14:05 28/09/2023

Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ hứng cùng lúc 4 cú sốc

An Huy

“Đó là rủi ro nhân bốn, có thể gây gián đoạn hoạt động kinh tế”, một chuyên gia nhận định...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế Mỹ đã trụ vững được trước một số thách thức trong năm nay, đặc biệt là môi trường lãi suất cao do cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhưng giờ đây, sự xuất hiện đồng thời của 4 cú sốc lớn có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới biến động nhiều hơn - theo Wall Street Journal.

Tờ báo nêu 4 thách thức mà kinh tế Mỹ đối mặt trong mùa thu này, gồm cuộc đình công của công nhân ô tô; nguy cơ Chính phủ đóng cửa kéo dài; việc nối lại hoạt động trả nợ đối với các khoản vay ăn học của sinh viên; và giá dầu tăng cao. Khi đứng riêng, mỗi thách thức này sẽ không gây ra tổn thất lớn cho nền kinh tế Mỹ, nhưng khi xuất hiện cùng lúc, tác động cộng hưởng của chúng lại có thể lớn hơn nhiều, nhất là giữa lúc nền kinh tế có biểu hiện yếu đi dưới áp lực từ lãi suất cao.

“Đó là rủi ro nhân bốn, có thể gây gián đoạn hoạt động kinh tế”, nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của công ty EY-Partheon nhận định.

Nhiều nhà phân tích dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới nhưng sẽ không rơi vào suy thoái. Ông Daco dự báo kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm 0,6% trong quý 4, một sự giảm tốc mạnh từ mức tăng 3,5% dự báo đạt được trong quý 3. Các nhà kinh tế học của ngân hàng Goldman Sachs dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm còn 1,3% trong quý 4, từ mức tăng 3,1% của quý 3.

Từ đầu năm đến nay, tiêu dùng mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp lịch sử đã hậu thuẫn cho sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ, mặc cho Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm. Trong khi đó, một số nền kinh tế lớn khác của thế giới như châu Âu và Trung Quốc đều giảm tốc mạnh.

CUỘC ĐÌNH CÔNG CỦA CÔNG NHÂN Ô TÔ

Một nguy cơ đối với kinh tế Mỹ phải kể đến đầu tiên ở thời điểm này là khả năng mở rộng và kéo dài cuộc đình công của Liên hiệp Công nhân ô tô (UAW) chống lại “tam đại gia” công nghiệp ô tô Mỹ. Gần 13.000 công nhân đã đình công tại 3 nhà máy từ hôm 15/9. Hôm thứ Sáu tuần trước, Chủ tịch Shawn Fain của UAW cho biết đình công sẽ mở rộng tới 38 trung tâm phân phối phụ tùng của General Motors (GM) và Stellantis tại 20 tiểu bang.

Ảnh hưởng ban đầu của cuộc đình công còn hạn chế này được dự báo chỉ ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu đình công lan rộng hơn, sản lượng ô tô có thể sụt giảm, đẩy giá xe tăng lên. Công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất linh kiện có thể “vạ lây”, mất công ăn việc làm. Theo một dự báo của ngân hàng Goldman Sachs, cứ mỗi tuần, một cuộc đình công quy mô lớn có thể sẽ khiến tăng trưởng kinh tế cả năm của Mỹ mất 0,05-0,1 điểm phần trăm.

Khi các nhà máy ô tô ngưng trệ, đình công cũng khiến cho sự phục hồi của ngành công nghiệp ô tô Mỹ từ những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 bị trì hoãn. Thị trường ô tô Mỹ đã ở trong tình trạng khan hiếm xe trong phần lớn thời gian của năm ngoái do thiếu linh kiện dẫn tới sản lượng xe không đáp ứng đủ nhu cầu. Điều đó khiến giá xe tăng cao giữa lúc nhu cầu mua xe gia tăng.

Sản lượng ô tô ở Mỹ đang dần hồi về mức trước đại dịch. Nhưng theo thời gian, cuộc đình công có thể khiến sản lượng xe giảm trở lại và đẩy giá xe tăng.

“Tôi không nghĩ là bản thân cuộc đình công có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhưng nền kinh tế còn đối mặt với những thách thức khác nữa. Khi những thách thức này gộp chung lại, chúng ta có thể hình dung ra một quý 4 khó khăn”, nhà kinh tế Gabe Ehrlich thuộc Đại học Michigan nhận định.

NGUY CƠ CHÍNH PHỦ ĐÓNG CỬA

Nguy cơ thứ hai đối với kinh tế Mỹ ở thời điểm này là khả năng Chính phủ đóng cửa. Quốc hội Mỹ có thời gian đến hết tháng 9 để thông qua một kế hoạch ngân sách. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, khoảng cách giữa hai phe Dân chủ và Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ vẫn còn lớn.

