Napas nối dài cánh tay thanh toán đến vùng sâu và vùng xa
Không chỉ trở thành đơn vị kết nối thanh toán trong hệ thống tổ chức tín dụng, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) còn bắt tay với các tên tuổi lớn trong ngành viễn thông triển khai mạnh mẽ dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mobile money ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo định hướng của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, hệ sinh thái thanh toán của Việt Nam đã phát triển với tốc độ nhanh, xét trên phương diện không gian địa lý và các hình thức thanh toán đa dạng. Qua đó, đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu thanh toán phi tiền mặt với tốc độ nhanh và an toàn của mọi giao dịch trong nền kinh tế.
CHIẾN LƯỢC “PHỦ SÓNG THANH TOÁN” THU ĐƯỢC NHỮNG KẾT QUẢ GÌ?
Trong đó, những hình thức thanh toán mới và hiện đại như tài khoản và thẻ định danh cũng được đưa vào áp dụng. Nhờ đó, khách hàng không cần đến ngân hàng vẫn có thể mở được các tài khoản thanh toán và mở được thẻ để thực hiện giao dịch.
Cũng theo ông Tuấn, thêm một điểm đáng chú ý, kể từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn thông qua hợp tác giữa ngân hàng thương mại với một số tổ chức khác. Đơn cử, hình thức kết hợp giữa MB với Viettel, giữa Vietcombank với ví điện tử momo. Các hình thức phối hợp giữa các đại lý đã phát huy hiệu quả, vai trò hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.
Theo các chuyên gia, ở các đô thị, việc phủ sóng thanh toán với tốc độ nhanh là điều dễ hiểu vì phần lớn nhu cầu thanh toán với quy mô giao dịch lớn tập trung ở các địa bàn này, do đó việc thu hồi vốn đầu tư có triển vọng tốt. Tuy nhiên, với khu vực nông thôn lại là câu chuyện khác.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói: “Tôi thấy hiện nay người dân nông thôn sở hữu 1 tài khoản trở lên chiếm tỉ trọng rất cao so với trước đây. Còn vấn đề thanh toán thì có thể họ vẫn chưa chuộng thanh toán không dùng tiền mặt do những lo ngại, trở ngại về mặt tiếp cận với những kỹ thuật mới trong thanh toán. Tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề về thời gian thôi”.
Theo ông Tâm, việc mở tài khoản thanh toán hoặc sử dụng ví thanh toán hay mobile money gần đây rất thuận lợi, dễ dàng. Và người dân vùng nông thôn đã cảm nhận rất rõ lợi ích từ nó mang lại. Đó lợi ích về thời gian, tiết kiệm chi phí và đi lại so với khu vực thành thị. Đặc biệt, giao dịch mọi lúc mọi nơi và những điều kiện, yếu tố như mật độ sử dụng viễn thông, wifi hay mức sống cũng mang đến sự thuận tiện. Chưa kể, đây còn là khu vực thị trường đầy tiềm năng bởi vùng nông thôn chiếm 68% dân số, tương đương với khoảng 61 triệu người, trong đó 24 triệu người dùng internet và 37% tương tác với các mạng xã hội.
“Tôi nghĩ là về phía các ngân hàng cũng như các thành phần tham gia hoạt động cung ứng các dịch vụ thanh toán khác cần có sự vươn mình hơn nữa. Song song với đó, cần sự phát triển của truyền thông, cáp quang, wifi thuận tiện, phục vụ cuộc sống vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Tâm nói.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết, trong vài năm gần đây, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt được sự tăng trưởng rất mạnh mẽ. Đặc biệt, có sự chuyển dịch về việc rút tiền mặt để tiêu. Ngày trước, mặc dù khi đã có thẻ rồi nhưng nhiều người vẫn ra cây ATM để rút tiền. Tuy nhiên những năm gần đây, thay vì rút tiền mặt, người dân thực hiện luôn giao dịch thanh toán bằng thẻ hoặc thanh toán thông qua việc chuyển khoản liên ngân hàng qua hệ thống của Napas.
Sau 8 tháng triển khai thí điểm, 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone đang có khoảng 2,2 triệu khách hàng ở nông thôn, miền núi. Tuy đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chủ yếu phát triển ở khu vực thành thị.
Tốc độ phát triển khách hàng mới của dịch vụ này có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây. Trong khi đó, vẫn còn số lượng lớn người dân ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, chưa có thói quen sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.
(Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)
“Theo số liệu của năm 2021, tỉ lệ rút tiền mặt qua hệ thống của Napas chiếm 12%. Đến năm 2022, ước tính tỉ lệ này chỉ còn 6%. Con số 12% chỉ bằng 1/10 so với những năm trước. Tôi nhớ cách đây 5-6 năm thì tỉ lệ rút tiền mặt để tiêu phải lên đến 60-70%. Tuy nhiên sau đại dịch, tỉ lệ này giảm xuống và đây là điều đáng mừng”, ông Nguyễn Hoàng Long nói.
