10:01 14/12/2021

Nhà đầu tư ngoại đang hướng về Vĩnh Phúc

Anh Nhi

Hàng trăm đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức tư vấn đầu tư nước ngoài đã đến thăm, làm việc và tìm hiểu môi trường đầu tư giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cho thấy sức hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc…

Nhờ sự trợ lực kịp thời của Chính phủ, của tỉnh, nhiều doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc vẫn đảm bảo sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến khó lường.
Nhờ sự trợ lực kịp thời của Chính phủ, của tỉnh, nhiều doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc vẫn đảm bảo sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến khó lường.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của địa phương vẫn giữ ở mức khả quan, vượt so với kế hoạch năm và tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến, thu hút vốn FDI cả năm 2021 bằng 253,75% kế hoạch và tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020.

HIỆU QUẢ TỪ CHIẾN LƯỢC “KHOANH VÙNG NHANH, CÁCH LY GỌN VÀ CHỦ ĐỘNG HỖ TRỢ NHÀ ĐẦU TƯ”

Cụ thể, toàn tỉnh dự kiến thu hút được 1,1 tỷ USD trong năm 2021; trong đó, vốn đăng ký mới đạt khoảng 900 triệu USD và vốn tăng thêm khoảng 200 triệu USD.

Theo đó, lũy kế đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như công nghiệp điện tử, ô tô, xe máy…

Hiện nay có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh. Hàn Quốc có số lượng nhà đầu tư lớn nhất, tiếp đến là Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Italia, Samoa, Seychelles, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Indonesia và Pháp.

Nhà đầu tư ngoại đang hướng về Vĩnh Phúc - Ảnh 1

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, nhờ các chế chính sách trợ lực kịp thời của Chính phủ, của tỉnh, nhất là sự chủ động, linh hoạt thay đổi phương thức quản lý, sản xuất, nguồn cung hàng hóa, các doanh nghiệp đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… đều có hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động. Chẳng hạn như Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Italia), Công ty TNHH North Stair Precision (Hoa Kỳ), Công ty TNHH De Heus (Hà Lan)…

“Việc khoanh vùng nhanh, cách ly gọn, chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã hạn chế tác động của dịch bệnh đến tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ đó, môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc vẫn được giữ vững và nhận được sự tin tưởng từ nhà đầu tư”, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh thường xuyên có các buổi làm việc, đối thoại, kiểm tra, động viên chia sẻ với các doanh nghiệp.

Đặc biệt, cuối tháng 7/2021, tỉnh thành lập Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh nhằm thích ứng, linh hoạt trong công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư sẵn có. Đồng thời, xây dựng quy trình đầu tư mới, rút giảm khoảng 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không thể sang trực tiếp để thực hiện thủ tục đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Theo thống kê, sau hơn 2 tháng hoạt động, Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp giải quyết, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết nhanh nhất, bảo đảm không quá 24 giờ gần 1.000 cuộc điện thoại của các doanh nghiệp, chủ yếu đề nghị tỉnh tháo gỡ các khó khăn trong việc xuất nhập cảnh của các chuyên gia, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đưa đón lao động từ các tỉnh khác...

ĐA DẠNG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ

Bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền và hệ thống đường dây nóng, tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp bằng nhiều kênh khác nhau nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và lao động cho doanh nghiệp.

“Nhờ đó, vị thế của Vĩnh Phúc tiếp tục được củng cố và nhà đầu tư nước ngoài vẫn tới Vĩnh Phúc tìm hiểu môi trường đầu tư ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang phát biểu tại chương trình Đối thoại “Doanh nghiệp hỏi – Chính quyền trả lời” ngày 16/9.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang phát biểu tại chương trình Đối thoại “Doanh nghiệp hỏi – Chính quyền trả lời” ngày 16/9.

Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đã tiếp đón và làm việc trực tiếp với hàng trăm đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức tư vấn đầu tư nước ngoài đến thăm, làm việc và tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng làm việc theo hình thức trực tuyến với 3 đoàn nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và châu Âu.

Không chỉ làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư hướng vào thị trường các nước lớn cũng được tổ chức bằng các hình thức phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 10/2021, UBND tỉnh phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến kết nối đầu tư và thương mại cho các doanh nghiệp của Vĩnh Phúc với các đối tác tiềm năng của Đức để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá vào Đức và châu Âu.

Đánh giá về môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc, ông Deepak Kumar, Tổng giám đốc Công ty TNHH Linh kiện tự động Minda Việt Nam cho biết, điểm hấp dẫn nhất của Vĩnh Phúc chính là tỉnh đã có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư FDI rất tốt.

Đó là Vĩnh Phúc áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư như áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm với các công ty sản xuất phần mềm, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.... Hay tùy theo ngành nghề, dự án mà các doanh nghiệp có thể áp dụng chế độ miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2-4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp từ 4-9 năm tiếp theo. Thực hiện miễn giảm tiền thuế đất, thuê mặt bằng cho một số trường hợp.

Để thu hút được các nhà đầu tư lớn từ châu Âu, Hoa Kỳ... trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chủ động thực hiện linh hoạt xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các hình thức kết nối nhà đầu tư và bảo đảm hài hòa các lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Theo đó, năm 2022, Vĩnh Phúc triển khai chương trình xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm tập trung vào 8 nội dung xúc tiến đầu tư theo đúng quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đó là ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển và định hướng chung của quốc gia, khu vực và của tỉnh, bảo đảm mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững.

Tập trung thu hút vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0, các ngành thương mại dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao như dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục - đào tạo, dịch vụ tài chính quốc tế, logistics và các dịch vụ hiện đại khác, đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trung tâm thương mại, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế Hiệp định thương mại tự do đem lại, nắm bắt cơ hội vàng, đón làn sóng đầu tư dịch chuyển, tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Và củng cố các đối tác đầu tư chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, mở rộng các đối tác đầu tư thuộc khu vực Đông Âu, Mỹ La tinh và châu Phi, đẩy mạnh thu hút đầu tư với đối tác là Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu thông qua các tập đoàn đa quốc gia.