16:39 04/10/2023

Ngành ngân hàng lên miền núi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Hoàng Lan

Chiều 4/10, tại Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 29/9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 6,92% so với 31/12/2022, chưa đạt 50% mục tiêu cả năm. Đó là lý do ngành ngân hàng liên tục tổ chức các hội nghị thúc đẩy tiếp cận tín dụng...

Ngân hàng và doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi các vướng mắc trong tiếp cận tín dụng.
Ngân hàng và doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi các vướng mắc trong tiếp cận tín dụng.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với 31/12/2022 và tăng 1,59% so với con số 5,33% cuối tháng 8/2023. 

Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đến 15% trong năm 2023, trong 3 tháng còn lại, tín dụng phải tăng trưởng trên 7%.

Đó là lý do để Ngân hàng Nhà nước liên tục tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp tại các tỉnh/thành phố tập trung nhiều khu/cụm công nghiệp….để tìm cách tăng khả năng tiếp cận tín dụng.

 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đến 15% trong năm 2023, trong 3 tháng còn lại, tín dụng phải tăng trưởng trên 7%.

Chiều 4/10, Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được tổ chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, một trong những trung tâm kinh tế, chính trị - xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 8.877 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng trên 129 nghìn tỷ đồng; với 13 khu công nghiệp đang hoạt động, ngoài ra có các cụm công nghiệp, trong đó nhiều cụm công nghiệp được thành lập ở những vùng còn khó khăn.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu luỹ kế đến năm 2025 sẽ có 11.600 doanh nghiệp; trong đó 4.100 doanh nghiệp đăng ký mới, tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 57.370 tỷ đồng. 

Theo lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt kết quả tốt, tăng 26,8% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có xu hướng tích cực hơn (tăng 3,68% so với cùng kỳ), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp; thu hút đầu tư FDI toàn tỉnh đạt tổng vốn đăng ký 171 triệu USD với 27 dự án FDI cấp mới.

Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng tại tỉnh Thái Nguyên đạt gần 16%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 09 tháng đầu năm của tỉnh là 4,51%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành (5,56%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%).

Thông tin cụ thể hơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tín dụng của một số ngành có xu hướng giảm: Tín dụng ngành nông lâm, thủy sản giảm 0,29% so với cuối năm 2022. Tín dụng ngành khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỷ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỷ trọng 41,81%.

Đáng lo ngại, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 6,28%.

Dù vậy, tín dụng của một số ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng trưởng cao như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho khách hàng gần 626 tỷ đồng cho 57 lượt khách hàng.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên đưa ra 5 đề xuất đối với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần hỗ trợ lớn từ ngân hàng trong dự báo chính sách, đặc biệt là tỷ giá với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi công nghệ.

Thứ hai, doanh nghiệp cần sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba, doanh nghiệp mong muốn có môi trường lãi suất ổn định; thời hạn cho vay dài.

Thứ tư, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát và đưa những Nghị định, Nghị quyết, Thông tư đi nhanh vào thực tiễn, rút ngắn thời gian thực thi.

Thứ năm, trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, gặp rắc rối với pháp lý; kiến nghị các cơ quan chức năng rà soát; tinh giảm các thủ tục cho vay; hồ sơ cho vay…