16:01 09/02/2023

Ngành giao thông vận tải phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông tối thiểu 10% năm 2023

Anh Tú

Hướng tới mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông tối thiểu 10% ở cả 3 tiêu chí năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị cần bảo đảm an toàn giao thông khi thi công các dự án, tiếp tục tái cơ cấu vận tải theo hướng giảm phụ thuộc vào đường bộ, xây dựng văn hoá giao thông...

Năm 2023, mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông tối thiểu 10% trên cả 3 tiêu chí ở mỗi địa phương và toàn quốc và từng bước khắc phục ùn tắc giao thông.
Năm 2023, mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông tối thiểu 10% trên cả 3 tiêu chí ở mỗi địa phương và toàn quốc và từng bước khắc phục ùn tắc giao thông.

Ngày 9/2, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

CHƯA ĐẠT CHỈ TIÊU ĐỀ RA NHƯNG GIẢM SÂU SO VỚI TRƯỚC DỊCH

Báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết năm 2022, tình hình dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại trạng thái bình thường của năm 2019, năm trước khi có đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Cũng trong năm 2022 diễn ra nhiều sự kiện văn hóa xã hội lớn quy mô quốc tế như: Seagames 31, các kỳ nghỉ lễ dài ngày, nghỉ 30/4 - 1/5 và nghỉ Quốc khánh 2/9... góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu giao thông, cũng như số lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022.

Theo đánh giá của đại diện Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, mặc dù kết quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông so với năm 2021 chưa đạt chỉ tiêu đề ra, song nếu so với cùng kỳ năm 2019 (trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19) thì tai nạn giao thông lại giảm rất sâu ở cả 3 tiêu chí. Cụ thể, giảm 6,276 về số vụ (tương ứng giảm 35,2%), giảm 1.246 người chết (giảm 16,3%) và giảm sâu 42,81% số người bị thương (tương ứng giảm 5.841 người).

 

Bên cạnh đó, "số vụ ùn tắc giao thông trên toàn quốc được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý và có chuyển biến rất tích cực", ông Hùng cho hay.

Để đạt được những kết quả trên, ông Khuất Việt Hùng cho biết là do những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. 

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Cùng với đó, công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là các công tác tổ chức giao thông, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, điều tiết giao thông các vị trí xung yếu trên đường thủy...

NGUY CƠ TAI NẠN GIAO THÔNG TĂNG CAO

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng, đánh giá năm 2022, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có những kết quả rất đáng mừng, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí so với năm 2019 - trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Số vụ ùn, tắc giao thông trên toàn quốc được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc; tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn cơ, bài bản.

Năm 2023, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương, cũng như các nhiệm vụ cụ thể đã được giao trong Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để tổ chức triển khai, thực hiện.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, trong năm nay, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, mức độ tham gia giao thông sẽ tăng cao. Nếu không có giải pháp quyết liệt, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.

"Mục tiêu phấn đấu giảm tai nạn giao thông ít nhất 10% ở cả 3 tiêu chí trên mỗi địa phương và trên toàn quốc, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, các cửa ngõ ra, vào các tỉnh, thành phố lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

"Bảo đảm tiến độ, chất lượng, bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường khi thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ", Bộ trưởng lưu ý.

Đồng thời kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn; nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông.

Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn những giải pháp đã nêu trong Kế hoạch năm an toàn giao thông 2023, đặc biệt là chú trọng trách nhiệm trong khi làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ pháp luật và quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông.