13:03 25/09/2023

Giá dầu có thể lên 100 USD/thùng: Thách thức cuộc chiến chống lạm phát

An Huy

Trái lại, đây được xem là một thắng lợi của Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia muốn giá dầu cao để tăng thu ngân sách...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Xu hướng tăng gần đây đang đưa giá dầu thế giới tiến về mốc 100 USD/thùng và đặt ra thách thức mới đối với các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lại lạm phát. Trái lại, đây được xem là một thắng lợi của Saudi Arabia, quốc gia muốn đẩy giá dầu tăng để có thêm nguồn ngân sách cho cuộc cải tổ nền kinh tế nhằm giảm phụ thuộc vào dầu lửa.

Nga  là một quốc gia khác hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu, trong bối cảnh cuộc chiến tranh với Ukraine tiếp diễn và nền kinh tế Nga đương đầu với sức ép lớn từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Nhà đầu tư cổ phiếu dầu lửa cũng hưởng “trái ngọt” từ xu hướng tăng giá dầu. Trong 3 tháng qua, cổ phiếu dầu lửa là nhóm có sự tăng trưởng vượt trội trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhóm năng lượng thuộc chỉ số S&P 500 đã tăng 15% trong khoảng thời gian đó, cao gấp đôi mức tăng của nhóm cổ phiếu ngành có mức tăng mạnh thứ nhì.

Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ toàn cầu, giá dầu tăng mang lại nỗi lo lớn.

Đầu tháng 9/2023, Saudi Arabia và Nga đã hợp lực đẩy giá dầu tăng khi cùng tuyên bố sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng cho tới cuối năm, thay vì chỉ giữ kế hoạch này cho tới hết tháng 10/2023 như dự báo trước đó của thị trường. Kế hoạch này của hai nước hạn chế 1,3 triệu thùng dầu khỏi nguồn cung toàn cầu mỗi ngày và không nằm trong chương trình cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối, với Riyadh và Moscow giữ vai trò thủ lĩnh không chính thức.

Điều đáng nói, nguồn cung dầu bị siết lại đúng vào lúc nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên. Nền kinh tế thế giới dù suy yếu nhưng vẫn đang trụ vững hơn so với dự báo trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng trong hơn một năm qua,  sự vững vàng này dẫn tới mức tiêu thụ dầu lớn chưa từng thấy.

THỊ TRƯỜNG DẦU THẾ GIỚI: CUNG GIẢM, CẦU TĂNG

Theo dự báo, nhu cầu dầu của thế giới sẽ đạt bình quân 101,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023 – một mức cao chưa từng có. Báo cáo thường kỳ mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng dầu sẽ dẫn tới “sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng”. Tiếp đó, một báo cáo của OPEC dự báo thị trường dầu toàn cầu sẽ thiếu 3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý 4 năm nay, mức thâm hụt nghiêm trọng nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây.

Vì sự trái chiều của nguồn cung và nhu cầu, các nhà giao dịch và các công ty lọc hóa dầu đang rút dầu từ các kho chứa với tốc độ nhanh chóng, dẫn tới việc giới chuyên môn mạnh tay nâng dự báo giá dầu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông Mike Wirth,  CEO của Hãng dầu lửa Mỹ Chevron,  nói rằng sự thắt chặt của nguồn cung sẽ sớm đưa giá dầu lên mức 100 USD/thùng. Giá dầu tăng sẽ dẫn tới việc người tiêu dùng sẽ phải tiêu tốn nhiều hơn cho năng lượng và lạm phát cũng tăng lên, đặt ra khả năng lãi suất tăng theo hoặc giữ ở mức cao trong thời gian lâu hơn.

Cuộc họp trong hai ngày 19 và 20/9/2023 của Fed đã giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5% - mức cao nhất trong 22 năm, quyết định này không nằm ngoài dự báo của thị trường. Tuy nhiên, triển vọng lạm phát còn nhiều bấp bênh, nhất là với giá dầu đang trong xu hướng tăng và đạt mức cao nhất 10 tháng, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất một lần trong thời gian còn lại của năm nay và phát tín hiệu giữ lãi suất cao hơn lâu hơn trong năm 2024. Một số chuyên gia không loại trừ khả năng giá dầu leo thang là một nguyên nhân phía sau sự cứng rắn này của Fed.

