Ngân hàng Thế giới đồng thuận mua tín chỉ carbon trong đề án trồng lúa giảm phát thải
Ngay trong lần đầu tiên đến thăm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Sherman, tân Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các ưu tiên về phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, bà nhấn mạnh cam kết của WB trong việc mua tín chỉ carbon ngành lúa gạo với cơ chế chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải…
Ngày 16/9/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã tiếp và làm việc với bà Mariam Sherman - tân Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên bà Sherman đến thăm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ VỀ AN NINH THUỶ LỢI
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chào mừng bà Mariam Sherman trong vai trò mới và bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với WB. Bộ trưởng kỳ vọng rằng với nhiệm kỳ mới của bà Sherman, WB sẽ tổ chức thêm các sự kiện, hội thảo để nâng cao năng lực tổ chức các dự án quốc tế cho Việt Nam một cách đồng bộ. Cùng với đó, trở thành cầu nối giữa các Bộ, ngành, để các cơ quan nhà nước phối hợp thống nhất.
Đề cập về những thành công từ các dự án do WB hỗ trợ tại Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết điển hình là dự án Chống chịu Khí hậu tổng hợp và Sinh kế bền vững (WB9) sau 8 năm thực hiện đã mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 1,8 triệu nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sinh kế và cải thiện các hoạt động canh tác theo hướng các mô hình chống chịu khí hậu tốt hơn trên diện tích hơn 200.000 ha.
"Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ xây dựng các hồ thủy lợi lớn, công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân sinh sống tại vùng khó khăn, vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, công trình cấp nước sinh hoạt liên vùng…”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cùng với đó, dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là điểm sáng trong khu vực về đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cho các ngành hàng lúa gạo và cà phê. Dự án này đã tạo nền móng vững chắc để Ngân hàng thế giới tiếp tục hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc vay vốn từ WB cho Đề án 1 triệu hạ lúa chất lượng cao, phát thải thấp, do chưa có cơ chế vay vốn đặc thù, nhưng những kết quả ban đầu của các mô hình thí điểm trong khuôn khổ đề án đã vượt ngoài mong đợi của Bộ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về những khó khăn hiện tại mà Việt Nam đang đối mặt, đặc biệt là sự chồng chéo trong các quy định và luật pháp, như Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công, đã gây cản trở cho quá trình tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Mặt khác, Bộ trưởng Hoan cũng đề nghị phía WB xem xét hỗ trợ Việt Nam về ý tưởng dự án an ninh nguồn nước và hiện đại hóa thủy lợi. Đồng thời cho biết Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đang ưu tiên các công trình hạ tầng ngành nước phục vụ đa mục tiêu, phạm vi tác động lớn.
THÚC ĐẨY CƠ CHẾ MUA BÁN TÍN CHỈ CARBON
Trao đổi với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bà Sherman bày tỏ chia buồn vì tác động nặng nề của cơn bão Yagi đối với Việt Nam. “Thiên tai đi qua đã để lại hậu quả to lớn. Chúng tôi nhận ra sự cần thiết để hỗ trợ Việt Nam nâng cao khả năng chống chịu của hạ tầng trước biến đổi khí hậu và giúp nông dân Việt Nam chuyển đổi sinh kế sang các mô hình nông nghiệp sinh thái, phù hợp với đặc thù khí hậu mỗi vùng miền”, bà Sherman nói.
Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng cần có những tác động kinh tế rõ ràng tại các khu vực dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, như miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, và Đồng bằng sông Cửu Long.
"Cơ chế chi trả tiền giảm phát thải carbon dựa trên kết quả (PforR) là một cơ chế được nhiều bên đồng thuận và đánh giá cao về tính khả thi. Hiện 12 tỉnh trong vùng Đề án 1 triệu ha lúa đang nỗ lực để đáp ứng những yêu cầu mà Ngân hàng thế giới đưa ra về cơ chế chi trả tiền giảm phát thải”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết Cục Lâm nghiệp đã tiếp nhận từ Ngân hàng thế giới số tiền 51,5 triệu USD trả cho việc mua tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam. Hiện nay, số tiền này đang được giải ngân cho gần 70.000 người thụ hưởng và hỗ trợ các hoạt động sinh kế của cộng đồng địa phương theo kế hoạch chia sẻ lợi ích. Quỹ phát triển rừng đã tiếp nhận nguồn tiền từ WB và Việt Nam đã hoàn thành việc chi trả 77% số tiền này. Dự kiến trong năm 2024, việc chi trả sẽ được hoàn tất.
“Hiện vẫn còn khoản dư là 5,9 triệu tấn tín chỉ CO2, và WB đã đề xuất các phương án xử lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo vấn đề này với Chính phủ, và dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thiện hồ sơ để cập nhật thông tin đầy đủ”, ông Nam thông tin.
Ông Nam bày tỏ mong muốn WB tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho các dự án phát triển rừng bền vững tại những địa phương đang phải đối mặt với rủi ro thiên tai, nhằm giúp các địa phương này thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Đề cập về mua bán tín chỉ carbon trong ngành lúa gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam đang phấn đấu từ nay đến năm 2030 sẽ thiết lập được 1 triệu ha lúa chuyên canh giảm phát thải tại đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu mỗi năm toàn ngành lúa gạo giảm phát thải được 10 triệu tấn carbon.
"Gần đây, phía WB đã đề xuất cơ chế chi trả tiền giảm phát thải carbon dựa trên kết quả (PforR) cho Đề án 1 triệu ha lúa, với đơn giá chi trả 10 USD/1 tín chỉ carbon giảm phát thải. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các Bộ, ngành để thảo luận về khả năng xây dựng cơ chế chi trả riêng biệt cho Đề án 1 triệu ha", Bộ trưởng Hoan thông tin.
Bà Sherman đánh giá cao sự chủ động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chúc mừng 6 tỉnh Bắc Trung bộ tham gia Chương trình Giảm phát thải (ERP) trong trồng rừng và phát triển rừng, với thành tích ấn tượng là tạo ra 16,2 triệu đơn vị giảm phát thải (ER) trong giai đoạn báo cáo đầu tiên từ năm 2018 - 2019. Đồng thời hy vọng, không chỉ ngành lâm nghiệp, mà các lĩnh vực trồng trọt ở Việt Nam, trong đó có trồng lúa cũng của Việt Nam cũng sẽ đạt được mục tiêu về tiền giảm phát thải carbon.