07:57 08/09/2023

Khoảng 1 triệu tỷ đồng "khẩu phần" tín dụng chờ bơm vào nền kinh tế

Kỳ Phong

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng cuối năm 2023, toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng...

Tăng trưởng tín dụng chật vật trong bối cảnh năng lực hấp thụ của nền kinh tế yếu.
Tăng trưởng tín dụng chật vật trong bối cảnh năng lực hấp thụ của nền kinh tế yếu.

Ngày 7/9/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn. "Lý do là doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay, đây là vấn đề rất khó!", ông Tú cho biết.

Báo cáo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa, toàn hệ thống còn khoảng 9% dư địa để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng, lãi suất cho vay có xu hướng giảm khiến tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng. 

 

Theo cập nhật của VnEconomy, trong tháng 8, lãi suất huy động 12 tháng trung bình đạt 6,08%, đã giảm trở lại 10 điểm cơ bản (bps) so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 92 bps so với trung bình hồi tháng 7, giảm tới 235 bps so với cuối năm 2022. Lãi suất huy động duy trì đà giảm kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm.  

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thời gian qua việc điều hành và những giải pháp hệ thống ngân hàng đưa ra rất quyết liệt, linh hoạt, đạt được những kết quả khá tích cực.

Đối với Hiệp hội Dệt May, việc sản xuất gặp khó khăn do thiếu đơn hàng và đơn giá thấp. Doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì không vay tiền để làm gì dù lãi suất có thấp.

Trước mắt nhu cầu của thị trường hàng dệt may chưa thể một sớm một chiều tăng lên được. Tuy nhiên nhìn về lâu dài có rất nhiều cơ hội kinh doanh và nhu cầu vốn rất lớn, nhất là trong chuyển đổi xanh.

Đại diện hiệp hội đề xuất nhà nước hỗ trợ đất đai, ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp dệt may đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp với bức tranh chung của nền kinh tế. Lý do chính của tăng trưởng tín dụng chưa cao là do thị trường xuất khẩu giảm, nên doanh nghiệp thận trọng trong các kế hoạch đầu tư sản xuất.

Về điều hành chính sách tín dụng, theo ông Tuấn, giải pháp giảm lãi suất là quan trọng, nhưng việc giữ an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng là yếu tố quan trọng không kém để hút các nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới.

Ông Tuấn cũng đề xuất các giải pháp liên quan đến khôi phục niềm tin thị trường, tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu.

Tại hội nghị, đại diện các Ngân hàng thương mại cũng chia sẻ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, cho biết trong bối cảnh thanh khoản dồi dào nhưng vốn tín dụng không ra được nền kinh tế. "Ngân hàng cũng rất đau đầu vì vẫn phải huy động vốn và trả lãi vay, áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn”, đại diện một ngân hàng cho biết.

Thực tế do nhu cầu thị trường không có nên doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vốn. Bởi nếu vay vốn về sản xuất mà hàng tồn kho nhiều hơn, lại phải trả lãi thì doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa.

Qua đó, các ngân hàng đề xuất các giải pháp liên quan đến kích cầu tiêu dùng, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, khôi phục niềm tin thị trường... để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Về tín dụng, các ngân hàng thương mại cho biết có thể chấp nhận rủi ro hơn, nhưng phải thu hồi được vốn và các dự án phải có cơ sở pháp lý chắc chắn…