Chật vật đẩy bánh xe tín dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của BIDV là 14% nhưng đến 15/9 mới tăng được 6%. Hết 8 tháng, con số này ở Sacombank là 6,7% và Agribank chỉ 2,4% trong khi chỉ tiêu những ngân hàng này đặt ra đều trên 10%. Các doanh nghiệp nói rằng họ chỉ vay dè dặt vì tiêu thụ hàng hoá nội địa và xuất khẩu trì trệ từ đầu năm đến nay…
Ông Lý Hiệp ở ấp 8, xã Hoài An, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết gia đình ông đã lựa chọn mô hình kinh doanh hộ, nuôi cá thác lác, cá tra phục vụ thị trường nội địa, doanh thu 30 tỷ đồng/năm. Dư nợ hiện tại ở VietinBank là 9 tỷ đồng trong hạn mức được cấp 12 tỷ đồng, lãi suất chỉ 5,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống.
DOANH NGHIỆP TỒN KHO HÀNG, NGÂN HÀNG TỒN KHO TIỀN
Lãi suất vay mức 5,5%/năm của hộ ông Lý Hiệp thực sự gây ngạc nhiên vì hồi đầu năm, lãi suất vay phải cao hơn từ 3% đến 4%, kể cả thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, luôn được hưởng mức lãi suất thấp nhất.
Tuy nhiên, tại Hội nghị "Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra vào chiều 15/9/2023 tại Cần Thơ với quy mô gần 200 người đến từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp lúa gạo, thuỷ sản, hiệp hội ngành hàng và đại diện các tỉnh, đã cho thấy mức lãi suất vay 5,5% không phải mẫu điển hình. Thay vào đó, hầu hết các khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên đều được tiếp cận với lãi suất vay rất thấp, từ 5 đến mức hơn 6%/năm nhưng ngân hàng vẫn rất khó cho vay.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu năm 2023, BIDV chỉ đạo hệ thống đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa gạo, đến 31/8/2023, dư nợ đạt 22.023 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng dư nợ cho vay tại vùng; dư nợ thuỷ sản đạt 34.645 tỷ đồng, chiếm 24,5%; tính riêng dư nợ thuỷ sản của gói 15 nghìn tỷ đồng đạt 960 tỷ đồng. BIDV cắt giảm lãi suất cho vay bằng cách giảm lãi suất huy động và tiết giảm chi phí vận hành. Từ đầu năm đến nay, giảm lãi suất vay 4 lần; riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong 8 tháng đầu năm đã giảm lãi suất với 22 nghìn khách hàng, tổng số tiền lãi đã giảm 163 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp lý giải rằng do sức mua trong nước yếu, trong khi hoạt động xuất khẩu lúa gạo, đặc biệt là thuỷ sản vô cùng khó khăn tìm kiếm khách hàng ở các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản.
Tập đoàn Minh Phú, chuyên xuất khẩu tôm, có tới 20 cơ sở sản xuất rải đều từ Thanh Hoá đến Đồng bằng sông Cửu Long đang bí bách đầu ra. Các bạn hàng nước ngoài than phiền với Minh Phú là hàng hoá bán chậm, tồn kho nhiều nên phải chờ tiêu thụ hết hàng mới tiếp tục mở đơn.
Lắng nghe các tâm tư từ doanh nghiêp, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ rằng từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ rốt ráo chỉ đạo các ngành bắt tay vào khôi phục sản xuất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Trong khi hầu hết các nền kinh tế lớn thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và bảo toàn ngoại tệ đô la thì Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành, giãn hoãn nợ và đặc biệt là tham mưu Chính phủ cung ứng gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, lúa gạo.
Ban đầu, Chính phủ dự kiến gói này chỉ 10 nghìn tỷ đồng nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước thảo luận với 12 ngân hàng thương mại, trong đó có 4 ngân hàng lớn nhà nước chi phối vốn, đã thống nhất nâng quy mô lên 15 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn thị trường 2%, nguồn do các ngân hàng thương mại tự chủ động.