Nếu không có thoả thuận nào đạt được trước khi năm tài khoá mới bắt đầu vào ngày 1/10, công chức Mỹ - ngoại trừ những người làm nhiệm vụ quan trọng - sẽ nghỉ việc tạm thời, ước tính con số có thể lên tới 800.000 người trên toàn quốc. Khi nghỉ việc, họ có thể chi tiêu ít đi, và các cơ quan công quyền trong thời gian đó cũng mua ít hàng hoá và dịch vụ hơn.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ hàng quý (thực tế và dự báo) - Nguồn: WSJ.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ hàng quý (thực tế và dự báo) - Nguồn: WSJ.

Hồi tháng 12/2018, một cuộc đối đầu tương tự về ngân sách trong Quốc hội Mỹ đã buộc Chính phủ nước này đóng cửa một phần trong suốt 5 tuần. Khoảng 300.000 công chức liên bang đã phải nghỉ việc tạm thời trong khoảng thời gian đó. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), vụ đóng cửa chính phủ năm đó đã gây thiệt hại 0,1% sản lượng kinh tế Mỹ trong quý 4/2018 và 0,2% trong quý 1/2019. Cũng theo CBO, phần lớn thiệt hại đó đã được khôi phục sau đó, khi Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại.

ÁP LỰC TỪ CÁC KHOẢN VAY SINH VIÊN

Thách thức thứ ba đối với kinh tế Mỹ hiện nay là từ ngày 10/1, sinh viên vay tiền để ăn học ở nước này sẽ phải trả nợ trở lại sau một thời gian được hoãn. Việc trả nợ trở lại đó có thể rút 100 tỷ USD khỏi tay người tiêu dùng Mỹ trong vòng 1 năm tới - theo một ước tính của nhà kinh tế Tim Quinlan thuộc ngân hàng Wells Fargo.

Người vay các khoản vay ăn học Mỹ đã được hoãn việc trả nợ đối với các khoản vay này từ tháng 3/2020, khi Bộ Giáo dục Mỹ đưa ra chính sách nhằm hỗ trợ người tiêu dùng vượt qua ảnh hưởng tài chính của đại dịch Covid-19. Việc được hoãn trả nợ giúp người tiêu dùng có thêm tiền để chi tiêu, qua đó thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Khi việc trả nợ đối với các khoản vay ăn học được nối lại, hàng chục triệu người vay những khoản vay này sẽ phải bỏ ra 200-300 USD mỗi tháng. Số tiền này chỉ chiếm một phần nhỏ trong mức chi tiêu lên tới 18 nghìn tỷ USD mỗi năm của người tiêu dùng Mỹ, nhưng vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.

RỦI RO LẠM PHÁT TỪ XU HƯỚNG TĂNG GIÁ XĂNG DẦU

Và cuối cùng, xu hướng tăng của giá xăng dầu khiến sức ép đối với nền kinh tế Mỹ càng thêm lớn. Phiên giao dịch ngày 27/9, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London có lúc vượt 97 USD/thùng, từ mức chỉ hơn 70 USD/thùng trong mùa hè này. Giá xăng ở Mỹ đã tăng 10,6% trong tháng 8, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2022 - theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ.

Đà tăng của giá dầu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ nhích lên tháng thứ hai liên tiếp sau khi ở trong xu hướng giảm trong vòng 1 năm qua. Giá bán lẻ xăng ở Mỹ dã duy trì ở mức cao trong tháng này, những ngày gần đây dao động trong khoảng 3,8-3,9 USD/gallon nếu tính bình quân toàn quốc.

Cũng giống như việc trả nợ các khoản vay sinh viên, giá năng lượng tăng khiến người tiêu dùng Mỹ phải giảm chi tiêu cho việc đi ăn nhà hàng, mua quà tặng cuối năm, hay các khoản chi không thiết yếu khác. Giá xăng dầu cao hơn cũng kéo theo giá hàng hoá và dịch vụ. Như trong tháng 8, giá vé máy bay ở Mỹ tăng gần 5%. Lạm phát dai dằng có thể buộc Fed phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, khiến nền kinh tế Mỹ có thể giảm tốc sâu hơn.

Vào hôm thứ Tư tuần trước, khi được hỏi về những nhân tố bên trong có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell đáp “cuộc đình công, nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa, việc trả nợ các khoản vay ăn học của sinh viên được nối lại, triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn, và cú sốc giá dầu”.

“Động lực tăng trưởng của nền kinh tế có vẻ vẫn lớn. Nhưng chúng ta thực sự đang phải đối mặt với những rủi ro như vậy”, ông Powell nói.