Người dân "đỏ mắt” ngóng giảm thuế xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất giảm loạt 4 sắc thuế
Cả 4 sắc thuế trong cơ cấu thuế tính giá xăng dầu đều được Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm. Dù mức giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT chưa được công bố nhưng kỳ vọng sẽ chặn đà tăng kỷ lục của giá xăng dầu, đáp ứng sự mong mỏi của người dân...
Ngày 30/6, đại diện Bộ Tài chính cho biết vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính thông tin, do tờ trình mật nên chưa thể công bố thông tin cụ thể về mức giảm thuế suất cũng như tác động đến thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm. Dù vậy, mức giảm hứa hẹn khá lớn, để giảm áp lực lên đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu của người dân.
Gần đây nhất, cơ quan này cũng đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 và điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng từ 20% xuống còn 12%, để góp phần giảm giá xăng dầu.
Như vậy, trong cơ cấu thuế tính giá xăng dầu, Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh cả 4 sắc thuế gồm thuế suất thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022. Theo đó giảm từ 500 - 1.000 đồng/lít xăng, dầu tùy loại.
Với giả định giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm tương ứng 500 đồng/lít đến 1.000 đồng/lít như các mức giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Bộ Tài chính và giữ ổn định trong các tháng còn lại của năm 2022, trường hợp nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước tác động của giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chỉ số CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,16%.
Bộ Tài chính ước tính, trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước (đã bao gồm cả phần giảm thuế VAT) là khoảng 7.000 tỷ đồng.
"Nếu tính cả phần ước giảm thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 khoảng 2.661 tỷ đồng/tháng thì tổng giảm thu ngân sách nhà nước bình quân một tháng ước khoảng 4.061 tỷ đồng/tháng và cả năm là khoảng 20.305 tỷ đồng", Bộ Tài chính tính toán.
Ngoài ra, nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu xăng và nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế MFN đối với xăng từ 20% xuống còn 12%.
"Việc điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với xăng mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động", Bộ Tài chính nhìn nhận.
Sau khi giảm thuế đối với xăng dầu của Bộ Tài chính, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Việc giảm thuế sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng này, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.
Đặc biệt, xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất trong nền kinh tế, đặc biệt là nhóm ngành huyết mạch như giao thông vận tải, điện... Hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 40% trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không; từ 35 - 40% giá thành vận tải đối với các dịch vụ xe container, xe tải nặng và khoảng 25% đối với các loại xe khác. Nhờ đó, sẽ giảm áp lực về chi phí nhiên liệu leo thang, tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực khác.
Sau khi mức thuế bảo vệ môi trường được điều chỉnh giảm theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, tỷ trọng thuế đối với xăng E5RON92 khoảng 23,46%, đối với xăng RON95 khoảng 24,11% và đối với dầu diesel khoảng 12,77% tính tại kỳ điều hành ngày 13/6.