Tuy nhiên, dù gói vốn này được chính thức triển khai từ tháng 7/2023 nhưng đến nay tốc độ giải ngân rất chậm vì khách hàng chưa muốn vay. BIDV là ngân hàng có dư nợ lớn nhất nhì tại Đồng bằng sông Cửu Long nhưng đến 31/8 dư nợ của gói vốn trên mới chỉ đạt 960 tỷ đồng.
“Nếu như doanh nghiệp tồn kho hàng thì ngân hàng đang tồn kho tiền”, đại diện một ngân hàng nói với VnEconomy.
Thực tế cho thấy, tại Agribank, tính đến 31/8/2023, tổng dư nợ xấp xỉ 1,5 triệu tỷ đồng nhưng chỉ tăng 34 nghìn tỷ đồng (2,4%) so với đầu năm.
“Tám tháng đầu năm, Agribank giảm lãi suất tới 5 lần từ 1,3% - 4%, triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi với mức thấp hơn thị trường từ 2% - 3% và 2 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với dư nợ cho vay trung hạn hiện hữu khoảng 425 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền lãi ngân hàng đã giảm đến hết tháng 8 là 640 tỷ đồng, dự kiến con số này cho cả năm khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng tín dụng cũng chỉ tăng được nhu vậy”, bà Phùng Thị Bình, phó tổng giám đốc ngân hàng nêu con số tại hội nghị.
TRĂN TRỞ VỚI MÔ HÌNH CHO VAY CHUỖI
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng “tam nông” với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Hết 3 quý của năm mà mức tăng tín dụng chỉ 5,35% là rất thấp so với các năm trước. Tín dụng càng tăng thấp, càng phải cảnh giác với rủi ro.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó phòng tín dụng VietinBank Hậu Giang, trực tiếp quản lý khách hàng Lý Hiệp cho biết, mặc dù là hộ vay nhưng ngân hàng vẫn yêu cầu sổ sách ghi chép bán hàng, hoá đơn chứng từ, sao kê tài khoản giao dịch, phản ánh dòng tiền đi/đến phải rõ ràng. “Tài khoản kinh doanh chủ hộ mở tại VietinBank, nhờ đó ngân hàng kiểm soát được dòng tiền mua hàng hoá của nhà cung cấp vật liệu đầu vào và nhận tiền khi bán cá. Đặc biệt, tài khoản cá nhân phải tách biệt khỏi tài khoản kinh doanh của hộ”.
Cách đây đã 7 năm, vấn đề làm thế nào để cung cấp tín dụng kịp thời với quy mô lớn nhưng hạn chế rủi ro, nhằm nâng tầm phương thức sản xuất lúa gạo, thuỷ sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Nhà nước cùng một số ngân hàng thương mại phối hợp với các địa phương triển khai mô hình cho vay chuỗi.
Ví dụ về mô hình này như sau: người trồng lúa, người bán vật tư giống, bảo vệ thực vật, người thu mua gom hàng, doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu khép kín thành một vòng tròn thông qua các hợp đồng kinh tế. Ngân hàng sẽ cho vay doanh nghiệp đứng đầu chuỗi và doanh nghiệp/hộ nông dân trong chuỗi, dĩ nhiên các chủ thể phải mở tài khoản ở ngân hàng cho vay.
Ưu điểm của mô hình này là ngân hàng kiểm soát hoàn toàn tiền vay đúng mục đích, sẽ không có chuyện mang tiền vay sản xuất, kinh doanh lúa gạo đi đầu tư đất đai nhà cửa. Hơn thế, mọi nhu cầu vốn đều được cung ứng đúng thời điểm, giảm thiểu tình trạng nông dân phải vay nặng lãi.
Ở hội nghị lần này, vấn đề cho vay chuỗi lại được xới xáo. Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh”; Tuy nhiên, nếu không xây dựng phương án vốn hiệu quả đầu tư cho chuỗi thì sẽ thất bại như từng cho vay đối với mô hình cánh đồng mẫu lớn.
“Lúa gạo, thuỷ sản, cây trái ở Đồng bằng sông Cửu Long phải thay đổi tư duy theo hướng cho vay theo chuỗi giá trị, tức là người dân phải liên kết với doanh nghiệp, sản xuất phải gắn với thị trường”, ông Phạm Thái Bình nói.
Ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc tài chính Tập đoàn Lộc Trời, “vua lúa gạo” ở Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết doanh nghiệp này thực hiện mô hình khép kín từ nghiên cứu/sản xuất giống/tổ chức liên kết sản xuất với nông dân/bao tiêu sản phẩm và xuất khẩu. Nhu cầu vốn của tập đoàn trong năm 2023 lên tới 80 nghìn tỷ đồng, trung bình 25 triệu/ha nhưng chỉ tự chủ được 10% vốn, phần còn lại phân tán về doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi.
Tuy nhiên, do nông dân không có hợp đồng kinh tế, không có tài sản đảm bảo, không có quan hệ với ngân hàng nên vay mượn ngân hàng rất khó khăn. Bởi vậy, Lộc Trời phải đóng một phần vai trò ngân hàng cho nông dân vay.
“Nếu nông dân có hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp và ngân hàng dựa vào đó cho vay vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, bảo vệ thực vật…) và trả thẳng về tài khoản bên bán thì ngân hàng vẫn quản lý được dòng tiền, chúng tôi sẽ giảm tải được áp lực về vốn và tranh thủ được thời cơ xuất khẩu gạo trong năm nay, khi mà Lộc Trời vừa kiếm được một đơn hàng giá trị lớn tương đương cả năm 2022”, ông Lê Thanh Hạo Nhiên nói.
Tuy nhiên, trao đổi riêng với VnEconomy, ông Hoàng Minh Nhật, giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ), lại cho rằng ở Đồng bằng sông Cửu Long, nếu có thể triển khai chuỗi thành công và ngân hàng cấp vốn mà không lo lắng thì chỉ có Tập đoàn Lộc Trời và Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Lý do là họ có vùng nguyên liệu lớn, nguồn thu dồi dào từ phát hành cổ phần, bán vật tư nông nghiệp cho các chủ thể trong chuỗi. Chưa kể, là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nên luôn được các ngân hàng mời chào cho vay.
“Bên cạnh chuỗi như nói trên thì vẫn còn một kiểu chuỗi hình thành tự nhiên, đó là doanh nghiệp đầu mối mua gom lúa gạo từ các thương lái, đạt chuẩn tôi mua, không đạt chuẩn thì thôi”, ông Hoàng Minh Nhật nói.
Ông Nhật nêu một ví dụ rất đơn giản để cho thấy không dễ gì triển khai mô hình chuỗi. Đó là để gom được lúa, các thương lái phải thức đêm hôm, đi lại cả hàng chục km trên kênh rạch chằng chịt, không để lúa gạo bị ướt, bán cho doanh nghiệp thu mua đúng giờ.
Thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng đủ năng lực quản trị, quản lý ít nhất 10 – 15 mắt xích và hàng trăm chủ thể trong chuỗi, hoặc vững vàng tiềm lực tài chính như: Trung An hay Lộc Trời, sẵn sàng đầu tư cả chục triệu USD cho một phần mềm quản lý.
Về mặt chính sách, cho vay chuỗi được quy định khá chi tiết trong Nghị định 55 và Nghị định 116 nhưng đến nay, vẫn chưa thể triển khai rộng rãi bởi con số thành công được ghi nhận ở mức rất thấp.
“Cách đây 7 năm, Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại thí điểm triển khai 10 chuỗi cho vay giá trị khắp cả nước nhưng chỉ có 2 chuỗi thành công ở Lâm Đồng, phần còn lại là không thành công”, một cán bộ ngân hàng nói với phóng viên.
Theo ông này, lý do không thành công không phải thiếu vốn ngân hàng mà chưa tìm ra cơ chế gắn kết các chủ thể trong chuỗi. Hơn nữa, có không ít vấn đề liên quan đến tập quán canh tác, chỉ nhìn thấy lợi ích cục bộ mà chưa có ý thức gắn kết, hoặc khi thấy giá thu mua thị trường cao hơn giá mua của doanh nghiệp trong chuỗi là phá rào bán ra ngoài...
“Mô hình nào cũng có ưu điểm, nhược điểm và sự lựa chọn nào cũng dựa trên sự phù hợp của mỗi doanh nghiệp. Vấn đề là ngân hàng phải gắn bó và đánh giá được chất lượng từng khách hàng để ra quyết định cho vay chính xác”, ông Minh Nhật nói.