Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 1
Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 2

Quản trị doanh nghiệp tốt là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của doanh nghiệp, giúp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, mang lại lợi nhuận, tạo ra lợi thế cạnh tranh, tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập, cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, sự tham gia tích cực của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và phát triển thị trường vốn,... các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận và áp dụng những nguyên tắc và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại theo thông lệ quốc tế, để ngoài việc tuân thủ tốt những quy định của pháp luật, còn phải phù hợp với các quy tắc của thị trường, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và tạo động lực phát triển ổn định nền kinh tế đất nước.

Trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19 (2016-2019) lực lượng doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển khá nhanh. Số doanh nghiệp tăng bình quân 10,8%/năm và khu vực tư nhân trong nước tăng 10,9%. Tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp đã giảm đi nhanh trong trong năm đầu tiên của đại dịch chỉ còn 2,3% và riêng khu vực tư nhân là 1,9%. Nguyên nhân gây ra thực trạng này là do hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ vì các biện pháp kiểm soát Covid-19 khá nghiêm ngặt.

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 3

Sang năm 2021, tốc độ tăng đã phục hồi nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Năm 2021, cả nước có 116.839 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,4% về số doanh nghiệp so với năm 2020, giảm 8,9% so với bình quân năm giai đoạn 2016-2020; 54.960 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, tăng 18,0% so với năm 2020, tăng 90,8% so với bình quân giai đoạn 2016-2020 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022).

Trong 8 tháng đầu năm 2023: số doanh nghiệp thành lập mới là 103.658 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 969.618; tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022.  124.684 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 71.833 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 34.478 doanh nghiệp (chiếm 48,0%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 63.736 doanh nghiệp (chiếm 88,7%, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2023).

Các số liệu thống kê về tình hình đăng ký doanh nghiệp và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cho thấy nền kinh tế đang thực sự đối mặt với rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài gây bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp, vốn đã suy yếu từ trước; đồng thời, mất nhiều thời gian hơn để phục hồi nền kinh tế sau khi kiểm soát được dịch và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Theo danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) được Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây, so giữa hai năm diễn ra đại dịch Covid-19 và một năm trước đó, có biến động khá lớn về số doanh nghiệp ra vào trong danh sách VPE500, nhưng nhìn chung mức độ biến động vẫn thấp hơn giai đoạn kinh tế ổn định. Năm 2020, có 95/500 doanh nghiệp (19%) không còn trong xếp hạng VPE50 của năm 2019, những doanh nghiệp này tập trung vào nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, như: bất động sản và xây dựng (23/89), thương mại (15/73), dệt may (7/32), chế biến thực phẩm (9/70).

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 4

Chỉ có một số ít ngành vẫn giữ được số lượng thuộc VPE500 là những ngành được đánh giá là hưởng lợi trong Covid-19, như: thông tin truyền thông, bưu chính, phân phối điện. Đến năm 2021, tiếp tục có tới 63 doanh nghiệp rời khỏi Danh mục, nâng tổng số rời đi sau hai năm lên tới 158, tương đương 31,6% và vẫn tập trung vào các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng ở trên. Bên cạnh đó, ngay cả với các doanh nghiệp vẫn còn duy trì trong bảng xếp hạng, thứ hạng của các doanh nghiệp này cũng giảm đi nhanh chóng, tỷ lệ giảm trên 50 bậc là trên 60%.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân không chỉ thể hiện ở đóng góp vào phát triển kinh tế, mà còn ở khía cạnh an sinh xã hội, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP. Thu từ doanh nghiệp tư nhân tăng từ 157.082 tỷ đồng (năm 2016) lên 247.104 tỷ đồng (năm 2020), tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt gần 12%.

Số doanh nghiệp do nữ làm chủ ngày càng tăng, tạo nhiều việc làm hơn cho phụ nữ. Đã có những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ không những là doanh nghiệp tầm cỡ trong nước mà còn vươn ra quốc tế, góp phần làm tăng uy tín và vị thế của đất nước như đã có hàng chục lượt nữ doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách “Top 50 doanh nhân quyền lực châu Á”, “Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu”, “Giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực”, “50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp và khu vực”…

Khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có những đóng góp lớn vào an sinh, xã hội, thể hiện rất rõ trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp tư nhân đã chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch bệnh.

