06:00 20/09/2023

Nợ công của Mỹ lần đầu vượt 33 nghìn tỷ USD, Chính phủ Mỹ lại có nguy cơ đóng cửa

An Huy

Tổng nợ quốc gia của Mỹ vượt mốc 33 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 18/9...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Tổng nợ quốc gia của Mỹ vượt mốc 33 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 18/9, một lần nữa cho thấy hướng đi đầy bấp bênh của nền tài khoá, vào đúng thời điểm mà Washington đối mặt với nguy cơ đóng cửa chính phủ ngay trong tháng 9 này vì một cuộc đấu nữa giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà về vấn đề ngân sách liên bang.

Theo tờ New York Times, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra cột mốc nợ công khổng lồ nói trên trong một báo cáo hàng ngày về bảng cân đối kế toán quốc gia. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ có vẻ như đang thất bị trong nỗ lực đạt một thoả thuận trước thời hạn 30/9 để đảm bảo ngân sách cho Chính phủ nước này duy trì hoạt động. Trừ phi Quốc hội Mỹ thông qua được hơn một chục dự luật phân bổ ngân sách hoặc nhất trí gia hạn ngân sách liên bang ở mức hiện tại, Chính phủ nước này có thể rơi vào tình trạng đóng cửa lần đầu tiên kể từ năm 2019.

Cuối tuần vừa rồi, các nghị sỹ Cộng hoà tại Hạ viện đã cân nhắc một đề xuất ngắn hạn theo đó cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết các cơ quan liên bang và gia hạn ngân sách cho tới hết tháng 10. Tuy nhiên, hầu như không mấy ai kỳ vọng kế hoạch này có thể phá vỡ thế bế tắc ở Capitol Hill, vì nội bộ những người Cộng hoà còn chưa thống nhất được về các yêu cầu, còn Đảng Dân chủ cũng khó có thể chấp nhận bất kỳ đòi hỏi nhượng bộ nào mà phía Cộng hoà đưa ra.

Mâu thuẫn về vấn đề nợ công đã gia tăng ở Washington trong năm nay, thể hiện rõ qua cuộc đối đầu về nâng trần nợ quốc gia vào đầu năm. Giờ đây, cuộc chiến này đã quay trở lại đúng vào lúc mức nợ công của Mỹ thiết lập một kỷ lục mới.

Cuộc khủng hoảng trần nợ hồi tháng 5 đã kết thúc bằng một thoả thuận giữa hai đảng đình chỉ trần nợ trong 2 năm và cắt giảm chi tiêu liên bang một khoản 1,6 nghìn tỷ USD tron vòng 1 thập kỷ bằng cách đóng băng một số khoản chi trước đó dự kiến sẽ tăng trong năm tài khoá tới, rồi hạn chế tăng trưởng chi tiêu ở mức chỉ tăng thêm 1 điểm phần trăm vào năm 2025.

Mức nợ công của Mỹ đang trên đà vượt mốc 50 nghìn tỷ USD vào cuối thập kỷ này, ngay cả khi chi tiêu đã được cắt giảm theo kế hoạch nói trên, do lãi vay ngày càng lớn và chi phí của các chương trình phúc lợi xã hội không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, việc “hãm phanh” tăng trưởng nợ công của Mỹ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Một số chương trình chi tiêu liên bang được thông qua dưới thời chính quyền Tổng thống Biden được dự báo sẽ tiêu tốn nhiều tiền hơn so với dự kiến ban đầu. Chẳng hạn, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của năm 2022 ban đầu ước tính tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ. Tuy nhiên, theo ước tính của Đại học Pennsylvania, đạo luật này có thể tiêu tốn hơn 1 nghìn tỷ USD do nhu cầu mạnh đối với tín dụng thuế năng lượng sạch đầy hào phóng là đạo luật đưa ra.

