Tôi đã học được rất nhiều từ các anh chị đồng nghiệp. Tôi học được cách làm tạp chí chuyên nghiệp của Ringier AG, từ cách thức tổ chức nội dung đến quy trình tòa soạn. Tôi học được cách lấy thông tin của Patrick Hirsh, người không ngại gõ mọi cánh cửa để có được dù chỉ một trích dẫn hay một con số cho bài “cứng” hơn. Tôi học được cách biên tập của Huge Nolan, người đặt tít phụ (subtitle) linh hoạt nhất mà tôi từng biết, khiến cho bài báo mạch lạc và dễ đọc nhất cho độc giả.
Tôi học được cách viết bài của Jonathan Birchan, cách viết của Elka Ray, những người luôn có giọng điệu riêng dù nói về chủ đề nào. Tôi học được tư duy thiết kế báo chí của Johny Edbrook, nhất là cái cách anh xây dựng concept cho bìa tạp chí, học ở anh Nguyễn Trí Mẫn về cách làm báo ở Việt Nam. Tôi cũng học được cả sự bền bỉ của chị Thu Anh - người đã cùng tôi xây dựng The Guide từ những ngày đầu, cùng với Marc Lindsey.
VET thời đó thật sự là một trường học thực tế của nghề báo. Chúng tôi được chuyên tâm làm nghề. Mối bận tâm duy nhất của chúng tôi là làm sao để viết được những bài báo hay nhất, chứ không phải nhiều like nhất. Một bài báo hay thời đó được định nghĩa là nó đề cập đến các vấn đề nóng nhất của kinh tế đất nước, đưa ra được các góc nhìn khác nhau từ các bên liên quan và mang lại giá trị cho độc giả.
Nói chung, một bài báo dù chỉ có hai trang cũng cần phải phỏng vấn cả 5, 7 người, bao gồm đại diện doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước, quan điểm của chính quyền, của doanh nghiệp, của người dân, góc nhìn từ phía Bắc và phía Nam, hoặc trong nước - ngoài nước... Và phải có sự hậu thuẫn của các số liệu, bảng biểu. Để viết một bài báo, nhiều khi mất cả nửa tháng trời.
Việc phỏng vấn ra nước ngoài cũng không có gì là lạ, dù hồi đó Internet còn chưa có. Còn với loạt bài trong cover story (tuyến nội dung chủ đề) thì việc vài ba người đứng chung tên trong một bài viết là “chuyện thường ngày” ở tòa soạn. Có những tranh cãi gay gắt vì một chữ, một câu trong bài báo. Có những buổi tư duy về bìa tạp chí mà còn sướng hơn... đi chơi với người yêu. Có cả những bài học để đời.
Ở VET, tôi không giàu có vì tiền bạc. Đây không phải là tờ báo trả lương cao, hay có mức nhuận bút tốt nhất thị trường. Bù lại, tôi nhận được rất nhiều thứ khác mà tiền không mua được. Đó là những người thầy, người bạn, người em.
Ở VET, tôi có cơ hội được kết bạn với rất nhiều người mà sau này là bạn thân thiết, có mặt trong những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời tôi, như anh Xuân Bình (phóng viên ảnh), anh Thái Văn Hòa (thiết kế). Có những đứa em cũng gần gũi như Lệ Cầm, Thu Huyền.
Ở VET, tôi cũng chứng kiến sự khởi đầu chập chững của rất nhiều tài năng trẻ và rất mừng với sự phát triển của họ sau này, ở các lĩnh vực bên trong và ngoài báo chí.
Ở VET, tôi có cơ hội được phỏng vấn, trò chuyện, tiếp cận với rất nhiều nhà làm chính sách, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp ở mọi thành phần. Có những câu chuyện không thể đưa lên mặt báo. Có những bài báo mãi mãi nằm trong folder (unapproved) mà không phải vì lý do chất lượng. Có những cuộc trà dư tửu hậu mà chủ đề lan man từ những dự đoán chính trị qua ảnh tổng biên tập treo trong phòng làm việc đến thế cờ dưới quán nước trong sân Nhà máy in Tiến bộ.
VET đã từng là một phần tuổi trẻ của tôi. Nó là nền tảng cho tôi có những thấu hiểu về Việt Nam khi trở về nước. Ở đây cũng có cả những sai lầm ấu trĩ của tôi và cả niềm vui về giá trị mà mình mang lại. Nhiều ý tưởng tôi tham gia hoài thai từ thời đó, đến giờ vẫn còn được dùng, như chỉ sử dụng ảnh đen trắng cho bìa The Guide, hay giải thưởng The Guide Awards, Golden Dragon Awards...
Chuyên nghiệp, chính trực, tiên phong là những gì VET tạo ra hồi đó. Tôi tự hào khi làm việc ở VET và coi đó như là một dấu mốc thành công trong sự nghiệp của mình. Tôi rời khỏi VET năm 2001 để theo đuổi những ước mơ mới, những dự định riêng, nhưng với tôi, VET vẫn luôn là một ngôi nhà thân thương của ký ức.
Bây giờ, là CEO của Blue C, một công ty tư vấn chuyên sâu về văn hóa doanh nghiệp, trải nghiệm nhân viên, truyền thông nội bộ, tôi vẫn tìm thấy ở VET những giá trị mới cho công việc của mình. VET giúp tôi cập nhật các xu thế của thị trường, kết nối với các khách hàng tiềm năng. Nó cũng cho tôi rất nhiều case study về những lĩnh vực mà công ty tôi tư vấn. Tôi cũng tìm thấy ở đây nhiều bài học thực tế từ các doanh nhân và cả kiến thức về một số lĩnh vực tôi quan tâm như chuyển đổi số, kinh tế số.
Bây giờ, Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy / VET đã lớn mạnh hơn rất nhiều. Đội ngũ của báo bây giờ trẻ hơn, đa năng hơn, làm được nhiều định dạng báo chí hơn. VET cũng đã mở rộng phạm vi hơn với hệ sinh thái đa nền tảng. Hoạt động kinh doanh của báo cũng nhạy bén hơn, với vai trò tổ chức của nhiều talkshow, tọa đàm, hội thảo, diễn đàn lớn. Các tiêu chí Chân thực - Tích cực - Hữu ích của báo cũng phù hợp hơn với bối cảnh mới của báo chí Việt Nam.
Không gì vui bằng việc chứng kiến những gì mình góp sức ngày xưa giờ phát triển lên một tầm cao mới. Tôi tin là Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là diễn đàn đáng tin cậy và có giá trị của những người làm chính sách, của doanh nghiệp, của độc giả.
Chúc mừng Thời báo Kinh tế Việt Nam tròn 30 năm tuổi, tuổi chín chắn và mạnh mẽ nhất để tạo ra những cuộc nhảy vọt mới. Tôi mong muốn ở tuổi thứ 40, tôi sẽ tiếp tục được nhìn thấy sự lớn mạnh và ảnh hưởng hơn nữa của tờ báo mà tôi yêu quý.
VnEconomy 21/06/2023 07:07
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam