06:24 19/09/2022

Ngân hàng Nhà nước nêu phương án đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%

Mặc dù có sự e ngại từ các ngân hàng thương mại trong thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có giải pháp giải quyết...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà

Ngày 18/9, tại Chuyên đề "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững", trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đã có những chia sẻ về gói hỗ trợ lãi suất 2%.

SỐ LIỆU TRIỂN KHAI CÒN KHIÊN TỐN

Theo Phó Thống đốc, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước xác định một trong những mục tiêu trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cho những người vay vốn tại ngân hàng thương mại qua gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhanh chóng một loạt các biện pháp.

Trong đó, về hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ và trình Chính phủ ban hành Nghị định 31 và cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành ngay Thông tư 03 để hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai đến các đối tượng vay vốn.

Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thu thập thông tin đăng ký từ các ngân hàng thương mại để tiến hành đề xuất cùng với các bộ để phân bổ ngân sách 40 nghìn tỷ đồng trong 2 năm. Cụ thể, năm 2022 dự kiến sẽ phân bổ khoảng 16.000 tỷ đồng, sang năm 2023 dự kiến sẽ phân bổ 24.000 tỷ đồng còn lại.

Sau khi đã phân bổ ngân sách, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành triển khai, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và đã ban hành bộ tài liệu giải đáp trên 20 vấn đề cho các ngân hàng thương mại trong quá trình triển khai như về đối tượng, về phương thức, về cách đăng ký, về cách lập dự toán cũng như rút vốn hỗ trợ và quyết toán.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng được yêu cầu phải tập trung mọi nguồn lực cao để triển khai nhanh các gói hỗ trợ này đến người vay vốn. Công tác truyền thông cũng rất được chú trọng, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị đến các ngân hàng thương mại để thông tin chính sách đến các đối tượng thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh, tuy nhiên đến nay việc triển khai gói này trên thực tế và số liệu còn khiêm tốn. Ví dụ như dư nợ cho vay là khoảng trên 4.400 tỷ đồng và mới đến được với 550 khách hàng và số tiền hỗ trợ là trên 13 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm, Phó Thống đốc cho biết, mặc dù Nghị định 31 hay Thông tư 03 đã ban hành vào tháng 5/2022 nhưng phạm vi hỗ trợ đã được triển khai từ ngày 1/1/2022 nên theo đánh giá nhanh của Ngân hàng Nhà nước, tổng số dư nợ có thể thuộc phạm vi của chương trình này khoảng 800 nghìn tỷ đồng.

“Thế nhưng, việc triển khai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như khách hàng mặc dù thuộc đối tượng nhưng có nhu cầu hỗ trợ hay không thì phải lập hồ sơ và có đề nghị, ngân hàng thương mại cũng sẽ phải phải xem xét và phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật và điều này không phụ thuộc vào room tín dụng còn hay hết”, ông Hà nói.

PHƯƠNG ÁN ĐẨY NHANH GÓI HỖ TRỢ

Cũng theo Phó Thống đốc, việc gói triển khai gói hỗ trợ hiện chưa được như kỳ vọng do còn có khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước đã xác định là các nhóm khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Thứ nhất, về đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Trường hợp khách hàng không phải hoạt động đơn ngành mà đa ngành, đa lĩnh vực mà một trong những lĩnh vực đó thuộc ưu tiên thì có được hỗ trợ hay không. Ngoài ra, có nhiều hộ gia đình là khách hàng vay vốn của ngân hàng thương mại nhưng lại không đăng ký kinh doanh, khi đối chiếu thì chưa đủ điều kiện đối tượng của chương trình.

Thứ hai, tiêu chí đánh giá là khách hàng phải có khả năng, có phương án sản xuất kinh doanh, có khả năng phục hồi. Ngân hàng Nhà nước thấy có sự khác biệt giữa sự đánh giá, thẩm định của ngân hàng thương mại, ngân hàng cho vay với đánh giá về sau này của các cơ quan kiểm tra, thanh tra hay kiểm toán về thế nào là khách hàng có khả năng phục hồi.

Bên cạnh đó, khi đánh giá tính khả thi của dự án là tính thời điểm thẩm định dự án và quyết định giải ngân. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh có rất nhiều biến cố dẫn đến phương án ban đầu khả thi, khách hàng có khả năng trả được nợ, nhưng sau đó gặp rủi ro dẫn đến khó khăn trong trả nợ.

Thứ ba, tâm lý e ngại từ phía ngân hàng cho vay và khách hàng vay. Bởi lẽ, trước đây có một số gói hỗ trợ lãi suất đã triển khai và cũng khó khăn nhất định trong chuyện giải ngân, đặc biệt là khâu quyết toán nên các ngân hàng cho vay có tâm lý e ngại.

Hơn nữa, chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước nên các ngân hàng thương mại cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các ngân hàng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, một số chi nhánh ngân hàng đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bàn về giải pháp thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, với hai nhóm khó khăn đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện được và đề nghị các bộ liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cùng thống nhất theo hướng: (i) khách hàng sẽ tự xác định ngành nghề kinh doanh của mình và khẳng định khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; (ii) về đánh giá khả năng phục hồi, ngân hàng cho vay sẽ là người đánh giá chính và khẳng định được khách hàng có khả năng phục hồi hay không để thuộc đối tượng để hỗ trợ lãi suất.

Về khó khăn thứ ba, Ngân hàng Nhà nước sẽ thành lập các đoàn khảo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng thương mại tại các địa phương; tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố để tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh của ngân hàng thương mại, doanh nghiệp.