Giá dầu Brent giao sau tại London, giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu, đã tăng khoảng 25% từ đầu quý 3 tới nay. Tuần trước, giá dầu Brent có thời điểm vượt mốc 95 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Giá dầu WTI giao sau tại New York  đã tăng 29% trong quý III/2023, vượt ngưỡng 90 USD/thùng.

Giá dầu có thể lên 100 USD/thùng: Thách thức cuộc chiến chống lạm phát - Ảnh 1

Đối với người tiêu dùng ngoài Mỹ, xu hướng tăng của giá dầu có ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn, bởi dầu được giao dịch bằng đồng USD trên thị trường toàn cầu, mà đồng USD đã liên tục tăng giá kể từ giữa tháng 7/2023. Trong một báo cáo vào tuần trước, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) nói rằng giá dầu tăng đang đặt ra rủi ro đối với ổn định tài chính toàn cầu và có thể thổi bùng lạm phát trừ phi kinh tế sụt tốc, kéo theo nhu cầu năng lượng.

THẾ KHÓ CỦA CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG

Trong nửa đầu năm nay, giá dầu giảm đóng một vai trò lớn trong sự xuống thang của lạm phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, đà giảm tốc của lạm phát có thể bị đảo ngược vì giá dầu tăng mạnh. “Giá dầu tăng có nguy cơ đẩy lạm phát tăng nhẹ trở lại. Điều này đặt ra khả năng Fed còn phải tăng thêm lãi suất”, nhà kinh tế trưởng David Fyfe của Công ty dữ liệu hàng hoá cơ bản Argus Media nhận định.

Giá bán lẻ xăng ở Mỹ, một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của lạm phát, đã tăng hơn 25% so với đầu năm, lên mức gần 3,9 USD/gallon, theo dữ liệu từ AAA. Chỉ trong tháng 7 và tháng 8, giá xăng ở Mỹ đã tăng khoảng 11%, đóng góp một nửa mức lạm phát ở nước này trong cùng khoảng thời gian. Giá dầu diesel cũng đang tăng mạnh ở nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu, vì các nhà máy lọc dầu ở châu Âu đang “khát” dầu thô có nguồn gốc từ Saudi Arabia và Nga để chế  biến thành dầu diesel. Ở Mỹ trong vòng 3 tháng qua, giá dầu diesel tăng gần 20%, lên mức gần 4,6 USD/gallon.

Không chỉ đẩy lạm phát tăng, giá dầu tăng có thể gây áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế giữa lúc triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa. Điều này sẽ đặt các ngân hàng trung ương vào thế khó: nếu tiếp tục tăng lãi suất hoặc giữ lãi suất ở mức cao để chống lạm phát, tăng trưởng sẽ càng đuối. Ngược lại, nếu giảm lãi suất để cứu tăng trưởng, lạm phát có thể lại vượt khỏi tầm kiểm soát.

Đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), thách thức thậm chí còn lớn hơn đối với Fed, bởi kinh tế châu Âu đang đuối sức rõ rệt so với kinh tế Mỹ. ECB mới đây tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục và phát tín hiệu có thể dừng chu kỳ tăng ở đây, nhưng nếu lạm phát tăng trở lại, ECB có thể phải tiếp tục nâng lãi suất.

Do nguồn cung dầu thiếu hụt, dầu thô và các sản phẩm xăng dầu khác của Nga đang được giao dịch với mức giá cao hơn so với trần giá mà Mỹ và các đồng minh của Mỹ áp lên năng lượng Nga như một cách để trừng phạt Moscow trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Theo dữ liệu từ Argus, giá dầu Urals, loại dầu thô chính của Nga, đang giao dịch ở mức 82 USD/thùng, thay vì mức trần 60 USD/thùng mà phương Tây đặt ra.

Nhà phân tích Edward Morse của Citigroup dự báo giá dầu có thể sớm vượt mốc 100 USD/thùng, nhưng cho rằng giá dầu cao bây giờ dẫn tới khả năng giá dầu sẽ thấp hơn trong năm tới, bởi sẽ khuyến khích việc tăng sản lượng dầu và gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ. Ông Morse nhận định Saudi Arabia có thể tăng mạnh sản lượng dầu trở lại nếu giá dầu tăng lên mức quá cao...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giá dầu có thể lên 100 USD/thùng: Thách thức cuộc chiến chống lạm phát - Ảnh 2