17:24 05/02/2024

Ngân hàng đồng tài trợ sẽ hạn chế rủi ro tín dụng

Hoàng Lan

Theo các chuyên gia, cùng với những quy định chặt chẽ về giảm giới hạn cấp tín dụng đối với một nhóm khách hàng tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2024, các ngân hàng phải chủ động liên kết đồng tài trợ với các dự án quy mô vốn lớn để hạn chế rủi ro tập trung và chia sẻ lợi ích....

Giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và một nhóm khách hàng.
Giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và một nhóm khách hàng.

Tại toạ đàm “Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Phân bổ hiệu quả nguồn lực" VnEconomy tổ chức ngày 3/2, các chuyên gia và thành viên thị trường đã nêu một số quan điểm nhằm ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng và hạn chế rủi ro tập trung tín dụng tại các ngân hàng.

VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ ĐỘC LẬP VÀ BAN KIỂM SOÁT

Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2024 quy định: tỷ lệ sở hữu của một cổ đông giảm từ 15% xuống còn 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người liên quan giảm từ 20% xuống còn 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật An Vi, để tránh tiêu cực, lũng đoạn ngân hàng dẫn đến rủi ro cho toàn hệ thống thì cần chú trọng giải quyết mấy vấn đề. Thứ nhất, tỷ lệ sở hữu cổ phần. Khi cổ đông và người có liên quan chiếm tỷ lệ sở hữu lớn thì dĩ nhiên họ sẽ chi phối hoạt động ngân hàng. Thứ hai, tỷ lệ cho vay và thứ ba là quản trị, điều hành.

“So với thế giới, từ trước đến nay tỷ lệ sở hữu ngân hàng của Việt Nam được khống chế rất chặt, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra những vụ án thao túng ngân hàng, có rất nhiều bài học. Do đó, cần thiết quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu. Với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân thì không thay đổi, vẫn 5%/người, nhưng nhóm người hay tổ chức/pháp nhân có liên quan thì giảm tỷ lệ sở hữu”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Ông Đức nhấn mạnh, không chỉ giới hạn tỷ lệ sở hữu mà các văn bản quy định chi tiết thi hành luật cần được thiết kế để kiểm soát chặt nguồn tiền góp vốn của các cổ đông. “Nếu như đó là tiền của cổ đông góp vốn vào ngân hàng thì rất tốt nhưng trên thực tế có tình trạng nâng khống vốn, “mỡ nó rán nó” – nghĩa là ông bà chủ rút tiền của ngân hàng ra rồi lại đưa tiền đó nhờ người đứng tên cổ phần của tổ chức tín dụng”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu một thực tế không hiếm gặp.

Bên cạnh đó, Điều 49 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về cung cấp, công bố thông tin đối với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Quy định chuyển tiếp khoản 5 Điều 210 cho phép cổ đông, người liên quan vượt tỷ lệ quy định được tiếp tục nắm giữ nhưng phải có lộ trình giảm sở hữu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đánh giá quy định này sẽ tác động tích cực tới việc ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.

Chẳng hạn như vụ việc đã xảy ra tại ngân hàng SCB, thực chất một cá nhân nắm đến trên 90% cổ phần ngân hàng thông qua hàng trăm người đứng tên hộ, nhưng cơ quan quản lý lại không biết người đại diện đó là ai cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc.

“Cổ đông sở hữu 1% vốn cũng phải công bố thông tin minh bạch để cơ quan quản lý, người dân nắm được thực lực đến đâu. Đây có phải là tiền thật anh góp vào ngân hàng hay không. Qua các thông tin phải công bố như nhân thân, nghề nghiệp, tình trạng tài chính là cơ quan quản lý nhận diện được người đứng tên hộ”, ông Hùng phân tích.

Đồng tình với Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết nếu một người không nộp thuế thu nhập cá nhân bao giờ nhưng lại là cổ đông chiếm 1-2% vốn của ngân hàng thì người dân sẽ soi ra.

“Tất cả danh sách cổ đông ngân hàng, các khách hàng có dư nợ lớn chiếm 10% hay 20% tổng dư nợ đều công khai trên website của ngân hàng và cơ quan quản lý thì mới thực sự có sự giám sát”, ông Đức nêu quan điểm.

Là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, không phát sinh cổ đông bên ngoài nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đang tích cực rà soát người có liên quan của các cá nhân nắm giữ vị trí quản trị, điều hành để công bố thông tin theo quy định mới.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Hùng nhiều lần nhấn mạnh để xử lý hiệu quả tình trạng thao túng ngân hàng thì cần nâng cao vai trò giám sát của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát tại các tổ chức tín dụng.

“Cần tăng số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập của các tổ chức tín dụng.Thành viên hội đồng quản trị độc lập và Ban kiểm soát phải giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Những quyết định nào của Hội đồng quản trị, ban điều hành không đúng, không phù hợp với nghị quyết của đại hội cổ đông phải được báo cáo kịp thời”, ông Hùng kiến nghị.

PHÂN TÁN RỦI RO QUA PHƯƠNG ÁN ĐỒNG TÀI TRỢ

Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng đối với một khách hàng từ 15% xuống còn 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô theo lộ trình tới năm 2029; giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng một khách hàng từ 25% về mức 15% vốn tự có của tổ chức phi ngân hàng theo lộ trình tới năm 2029.

Theo chuyên gia, với quy định mới, các tổ chức tín dụng sẽ phải đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro tập trung. Quy định này hướng tới giảm giới hạn cho vay đối với nhóm khách hàng liên quan, giúp cho hoạt động cho vay được phát triển bền vững hơn trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các ngân hàng cho nhóm khách hàng liên quan sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 06-2024 phát hành ngày 05-02-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngân hàng đồng tài trợ sẽ hạn chế rủi ro tín dụng - Ảnh 1