Phụ phẩm nông nghiệp trở thành động lực cho sản phẩm xanh “Made in Việt Nam”
Trong làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu gắn với cam kết Net Zero, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, qua đó mở rộng hiện diện trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Khi các cam kết trung hòa carbon đang dịch chuyển từ khẩu hiệu thành hành động cụ thể, việc xây dựng chuỗi cung ứng xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu sống còn với nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, các mô hình hợp tác, ứng dụng công nghệ sinh học đang cho thấy vai trò thiết thực, nhưng cũng đối diện nhiều thách thức từ nguyên liệu đầu vào cho đến khung chính sách hỗ trợ.
DOANH NGHIỆP LAN TỎA SÁNG KIẾN XANH, HIỆN THỰC CAM KẾT NET ZERO
Tại sự kiện “NetZero Pallet – Tương lai của chuỗi cung ứng xanh” do AirX Carbon tổ chức ngày 3/7, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng thảo luận sâu về vai trò ngày càng nổi bật của các sáng kiến “xanh” đến từ doanh nghiệp Việt đang ngày càng mở rộng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo các chuyên gia, xu hướng sản xuất "xanh" và chuyển đổi xanh ban đầu còn manh mún, nhưng nay đã trở thành một nhu cầu thực tế, được thúc đẩy bởi các quy định quốc tế và cam kết của các tập đoàn lớn.
Minh chứng cho điều này, bà Thanh Phạm, Giám đốc Phát triển Bền vững Heineken Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đã đặt phát triển bền vững làm trọng tâm trong chiến lược kinh doanh "Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn", với mục tiêu đạt Net Zero trong sản xuất vào năm 2030 và toàn chuỗi cung ứng vào năm 2040, sớm hơn cả cam kết quốc gia.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Heineken đã triển khai nhiều hành động cụ thể trong lĩnh vực logistics. Đối với các hoạt động trong tầm kiểm soát, toàn bộ xe nâng trong kho đã được chuyển sang sử dụng điện và các nhà máy đều vận hành bằng năng lượng tái tạo. Với các hoạt động ngoài tầm kiểm soát như vận tải, công ty đang từng bước nâng cấp đội xe lên tiêu chuẩn và cải tiến mạng lưới vận chuyển.
Đáng chú ý, Heineken đang hợp tác với AirX Carbon để thử nghiệm Net Zero Pallet. Đây là một sản phẩm pallet sinh học làm từ phụ phẩm nông nghiệp. Với các doanh nghiệp có lượng luân chuyển pallet lớn, việc thay thế pallet truyền thống bằng giải pháp xanh này có thể cắt giảm đáng kể lượng phát thải, trong bối cảnh logistics chiếm tới 20 - 30% tổng lượng phát thải của một doanh nghiệp sản xuất.

Tận dụng hơn 150 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm tại Việt Nam, NetZero Pallet được cung cấp bởi AirX Carbon là một giải pháp xanh đem lại những tín hiệu tích cực. Với công suất nhà máy tại Bình Dương đạt 1,5 triệu pallet mỗi năm, sản phẩm này sử dụng đến 95% phụ phẩm như xơ dừa, vỏ cà phê, không dùng gỗ và không độc hại. Mỗi pallet có khả năng lưu giữ tới 34 kg CO2, được chứng nhận là giải pháp hấp thụ carbon.
Bà Thảo Trần, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Chiến lược của AirX Carbon chia sẻ: “Việt Nam đang chủ động bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững với tầm nhìn chiến lược và tinh thần tiên phong. Không chỉ theo kịp xu hướng, chúng ta đang thực sự góp phần kiến tạo các giải pháp cho thế giới”.
Tương tự, trong ngành dệt may, Faslink cũng là một ví dụ về nỗ lực xanh hóa chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp này đã ra mắt PINALINA, dòng vải tự nhiên cao cấp được chiết tách từ lá dứa. Việc tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp này không chỉ giúp giảm phát thải CO2 so với hành vi đốt bỏ lá dứa, mà còn tạo ra một nguồn thu nhập mới cho người nông dân, ước tính khoảng 60 triệu đồng/ha.
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO CÁC SẢN PHẨM XANH "MADE IN VIETNAM"
Dù nhu cầu thị trường ngày càng lớn, hành trình phát triển các sản phẩm xanh "Made in Vietnam" không hề dễ dàng. Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM đưa ra lưu ý về tình trạng "tẩy xanh" (greenwashing).
Ông Quân cho rằng những doanh nghiệp chỉ thực hiện các hoạt động bền vững mang tính hình thức, bề nổi sẽ không thể tồn tại lâu dài. Phát triển bền vững phải là một giá trị cốt lõi, được thể hiện xuyên suốt trong tầm nhìn và hành động thực chất của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, rào cản đối với các sản phẩm xanh hiện nay còn liên quan đến các vấn đề đến từ chính sách. Theo ông Quân, các giá trị phi tài chính như bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm tại địa phương hiện chưa được thể chế hóa và quy đổi thành lợi thế kinh tế.
Điều này khiến sản phẩm xanh, dù mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vẫn khó cạnh tranh về giá so với các sản phẩm truyền thống.
Trước những thách thức đó, ông Quân đề xuất cần có chính sách công nhận và lượng hóa các giá trị bền vững, ví dụ như qua tín chỉ carbon, để thị trường có thể định giá đúng sản phẩm.
Đồng thời, chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận và chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, giúp họ giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ cho sự phát triển bền vững.
Từ góc độ của một doanh nghiệp, ông Lê Thanh, CEO AirX Carbon, chia sẻ những thách thức chính doanh nghiệp gặp phải trong việc thay thế các vật liệu truyền thống. “Việc hiểu rõ tính chất hóa học, chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào từ phụ phẩm nông nghiệp là vô cùng khó khăn”, ông Thanh nói.
“Bài toán” này đến từ cả chất lượng không ổn định của nguyên liệu thô và sự biến động về giá cả. Để giải quyết, AirX Carbon phải vừa nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, vừa cam kết giữ giá ổn định cho khách hàng, thậm chí còn nhận được sự hỗ trợ ngược lại từ chính các đối tác lớn trong việc tìm kiếm và chuẩn hóa nguồn cung.