Thưa bà, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi ở nhiều ngân hàng hiện tăng trưởng khá cao nhờ chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ. Ở SHB, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi như thế nào?
Thu nhập ngoài lãi của SHB tăng chưa tốt. Đó là một thực tế, những gì mình làm chưa tốt thì phải thừa nhận để có hướng phát triển và nỗ lực nhiều hơn để đạt được mục tiêu. Trong định hướng, chiến lược hàng năm của SHB luôn có mục tiêu là tăng trưởng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập thuần của ngân hàng. Theo quy định, thu nhập ngoài lãi được hạch toán vào bảng cân đối kế toán bao gồm dịch vụ: phí thanh toán trong nước, phí thanh toán quốc tế, hoa hồng bảo hiểm, ngân quỹ…
Những năm gần đây, ngân hàng luôn đồng hành chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, liên tục giảm lãi, phí dịch vụ nên thu nhập ngoài lãi chưa được như mong đợi. Chúng tôi sẽ phải đẩy nhanh số hóa, tạo thêm nhiều dịch vụ, tiện ích để tăng thu nhập ngoài lãi và mở rộng thêm các hoạt động, sản phẩm dịch vụ khác.
Hiện có trên 10 ngân hàng đã xây dựng thành công hệ sinh thái Ngân hàng mở/Open Banking, nhờ đó, khách hàng được sử dụng dịch vụ và tiện ích một cách liền mạch và xuyên suốt. Vậy, vấn đề này ở SHB đã triển khai ở mức độ nào, thưa bà?
Trong chiến lược phát triển đến năm 2027, một trong những mục tiêu của ngân hàng là trở thành ngân hàng số được yêu thích nhất. Bởi vậy, chúng tôi đang đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, từ hệ thống công nghệ đến con người, nghiên cứu sản phẩm dịch vụ mới phục vụ khách hàng. Openbanking là ngân hàng cung cấp cho khách hàng các sản phẩm trọn gói đó cũng là điều SHB cũng hướng tới. Khách hàng của ngân hàng cũng là khách hàng của nhiều hoạt động khác, khi khách hàng có thể sử dụng nhiều tiện ích trên app của ngân hàng thì khách hàng sẽ quan tâm, sử dụng dịch vụ ngân hàng nhiều hơn. Chúng tôi sẽ phát triển, cung cấp dịch vụ trọn gói như vậy trong thời gian tới.
Theo cam kết của Chính phủ đến năm 2050, Việt Nam sẽ thực hiện Net Zero, đặc biệt gần đây, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài cảnh báo sẽ không mua sản phẩm nếu không đáp ứng yêu cầu xanh. Bà thấy hoạt động của ngân hàng ở đâu trong câu chuyện lớn này, thưa bà?
Từ rất sớm, chúng tôi đã xác định “ngân hàng xanh” là chiến lược trong hoạt động. Để hiện thực hóa, SHB đã và đang làm việc với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hoàn thiện tiêu chí “ngân hàng xanh”.
Ba tổ chức này vừa là đơn vị tư vấn, vừa là đơn vị đồng hành cùng SHB đưa ra các tiêu chuẩn và cùng SHB hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn quốc tế để nhận được chứng chỉ quốc tế “ngân hàng xanh”. Nội dung trong đó bao gồm hỗ trợ phát triển dự án xanh, giảm phát thải, năng lượng sạch, công nghệ cao, sinh khối…
SHB cũng là ngân hàng đứng đầu trong nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân cho vay “tam nông” với tỷ trọng 34 - 35%/tổng dư nợ.
Song song, ngân hàng có định hướng đồng hành cùng khách hàng rõ ràng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc giúp họ hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí để họ được công nhận dự án xanh.
Việc này giúp mở rộng thêm hoạt động ngân hàng, đóng góp nhiều vào công cuộc phát triển xanh.
Bà có thể nêu một số dự án hợp tác giữa ngân hàng với các tổ chức tài chính quốc tế lớn và các dự án này trọng tâm hướng vào vấn đề gì, thưa bà?
Hai năm trước, Ngân hàng SHB và WB ký hợp đồng bảo lãnh Quỹ Khí hậu xanh (GCF) Bảo lãnh tín dụng cho đầu tư hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam. Hợp đồng này nằm trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua WB. WB và SHB đã ký Hợp đồng bảo lãnh GCF với tổng giá trị 75 triệu USD. Nguồn tài chính này để thực hiện bảo lãnh các khoản vay đầu tư tiết kiệm năng lượng, góp phần hỗ trợ Chính phủ đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu…
SHB tham gia dự án với vai trò là ngân hàng phát hành bảo lãnh cho các ngân hàng tham gia cấp tín dụng cho các dự án vốn vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng tiếp cận Quỹ Chia sẻ rủi ro có trị giá 75 triệu USD do GCF và WB tài trợ.
Khi thực hiện các chương trình tài chính xanh, đối tượng thụ hưởng gồm những chủ thể nào, thưa bà?
Từ năm 2020, SHB đã là một trong các ngân hàng tư nhân với dư nợ cho vay các dự án xanh lớn trong toàn hệ thống ngân hàng. Ngân hàng luôn tích cực, chủ động tiếp cận các nguồn vốn xanh của các định chế tài chính quốc tế (WB, ADB, KfW, JICA), xem xét phát hành trái phiếu xanh,… nhằm tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, đặc biệt là các dự án năng lượng xanh.
Với lợi thế đó, ngân hàng mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho chủ đầu tư các dự án xanh như ưu đãi thời hạn vay, ưu đãi lãi suất thấp. SHB cũng tập trung hỗ trợ khách hàng nâng cao nhận thức về hoạt động kinh tế xanh, đặc biệt là tuân thủ các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường của các dự án xin vay vốn. Đối với các dự án tài trợ nước ngoài, ngân hàng tham gia hỗ trợ cung cấp tư vấn an toàn kỹ thuật, đào tạo về yêu cầu và việc đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn E&S của nhà tài trợ.
Đầu tư vào các dự án xanh sẽ thu hẹp lợi nhuận nên các doanh nghiệp cũng không mặn mà để vay, bà nói gì về vấn đề này, thưa bà?
Theo quy định, khi đầu tư vào các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và bồi hoàn lại. Chẳng hạn: khi tài trợ cho dự án khai thác mỏ thì doanh nghiệp phải trồng cây xanh bù lại. Việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường được thực hiện thông qua tổ chức độc lập thứ ba có kinh nghiệm, chuyên môn đánh giá.
Ngân hàng sẽ không tài trợ cho các dự án không đạt các tiêu chuẩn, gián tiếp phá hoại môi trường. Lý do là quy định pháp luật không cho phép và lương tâm của mình không cho phép.
VnEconomy 12/02/2024 08:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam