Nhật Bản đầu tư kỷ lục vào Mỹ
Đầu tư của Nhật vào Mỹ tăng gấp hơn hai lần trong thập kỷ qua lên mức cao nhất kể từ năm 2014 và chiếm gần 40% tổng FDI ra nước ngoài của quốc gia châu Á này trong năm ngoái...
![Ảnh minh họa: Reuters](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/11/fdo5cthrkblxhkg6a4a53vhgpu.png)
Theo dữ liệu mới công bố của Bộ Tài chính Nhật Bản, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ròng của nước này tăng 17% trong năm 2024, đạt 31,63 nghìn tỷ yên (208,2 tỷ USD), mức cao nhất kể từ năm 1996. Con số này không gồm các thương vụ mua lại công ty nước ngoài và đầu tư vào công ty của Nhật ở nước ngoài, đồng thồi trừ đi số vốn được rút khỏi các dự án trước đó.
Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng của Nhật Bản vào Mỹ lập kỷ lục 11,73 nghìn tỷ yên (tương đương 77,3 tỷ USD), nối tiếp đà tăng trước đó trong bối cảnh mối lo về kinh tế và địa chính trị khiến đầu tư của nước này vào Trung Quốc giảm xuống. Số vốn trên chiếm gần 40% tổng FDI ròng của Nhật ra nước ngoài và tăng gấp hơn hai lần kể từ năm 2014 - thời điểm Bộ Tài chính Nhật Bản bắt đầu công bố lượng vốn FDI mà Nhật rót vào từng quốc gia.
Trái lại, FDI ròng của Nhật vào Trung Quốc trong năm 2024 là 493,1 tỷ yên, gần tương đương với năm trước nhưng giảm gần 60% so với 10 năm trước.
FDI của Nhật vào các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng 36% trong 10 năm, lên 4,44 nghìn tỷ yên.
“Doanh nghiệp Nhật có thể đang kiềm chế đầu tư vào Trung Quốc do rủi ro địa chính trị gia tăng và suy giảm kinh tế do khủng hoảng bất động sản tại nước này”, ông Takeshi Makita, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Nhật Bản, nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh rằng xu hướng này bắt đầu tăng lên kể từ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng ngày 7/2, ông Trump bày tỏ mong muốn đưa thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản “xuống mức cân bằng”. Tổng thống Mỹ cũng nói với nhà lãnh đạo Nhật việc ông có kế hoạch áp thuế với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ - ý định đã được hiện thực hóa bằng một sắc lệnh điều hành vào tối ngày 10/2. Trong bối cảnh này, giới phân tích nhận định doanh nghiệp Nhật có thể sẽ có xu hướng đẩy mạnh sản xuất tại Mỹ thay vì sản xuất ở nước ngoài rồi xuất khẩu vào thị trường này.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc gặp, Thủ tướng Nhật nhấn mạnh Mỹ là đối tác quan ngoại giao và an ninh quan trọng nhất của Nhật, đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác để nâng tổng mức đầu tư của Nhật vào Mỹ lên mức cao chưa từng thấy là 1 nghìn tỷ USD – một đề nghị nhận được sự hoan nghênh của Tổng thống Mỹ.
Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Nhật được đẩy mạnh dù đồng yên yếu khiến hoạt động này trở nên tốn kém hơn. Năm ngoái, tỷ giá đồng yên so với USD bình quân 151,48 yên đổi một USD, giảm 7,8% so với năm 2023.
Trong tổng FDI ra nước ngoài của Nhật năm ngoái, lợi nhuận tái đầu tư thay vì hồi hương chiếm hơn 40%, nhưng xét về giá trị chỉ tăng gần 3% so với năm trước. Gần 60% còn lại là vốn cổ phần.
Trong khi đó, FDI vào Nhật năm ngoái tương đối ảm đạm khi giảm 13% xuống còn 2,56 nghìn tỷ yên. Con số này giảm mạnh so với mức đỉnh 6,7 nghìn tỷ yên ghi nhận vào năm 2020.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật cũng cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của nước này tăng 30% lên mức cao kỷ lục 29,26 nghìn tỷ yên. Thâm hụt thương mại ở cả hàng hóa và dịch vụ giảm xuống lần lượt là 3,9 nghìn tỷ yên và 2,62 nghìn tỷ yên.
Ở mảng dịch vụ, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á ghi nhận mức thặng dư du lịch cao nhất trong lịch sử là 5,9 nghìn tỷ yên. Con số này được tính bằng cách lấy chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật trừ đi chi tiêu của du khách Nhật ở nước ngoài. Tuy nhiên, dịch vụ kỹ thuật số mới là ngành có thặng dư lớn nhất năm ngoái với 6,6 nghìn tỷ yên.