12:18 16/03/2022

Nga và Ukraine muốn gì khi ngồi vào bàn đàm phán ngừng bắn?

An Huy

Các vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine trong tuần này phát đi những tín hiệu cho thấy có vẻ mọi chuyện đang đi đúng hướng...

Quan chức Ukraine (bên trái) và Nga (bên phải) trong vòng đàm phán ở Belarus hôm 7/3 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Belarus/Getty.
Quan chức Ukraine (bên trái) và Nga (bên phải) trong vòng đàm phán ở Belarus hôm 7/3 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Belarus/Getty.

Chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã kéo dài gần 3 tuần và đến thời điểm này, cả hai bên đều đang đối mặt với sức ép phải đi đến một giải pháp nhằm chấm dứt sớm nhất có thể cuộc xung đột gây nhiều tổn thất cả về sinh mạng con người và tài sản kinh tế.

Theo hãng tin CNBC, những vòng đàm phán trước giữa giới chức Nga và Ukraine gần như không mang lại kết quả gì, vì yêu cầu mà hai bên đưa ra quá khác biệt. Tuy nhiên, các vòng đàm phán diễn ra trong tuần này phát đi những tín hiệu cho thấy có vẻ mọi chuyện đang đi đúng hướng.

Trong một bài phát biểu vào đêm muộn ngày thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi nói rằng vòng đàm phán của ngày hôm đó “khá tốt”. Nga cũng nói các cuộc thảo luận vào cuối tuần đã đạt “bước tiến quan trọng”. Tiếp đó, vòng đàm phán thứ 5 giữa hai nước diễn ra vào ngày thứ Ba.

Dưới đây là điều mà Nga muốn và Ukraine muốn trên bàn đàm phán ngừng bắn, theo CNBC:

NHỮNG YÊU CẦU CỦA PHÍA NGA

Một trong những câu hỏi lớn nhất được đặt ra liên quan đến việc Nga tấn công Ukraine là Tổng thống Vladimir Putin muốn gì, vì cho đến nay, mục đích của chiến dịch này chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn.

Nhiều nhà quan sát cho rằng mục đích chính của ông Putin là lập lại trường ảnh hưởng của Nga tại các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine và ngăn sự dịch chuyển của các nước này về phía phương Tây. Trước mắt, ông Putin được cho là muốn Ukraine có một chính phủ mới thân Nga, thay thế cho chính phủ của ông Zelenskyi, từ đó đưa Ukraine quay trở lại quỹ đạo của Nga.

Trong khi đó, trên bàn đàm phán, Nga đưa ra những yêu cầu như sau đối với phía Ukraine:

Nga muốn có sự đảm bảo bằng pháp lý rằng Ukraine sẽ không bao giờ được phép gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nga muốn Ukraine ký một thoả thuận trung lập và thay đổi hiến pháp để đả bảo chắc chắn điều này.

Bên cạnh đó, Moscow muốn Kyiv công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai tự xưng Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Cộng hoà Nhân dân Luhansk ở miền Đông Ukraine. Nga cũng muốn Ukraine công nhận Crimea – lãnh thổ ly khai từ Ukraine và sáp nhập Nga hồi năm 2014 – là lãnh thổ Nga. Đồng thời, Nga keu gọi Ukraine dừng tất cả các hoạt động quân sự.

Tuần trước, người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin nói rằng chiến tranh sẽ dừng ngay lập tức nếu Ukraine nhất trí với những yêu cầu trên.

Giới phân tích cho rằng Nga có nhiều thứ để mất hơn trong cuộc chiến với Ukraine. Phương Tây đã áp một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga nhằm cô lập nước này cả về địa chính trị, tài chính và thương mại. Nền kinh tế Nga được dự báo sẽ suy thoái sâu và có thể thụt lùi tới 30 năm phát triển vì sự trừng phạt này.

NHỮNG YÊU CẦU CỦA PHÍA UKRAINE

Vào hôm thứ Hai tuần này, ông Zelenskyi đã tóm tắt mục đích của Ukraine, nói rằng nước này muốn một sự “hoà bình có bằng đẳng” với Nga. Ông khẳng định Ukraine sẽ không đầu hàng hay chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào của Moscow.

Ukraine yêu cầu Nga ngừng bắn và rút lực lượng khỏi Ukraine, đồng thời tuyên bố sẽ không nhường bất kỳ phần lãnh thổ nào cho Nga. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tuyên bố này có đồng nghĩa với việc Ukraine từ chối công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk hay công nhận Crimea là lãnh thổ Nga.

Ukraine cũng phát tín hiệu rằng nước này có thể nhượng bộ về vấn đề NATO, tuyên bố sẵn sàng từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO nếu nhận được sự “đảm bảo an ninh” từ Mỹ và NATO, bên cạnh bất kỳ một thoả thuận nào khác với Nga.

Một ưu tiên khẩn cấp đối với Ukraine là tạo ra các hành lang nhân đạo để sơ tán người dân khỏi các khu vực có giao tranh. Chính phủ nước này đặc biệt lo ngại về thành phố cảng Mariupol ở miền Nam, nơi đang bị các lực lượng Nga bao vây và nã pháo liên tục trong khi nguồn cung thực phẩm và điện nước trong thành phố đang dần cạn kiệt.