12:15 02/12/2023

Công nhân kiến nghị có chính sách tạo việc làm bền vững, tiền lương đủ sống

Thu Hằng

Gửi kiến nghị đến Đại hội Công đoàn XIII, đoàn viên, người lao động kiến nghị Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động...

Phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam chính thức khai mạc sáng 2/12.
Phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam chính thức khai mạc sáng 2/12.

Sáng 2/12, phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.

LƯƠNG TỐI THIỂU TĂNG HƠN 25% TRONG 5 NĂM 

Báo cáo tóm tắt về những kết quả của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII), ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp, kéo dài của dịch bệnh Covid – 19 đối với đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn, song hoạt động công đoàn tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhất là trong việc thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, có kiến nghị xác đáng tại Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần tăng lương tối thiểu vùng 25,34% so với đầu nhiệm kỳ.

Cùng với đó, đã đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể theo hướng thực chất, tập trung vào các vấn đề tiền lương, điều kiện và thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động.

Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 – 2018. 

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động; phối hợp tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, ban hành 5 chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động và con của người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid – 19, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng với 10 triệu lượt người lao động được thụ hưởng; tham gia đề xuất, phối hợp tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chương trình, mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động mang đậm dấu ấn Công đoàn như “Tết Sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Phiên chợ Công nhân”... tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ  khó khăn về nhà ở, nơi khám chữa bệnh, hạ tầng xã hội dành cho công nhân...

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo về kết quả thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua. 
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo về kết quả thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua. 

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2023 – 2028, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, tổ chức công đoàn sẽ tập trung thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động.

Đồng thời, xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh...

CÓ CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ TRONG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

Cũng tại Đại hội, nhiều kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đối với Đảng, Nhà nước đã được gửi đến Đại hội.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thông qua đại hội công đoàn các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã nhận được 445 ý kiến của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

Trong đó, về việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động, người lao động kiến nghị các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động.

Người lao động cũng kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động.

Trong đó, cần đột phá trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng, đào tạo công nghệ theo yêu cầu cách mạng 4.0 cho công nhân.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp có công nghệ cao, năng lực quản trị tốt, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm xã hội. Hạn chế thu hút các doanh nghiệp thâm dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật thấp, trách nhiệm xã hội không cao.

Đặc biệt tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động.

Người lao động cũng mong muốn Nhà nước có chính sách huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu tham dự Đại hội Công đoàn XIII. 
Đại biểu tham dự Đại hội Công đoàn XIII. 

Đồng thời, quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân; hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người lao động nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với hệ thống bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động không chỉ lúc đang làm việc mà cả lúc họ nghỉ hưu.

NGHIÊN CỨU GIẢM GIỜ LÀM VIỆC TRONG TUẦN CÒN 40 GIỜ

Về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, người lao động đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Từ đó, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Đồng thời, nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày. Nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh (nghỉ từ mùng 2-5/9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.

Công nhân kiến nghị có chính sách tạo việc làm bền vững, tiền lương đủ sống - Ảnh 1

Ngoài ra, người lao động cũng đề nghị tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động.

Theo đó, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động.

Đặc biệt, khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích người lao động của chính quyền một số địa phương.

Mặt khác, kiến nghị Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, pháp sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.