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 5

Những doanh nghiệp lớn như Masan Group, Thế giới Di động, Vietjet Air, Vinamilk, Vingroup… đang từng bước tạo dựng thương hiệu và định vị giá trị doanh nghiệp trên thị trường khu vực và quốc tế. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân lớn đã thành lập quỹ, trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu để tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như Vingroup, FPT,…

Một số tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp lớn (Vingroup, Vietjet, FPT, Trường Hải, Masan, T&T, Vinamilk, TH, Lộc Trời…) đã đầu tư theo chiều sâu, mở rộng thị trường ra khu vực và quốc tế, nâng cao khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, đầu tư ra nước ngoài với quy mô ngày càng tăng, hướng đến các đối tác phát triển như: Úc, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Năm 2019, theo công bố của tạp chí Forbes Asia, 7 tập đoàn Việt Nam đã lọt vào nhóm 200 công ty niêm yết có hoạt động hàng đầu trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương với doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên; 40 thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam năm 2018 có tổng giá trị hơn 8,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với danh sách được công bố năm 2017. Các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng chính là lực lượng đầu tàu để lôi kéo đoàn tàu doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Hiện tại, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã sở hữu các khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng được trao giải thưởng đẹp nhất thế giới hoặc khu nghỉ dưỡng lãng mạn nhất thế giới. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng giữ nhiều kỷ lục thế giới đối với các khu du lịch sử dụng cáp treo như tháp cáp treo cao nhất thế giới, cáp treo 3 dây không dừng dài nhất thế giới.

Việt Nam cũng xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nhân tỷ phú. Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2022, theo đó Việt Nam có 7 doanh nhân  tỷ phú trong danh sách ở các lĩnh vực như bất động sản, tài chính và đầu tư, ngành hàng ăn uống, ô tô, hàng không.

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 6

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản trị công ty.

Các luật chính điều chỉnh hoạt động quản trị công ty ở Việt Nam là Luật Doanh nghiệp (2020), Luật Chứng khoán (2019) và các nghị định, thông tư,quyết định hướng dẫn thi hành hai luật này. Luật Kế toán (2015) và Luật Kiểm toán độc lập (2011) đặt ra khuôn khổ pháp lý về báo cáo tài chính, kế toán và kiểm toán trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam. Ngoài ra, các luật khác (Luật Đầu tư (2005), Luật Cạnh tranh (2018), Luật Các tổ chức tín dụng (2010) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (2010)) giúp củng cố hơn nữa khuôn khổ quản trị công ty ở Việt Nam. Các công ty Việt Nam cũng phải tuân thủ các Luật: Chống tham nhũng, Phá sản, Thương mại, Cạnh tranh, Xây dựng, Lao động, Đấu thầu và Thuế. Liên quan đến các công ty niêm yết, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) có một số quyền hạn thi hành, bao gồm khả năng phạt tiền và đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép. UBCKNN cũng có thể ban hành các chỉ thị về việc tuân thủ các quy định và luật  về chứng khoán có liên quan.

Quản trị công ty tại các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn và doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Theo Báo cáo Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN (ACGS) năm 2019, quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam ở mức thấp nhất trong 6 nước, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Doanh nghiệp Việt Nam đã có một số cải thiện về quản trị công ty, thể hiện ở vai trò của các bên liên quan, công bố và minh bạch thông tin và trách nhiệm của hội đồng quản trị.

Cho kết quả tương tự, Bộ tiêu chí quản trị công ty áp dụng cho Doanh nghiệp niêm yết Việt Nam năm 2019 (VCGS)  cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp Việt Nam có các tiến bộ nhất định trong công bố thông tin về thực hành quản trị công ty tại doanh nghiệp và việc thực thi vai trò trách nhiệm của hội đồng quản trị. Mức độ công bố thông tin về các khía cạnh phát triển bền vững cũng có cải thiện đáng kể trên tổng thể các doanh nghiệp được đánh giá.

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 7

Quản trị công ty có khác biệt đáng kể giữa nhóm doanh nghiệp quy mô lớn và nhóm doanh nghiệp có quy mô trung bình so với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Tỷ lệ đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị công ty của doanh nghiệp có vốn hóa lớn vẫn cao hơn đáng kể so với 2 nhóm còn lại, đặc biệt trong việc đáp ứng các thông lệ tốt.

Tỷ lệ đáp ứng các yêu cầu tuân thủ của doanh nghiệp lớn là 73,1%, doanh nghiệp quy mô trung bình là 70,7% và của doanh nghiệp nhỏ là 66,1%. Tỷ lệ đáp ứng bình quân của các thông lệ quản trị tốt của thế giới của doanh nghiệp lớn là 48,7%, của doanh nghiệp quy mô trung bình là 36,6% và của doanh nghiệp nhỏ là 22,2%.

