07:00 12/02/2025

Mỹ viện trợ nước ngoài nhiều nhất thế giới

Đức Anh

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Mỹ là nước viện trợ nước ngoài nhiều nhất thế giới, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giáo dục, y tế và nhân quyền tại nhiều quốc gia đang phát triển và hỗ trợ quân sự cho các quốc gia đồng minh chiến lược...

USAID đang đứng trước nguy cơ bị giải thể - Ảnh: AP
USAID đang đứng trước nguy cơ bị giải thể - Ảnh: AP

Không lâu sau khi nhậm chức vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh dừng phần lớn các khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ trong 90 ngày. Theo các quan chức Chính phủ Mỹ, thời gian tới Washington sẽ đánh giá lại các khoản viện trợ nước ngoài hiện tại để xác định sự phù hợp với chương trình nghị sự “nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

Tuy nhiên, ngày 28/1, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio đã ký lệnh miễn trừ khỏi sắc lệnh trên đối với các khoản viện trợ nhân đạo dành cho các dự án như bệnh viện dã chiến ở các khu vực chiến sự.

Trong năm tài khóa năm 2023, bắt đầu từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023, Mỹ chi gần 65 tỷ USD cho viện trợ nước ngoài. Đây là mức viện trợ nước ngoài lớn nhất trong số các nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, con số này chỉ tương đương 0,24% GDP năm 2023 của Mỹ - tỷ lệ thấp hơn nhiều so với của các nước như Nhật, Anh và Pháp.

Mỹ viện trợ nước ngoài nhiều nhất thế giới - Ảnh 1

Đa số viện trợ nước ngoài của Mỹ dành cho các dự án phát triển kinh tế và nhân đạo trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia đối mặt khủng hoảng nhân đạo do xung đột như Sudan, Ethiopia hay Cộng hòa dân chủ Congo. Tuy nhiên, quyết định phân bổ viện trợ của Washington cũng thường xét đến tầm quan trọng của nước nhận viện trợ đối với an ninh quốc gia của Mỹ và các ưu tiên toàn cầu.

Mỹ viện trợ nước ngoài nhiều nhất thế giới - Ảnh 2
Mỹ viện trợ nước ngoài nhiều nhất thế giới - Ảnh 3

Trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Israel - một nước thu nhập cao - là nước nhận viện trợ nhiều nhất từ Mỹ suốt nhiều năm. Năm tài khóa 2024, nước này đứng vị trí thứ hai.

Jordan và Ai Cập, hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, cũng nằm trong top 5 nước nhận nhiều viện trợ nhất từ Washington. Từ năm 2022, Ukraine đươc Mỹ viện trợ nhiều nhất, kể cả khi trừ đi sự hỗ trợ về quân sự.

Trong khi đó, tỷ trọng viện trợ Mỹ dành cho các quốc gia châu Phi và các nước thu nhập thấp đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua.

Phần lớn viện trợ nước ngoài của Mỹ do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phân bổ. Được thành lập vào năm 1961 bởi Tổng thống John F. Kennedy, cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý gần 70% viện trợ nước ngoài của Mỹ. Tuy nhiên, ngày 4/2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ chi nhánh ở nước ngoài của USAID và triệu hồi hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu. Ngay sau đó, liên đoàn công nhân viên chức chính phủ lớn nhất nước Mỹ và một hiệp hội công nhân viên chức ngoại giao đã khởi kiện Chính phủ để ngăn chặn nỗ lực giải thể USAID.

Tới ngày 7/2, thẩm phán liên bang Mỹ Carl Nichols cho biết ông sẽ ban hành một lệnh tạm thời nhằm ngăn chặn một số bước giải thể USAID của chính quyền Tổng thống Trump.

Theo các nhà phân tích, hoạt động viện trợ nước ngoài của Washington thời gian tới sẽ có sự thay đổi lớn, trong bối cảnh Tổng thống Trump chủ trương cắt giảm chi tiêu liên bang cho hoạt động này theo hướng đặt nước Mỹ lên trên hết.