầu giảm so với tuần trước đó, với tỷ lệ lần lượt là 21% và 9%. Điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh tại nhiều điểm nóng có dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, còn quá sớm để yên tâm bởi sự lây lan âm thầm của dòng phụ  biến thể Omicron, được gọi là BA.2 hay “Omicron tàng hình”. 

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo: “Chúng ta vẫn chưa an toàn. Điều đáng chú ý là cho đến nay, nước Đức mới chỉ ghi nhận khoảng 15% ca mắc biến thể BA.2. Ở các quốc gia khác, tỷ lệ này cao hơn. Tôi tin rằng chúng ta đã vượt qua đỉnh của sóng Omicron, tương ứng với những gì chúng ta đã dự đoán. Nhưng nếu biến thể BA.2 lan rộng hơn nữa ở Đức, nó sẽ khiến thành công mà tôi vừa nói đến gặp nguy hiểm”.

Theo Giáo sư Kingston Mills, chuyên gia miễn dịch học tại Trinity College Dublin, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy biến thể phụ BA.2 có thể gây bệnh nặng hơn Omicron. Tuy nhiên, Giáo sư Kingston Mills cho rằng không nên vội vàng kết luận gây hoang mang vì vẫn chưa có những dữ liệu thực tế để chứng minh về đặc điểm của biến thể mới.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện BA.2 chiếm khoảng 1/5 số ca mới nhiễm biến thể Omicron trên toàn thế giới. Ngoài Đan Mạch, dòng phụ BA.2 đang trở thành biến thể chủ đạo ở một số nước châu Á, như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Philippines. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, BA.2 lây lan nhanh hơn các dòng phụ khác của Omicron. Vì khả năng lây lan này, các nhà khoa học lo ngại sự nổi lên của BA.2 sẽ có thể kéo dài làn sóng lây nhiễm hiện nay và khiến thêm nhiều người nhập viện và tử vong.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện BA.2 chiếm khoảng 1/5 số ca mới nhiễm biến thể Omicron trên toàn thế giới.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện BA.2 chiếm khoảng 1/5 số ca mới nhiễm biến thể Omicron trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, trao đổi với tờ CNN, Tiến sĩ Leana Wen, chuyên gia phân tích y học từ ĐH George Washington cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy BA.2 gây triệu chứng nặng hơn chủng gốc - biến thể vốn được cho là sẽ gây triệu chứng nhẹ hơn so với các chủng trước kia, như Delta. Đa số chúng ta thường sẽ không biết mình đang mắc biến thể nào, vì các triệu chứng tương đối giống nhau, và việc phân biệt cần đến công nghệ giải mã gene đặc biệt chỉ tồn tại trong phòng thí nghiệm.

Hơn nữa, các nghiên cứu sơ bộ tại Anh còn cho thấy những người đã tiêm chủng hoặc tiêm mũi tăng cường đều được bảo vệ trước cả 2 biến thể Omicron. Đây là điều quan trọng, vì nó có nghĩa những người đã tiêm vaccine sẽ khó mắc bệnh nặng hơn khi nhiễm biến thể mới. Ngoài ra, một người nếu đã nhiễm biến thể Omicron gốc, rất khó để có thể nhiễm lại biến thể mới. Các F0 khỏi bệnh, đặc biệt là khi kết hợp với yếu tố tiêm chủng, có thể được bảo vệ khỏi khả năng tái nhiễm. Chúng ta chưa rõ lượng miễn dịch này sẽ tồn tại trong bao lâu, nhưng với việc BA.1 và BA.2 có sự tương đồng thì nhiều khả năng người đã nhiễm Omicron gốc sẽ không mắc lại biến thể phụ của nó, ít nhất là trong tương lai gần.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu BA.2 trở thành biến thể chiếm ưu thế? Thực tế, điều này đã xảy ra ở một vài quốc gia. Một biến thể lây nhiễm mạnh hơn, nghĩa là nó có khả năng thay thế chủng cũ. Theo Tiến sỹ Wen, viễn cảnh tốt nhất là chúng ta có đủ khả năng bảo vệ người dân nhờ vaccine và các ca nhiễm tự nhiên, qua đó không làm số ca nhiễm tăng đột biến. Viễn cảnh khác là BA.2 sẽ cho chúng ta thấy số ca nhiễm sụt giảm ban đầu, rồi phải đối mặt với làn sóng thứ 4 dai dẳng hơn. Trong cả 2 viễn cảnh, điều quan trọng là tiếp tục theo dõi xem liệu vaccine có khả năng bảo vệ chúng ta khỏi các triệu chứng nặng khi nhiễm bệnh hay không. Nếu có, đó là thành công của vaccine.

Các F0 khỏi bệnh, đặc biệt là khi kết hợp với yếu tố tiêm chủng, có thể được bảo vệ khỏi khả năng tái nhiễm.
Các F0 khỏi bệnh, đặc biệt là khi kết hợp với yếu tố tiêm chủng, có thể được bảo vệ khỏi khả năng tái nhiễm.

Trước đó, trả lời phỏng vấn trên Irishtimes.com, Giáo sư Sam McConkey, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm tại Ireland, cũng cho biết ông "hy vọng" bệnh trạng mà biến thể phụ này gây ra sẽ ở mức tương đương biến thể Omicron. Theo Giáo sư McConkey, một yếu tố quan trọng cần theo dõi để có thể đưa ra kết luận là tỷ lệ miễn dịch chéo, tức là khả năng miễn dịch ở người đã nhiễm biến thể Omicron trước biến thể phụ này.

Trong khi đó, Tiến sỹ Michael Power, từ bệnh viện Beaumont ở Dublin, cho biết biến thể phụ đang lây lan nhưng chưa có tác động đáng chú ý tới số lượng bệnh nhân Covid-19 phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Bên cạnh đó, các nhà khoa học đều cho rằng, gần như chắc chắn đây chưa phải là biến thể cuối cùng của nCoV. Các biến thể mới sẽ xuất hiện, bởi đó là cơ chế của virus - chúng đột biến khi nhân bản. Nhưng biến thể mới có khiến thế giới phải lo ngại hay không thì phụ thuộc vào khả năng lây nhiễm, độc lực và khả năng né tránh miễn dịch. Đó là lý do vì sao việc theo dõi trong thời gian thực là điều quan trọng, và vaccine sẽ nắm vai trò cốt lõi. Miễn dịch càng phủ cộng đồng, khả năng virus lây lan và đột biến sẽ thấp hơn.