Quản trị công ty chủ yếu thực hiện cho các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng mà chưa thực hiện yếu tố quản trị cho các doanh nghiệp khác. Ngay cả với các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng thì việc quản trị công ty cũng đang dừng mở mức 70% là tuân thủ và chỉ có 30% là áp dụng thông lệ tốt. Điểm quản trị công ty bình quân ở các doanh nghiệp  niêm yết tại Việt Nam dừng lại ở mức 55-60%.

Xuất phát từ tính kinh tế theo quy mô và theo phạm vi, doanh nghiệp lớn có những lợi thế mà doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế hơn, như: nguồn lực vốn, khả năng về đổi mới sáng tạo, năng suất, hiệu quả; nhiều khả năng tiếp cận thị trường quốc tế; tuyển dụng được nhân sự quản lý có nhiều kinh nghiệm và tạo ra khác biệt về quản trị rõ ràng. Với lợi thế về quy mô cũng như cách thức quản lý và tổ chức sản xuất tốt hơn, doanh nghiệp lớn dễ dàng giảm chi phí sản xuất kinh doanh trung bình và đạt được lợi thế về hiệu quả.

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 8

Cấu trúc vốn của các công ty cổ phần hay công ty TNHH hiện nay được ưa thích là cấu trúc 65/35, trong đó một cá nhân chủ chốt thường nắm trên 65% vốn điều lệ. Số vốn này có thể được phân chia cho các cá nhân có quan hệ gia đình đại diện sở hữu, tạo ra nhóm cổ đông đủ khả năng chi phối hoạt động của công ty. Do vậy, quyền lực quản trị, điều hành công ty sẽ tập trung vào tay người có khả năng kiểm soát toàn bộ số vốn đã được chia cho người thân trong gia đình đứng tên.

Việc cơ cấu sở hữu và quản trị doanh nghiệp theo mô hình công ty gia đình và mô hình “một ông chủ”, mô hình tập quyền mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là rủi ro pháp lý đối với người đứng đầu doanh nghiệp. Để doanh nghiệp lớn mạnh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần thay đổi theo hướng không quá lệ thuộc vào một cá nhân.

Dù ESG (Bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành của tổ chức) vẫn còn là khái niệm chưa thực sự gần gũi với hầu hết doanh nghiệp Việt Nam, nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm và tiên phong thực hành ESG, xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, áp lực cạnh tranh, mong đợi từ nhà đầu tư.

So với các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp tư nhân linh hoạt hơn trong việc báo cáo về tác động và hiệu quả thực hành ESG. Kết quả nghiên cứu của PwC cho thấy có 44% doanh nghiệp tư nhân được khảo sát tại Việt Nam đã lập kế hoạch và đưa cam kết ESG, 29% doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2-4 năm tới. Bên cạnh đó, có 41% doanh nghiệp cho biết chương trình ESG được quản lý bởi một trưởng phòng cao cấp.

Các doanh nghiệp Việt Nam xếp Quản trị là ưu tiên hàng đầu (62% doanh nghiệp được khảo sát), các yếu tố môi trường và xã hội có ưu tiên thấp hơn. Thực trạng này có thể do các doanh nghiệp tin tưởng rằng quản trị mạnh hơn sẽ đưa ra quyết định tốt hơn ở khía cạnh môi trường và xã hội.

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 9

Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp như là tài sản đặc biệt, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp; cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp; chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro; chủ động hợp tác, liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện và nâng cao nhận thức, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh và thực hành các tiêu chuẩn ESG. Doanh nghiệp niêm yết nên chủ động tích hợp các nguyên tắc ESG vào hoạt động, tận dụng các cấu trúc có sẵn và nguồn lực dồi dào của tổ chức. Đồng thời, các cơ quan chính phủ và cơ quan quản lý nên xây dựng các chính sách rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi ESG, cùng với hướng dẫn chi tiết về các phương thức báo cáo phát triển bền vững.

Trước khi áp dụng ESG, doanh nghiệp cần có nghiên cứu cụ thể, bắt đầu từ thực tế hoạt động của mình, đánh giá rủi ro, xây dựng các biện pháp quản lý rủi ro, tham khảo từ những công ty đã thành công trong áp dụng ESG để rút ra kinh nghiệm.

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 10

VnEconomy 03/10/2023 15:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2023 phát hành ngày 02-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - Ảnh 11