Cung theo ông, số lượng giao dịch thanh toán qua hệ thống Napas cũng tăng trường với con số rất ấn tượng, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng. Hiện nay, tính trung bình một ngày có 12-15 triệu giao dịch chuyển khoản chạy qua hệ thống của NAPAS với số tiền giao dịch lên tới 150-170 nghìn tỷ đồng. Đây không chỉ là những giao dịch thanh toán giữa cá nhân với nhau, mà còn là những giao dịch cho thanh toán mua bán các hàng hóa, dịch vụ giữa cá nhân với các cửa hàng, với các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ.
NAPAS VÀ CUỘC CHƠI VỚI MOBILE MONEY
Như nói ở trên, mặc dù sự chuyển dịch trong thanh toán không tiền mặt đi đầu vẫn là ở những thành phố lớn nhưng vẫn có sự giao thương và lưu thông hàng hóa dịch vụ cũng như luồng tiền giữa các đơn vị thành phố cũng như các đơn vị nông thôn và ở vùng sâu, vùng xa. Việc phát triển các giao dịch điện tử sẽ lan dần từ thành phố đến những đơn vị nông thôn. Dần dần theo sự phát triển đó, cũng sẽ lan đến vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Đặc biệt, gần đây, Napas đã sử dụng dịch vụ liên thông giữa hệ thống ngân hàng, tài khoản ngân hàng để chuyển tiền đến các ngân hàng, các tài khoản mobile money. Đây sẽ là bước thúc đẩy để các tệp khách hàng sử dụng mobile money ở vùng sâu vùng xa có thể thực hiện giao dịch, thanh toán, chuyển khoản đến tất cả các chủ tài khoản không chỉ ở tại các thành phố lớn mà còn chuyển đến các chủ tài khoản tại vùng sâu, vùng xa.
Về thanh toán qua mobile money, theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đây là dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại.
“Cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta có gần 72.000 điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ. Trong đó, có 39.000 điểm giao dịch nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với tổng giá trị giao dịch đạt 167.680 tỷ đồng. Đây là con số rất ấn tượng”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, đối với dịch vụ mobile money, cuối tháng 9/2022, khách hàng thí điểm là 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản mobile money.
Về địa điểm phát triển kinh doanh của mobile money, cho đến thời điểm hiện tại, 3 đơn vị được cung cấp thí điểm có đến hơn 82.200 điểm giao dịch kinh doanh được thiết lập.
Về tổng số đơn vị chấp nhận thẻ, hiện nay có đến hơn 14.500 đơn vị chấp nhận thẻ. Đây là lợi thế rất tốt để phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt.
“Chuyện cung cấp dịch vụ mobile money đến người dân làm sao để mọi người có thể sử dụng hào hứng, hiểu tiện ích hơn và đặc biệt là mobile money hướng đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì trong thời gian tới và vừa rồi, chúng tôi đã thực hiện mô hình gọi là chợ 4.0 và đã phủ khắp 63 tỉnh thành. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình này. Thói quen đi chợ của mọi người là thói quen hằng ngày, giống như gọi điện thoại, nên chúng tôi sẽ lấy mô hình 4.0 từ đó tạo thành thói quen cho người dân khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt rồi lan tỏa ra”
(Nguồn: Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital)
Về giao dịch, tổng giá trị mobile money cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 15 triệu giao dịch với tổng số khoảng gần 950 tỷ đồng.
“Có thể nói, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến. Cùng đó, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị. Còn ở khu vực nông thôn, mặc dù cũng phát triển, nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng”, ông Tuấn cho biết.
Đánh giá về vai trò của Napas trong cuộc chơi mobile money, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital nói: “Khi trung gian Napas đứng ra, câu chuyện liên thông tài khoản ngân hàng, rồi dòng chảy tiền và thanh toán điện tử được đẩy mạnh nhiều. Khi chúng tôi được tham gia vào mạng lưới Napas, có sự mở rộng cả 2 chiều. Khách hàng sử dụng mobile money có thêm cơ hội mở rộng điểm chạm để nạp tiền cũng như chuyển tiền, tăng cường giao dịch. Cùng đó, những người có tài khoản ngân hàng sẵn rồi cũng có nhiều cơ hội hơn để có thể chuyển khoản, chuyển tiền đến người thân của mình. Gần đây có thêm mobile money, một lựa chọn mới nữa. Dòng chảy tiền rộng hơn nhiều nhờ kết nối Napas và vì thế, người dân được tận hưởng dịch vụ tốt hơn nhiều”.