09:00 05/01/2024

Mức lương được trả cao nhất tại Hà Nội năm 2023 là 125 triệu đồng

Nhật Dương

Người nhận mức lương cao nhất trong năm 2023 tại Hà Nội làm việc tại doanh nghiệp dân doanh. Trong khi đó, lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có mức tiền lương bình quân năm 2023 cao nhất, với 7,4 triệu đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa thông tin về tình hình tiền lương, quan hệ lao động năm 2023 từ báo cáo của hơn 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn.

MỨC TIỀN LƯƠNG CAO NHẤT THUỘC VỀ DOANH NGHIỆP DÂN DOANH 

Trong đó, khối doanh nghiệp dân doanh có mức tiền lương cao nhất với 125 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp có mức tiền lương thấp nhất là 4,68 triệu đồng/người/tháng. Tiền lương bình quân năm 2023 ở khu vực này đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng.

Xếp thứ hai về mức tiền lương cao thuộc về khối doanh nghiệp FDI, với mức cao nhất đạt 70 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất bằng với khu vực dân doanh, cùng 4,68 triệu đồng/người/tháng. Khối doanh nghiệp FDI cũng là khu vực có mức tiền lương bình quân năm cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp được khảo sát, với 7,4 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, loại hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước đều có mức tiền lương bình quân năm 2023 ngang nhau, đạt mức 7 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, hai khu vực này cũng có mức tiền lương thấp nhất bằng nhau, với 5,1 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, mức tiền lương cao nhất ở Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước nhỉnh hơn một chút, đạt mức 29,8 triệu đồng/người/tháng, trong khi Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt mức 25 triệu đồng/người/tháng.

Đối với tình nợ lương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, đại dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát, khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023.

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn kinh phí chi trả lương dẫn đến nợ lương người lao động.

Theo số liệu tổng hợp tại thời điểm báo cáo, hiện có 1 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nợ lương người lao động với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Hiện nay, doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm nguồn tài chính để kịp thời chi trả tiền lương đối với người lao động.

Trong năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 94 vụ tranh chấp lao động, song không xảy ra cuộc đình công nào. Quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì được sự hài hòa, ổn định.

Thường xuyên có hoạt động kết nối, tương tác với các doanh nghiệp, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) thông tin, theo quan sát của đơn vị này, với địa bàn Hà Nội, nhìn chung các doanh nghiệp vẫn đưa ra chế độ, quyền lợi hết sức tích cực đối với người lao động.

“Theo ghi nhận của chúng tôi, các doanh nghiệp đưa ra các chế độ không đến mức sụt giảm hoặc chi trả mức lương quá thấp so với mặt bằng chung đối với các vị trí việc làm tương đương trên thị trường lao động”, ông Thành cho hay.

Theo ông Thành, với mỗi doanh nghiệp đến phiên giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động, đơn vị đều cố gắng tư vấn hết sức cụ thể về những lĩnh vực, vị trí việc làm, phân khúc lương, từ đó nhằm hướng dẫn doanh nghiệp đưa ra các chế độ phù hợp trong tuyển dụng lao động, đảm bảo quy định của pháp luật.

Thậm chí, doanh nghiệp cũng sẽ được tư vấn để có thể dành những ưu đãi tích cực, nhằm thu hút được nguồn lao động tham gia làm việc tại đơn vị mình trong bối cảnh cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt.

HƯỚNG DẪN, GIÁM SÁT DOANH NGHIỆP TRONG TRẢ LƯƠNG, THƯỞNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Về phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, Sở đã phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp nợ lương thanh toán tiền lương cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Đảm bảo mọi quyền lợi cho người lao động, nhất là trong dịp Tết. Ảnh: N.Dương.
Đảm bảo mọi quyền lợi cho người lao động, nhất là trong dịp Tết. Ảnh: N.Dương.

Sở cũng đã phối hợp với Liên đoàn lao động thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, và các ngành có liên quan chủ động kịp thời hướng dẫn người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định pháp luật.

Theo đánh giá, phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp, nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi đối với người lao động trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã triển khai tuyên truyền tập huấn pháp luật lao động và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp (như nâng cao năng lực hòa giải viên lao động, mở các lớp đối thoại, giải đáp thắc mắc đối với người lao động và doanh nghiệp...).

Đồng thời, tham gia phối hợp và hỗ trợ về công tác chuyên môn đối với các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tranh chấp trên địa bàn thành phố, nhằm ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn, nhất là vào dịp Tết.

Theo ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, dự báo năm 2024 thị trường lao động vẫn còn những khó khăn nhất định, vì thế, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động được kết nối đồng bộ, liên thông tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn, đảm bảo về cung - cầu lao động.

Thành phố cũng sẽ hình thành hệ thống thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới cơ sở.

Đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân tích dự báo cung - cầu lao động làm cơ sở xây dựng các giải pháp phát triển thị trường lao động. Bên cạnh đó, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng, hỗ trợ người lao động tìm được việc làm, người sử dụng lao động tuyển dụng được lao động phù hợp.