Chưa kể, các chương trình hỗ trợ thời đại dịch Covid-19 vẫn đang tiêu vào ngân sách liên bang. Tuần trước, Thuế vụ Mỹ (IRS) cho biết một chương trình hỗ trợ thuế để các doanh nghiệp không sa thải người lao động đã tiêu tốn số tiền lên tới 230 tỷ USD, thay vì 55 tỷ USD như dự kiến ban đầu. IRS đang tiến hành đóng băng chương trình này vì lo ngại gian lận.

Bên cạnh đó, một số nỗ lực của ông Biden nhằm tăng thu ngân sách thông qua điều chỉnh thuế đã vấp phải sự phản đối.

Cuối năm ngoái, IRS phải hoãn 1 năm một chính sách thuế mới yêu cầu người sử dụng ví số và các nền tảng thương mại điện tử phải bắt đầu báo cáo các giao dịch nhỏ với nhà chức trách. Chính sách này dự kiến thu thêm được 8 tỷ USD tiền thuế trong vòng hơn 1 thập kỷ. Tiếp đó vào tháng trước, IRS hoãn 2 năm một điều khoản mới được đưa ra nhằm ngăn người thu nhập cao chuyển phần thu nhập dôi dư vào tài khoản lương hưu.

Trong khi đó, các nhà vận động hành lang đang tìm cách tạo ra những lỗ hổng trong các loại thuế mới đã đi vào thực thi. Thuế suất tối thiểu thay thế (AMT) 15% của thuế doanh nghiệp được đưa ra nhằm đảm bảo rằng các công ty giàu có không còn được đóng thuế ở mức 1 con số nữa. Tuy nhiên, nhiều công ty trong số này đã hối thúc Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan vẫn đang viết các quy tắc để giám sát thuế này, đưa ra các trường hợp ngoại lệ để doanh nghiệp được hưởng khấu trừ. Cần nói thêm rằng thuế này của Mỹ khác với thuế tối thiểu toàn cầu mà hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Mỹ, đang triển khai.

Những nỗ lực cản trở việc Chính phủ Mỹ tăng thu thuế và cắt giảm chi tiêu đã dẫn tới cảnh báo của các tổ chức quan sát rằng một cuộc khủng hoảng tài khoá đang đến với Washington.

“Với mức lạm phát và lãi suất hiện nay, chi phí lãi vay có thể tăng nhanh và đột ngột. Với hơn 10 nghìn tỷ USD tiền lãi phải trả trong vòng 1 thập kỷ tới, chu kỳ tài khoá này sẽ tiếp tục khiến con cháu chúng ta phải gánh hậu quả”, CEO Michael A. Peterson của Quỹ Peter G. Peterson, một tổ chức thúc đẩy kiềm chế tài khoá, phát biểu.

Đảng Cộng hoà và Dân chủ trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ đang tiếp tục chia rẽ về việc làm thế nào để tránh nguy cơ Chính phủ đóng cửa sắp tới. Các nghị sỹ đã bắt đầu hối thúc các nhà lãnh đạo lưỡng viện tập trung vào một dự luận tạm thời để Chính phủ duy trì hoạt động sau ngày 30/9.

Trong khi đó, ngân sách liên bang tiếp tục thâm hụt nặng. Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ vào tuần trước cho thấy thâm hụt ngân sách của nước này trong 11 tháng đầu của năm tài khoá hiện tại là 1,5 nghìn tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC hôm 19/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói bà hoàn toàn thoải mái với tình hình tài khoá quốc gia vì tỷ lệ của lãi vay so với quy mô nền kinh tế vẫn trong tầm kiểm soát. Dù vậy, bà cũng nói rằng việc quan trọng là cần thận trọng với việc chi tiêu trong tương lai.

“Tổng thống đã đề xuất một loạt biện pháp nhằm giảm dần thâm hụt ngân sách trong quá trình đầu tư vào nền kinh tế. Và đó là điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới”, bà Yellen nói.