Nhà hàng, quán ăn trốn xuất hóa đơn, đại biểu Quốc hội lo thất thu thuế
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính việc bán hàng không xuất hóa đơn vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại với lý do người mua hàng không yêu cầu...
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, thực tế này không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế mà còn tạo điều kiện để hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng và vô tình tiếp tay cho các cơ sở kinh doanh trốn thuế.
Do đó, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra giải pháp trong thời gian tới để ngăn chặn tình trạng nêu trên.
Chiều 6/11, trả lời về nội dung xuất hoá đơn điện tử, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cho biết Bộ Tài chính đã chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải thực hiện xuất hoá đơn điện tử bắt đầu từ ngày 1/7/2022; đến nay, việc thực hiện hoá đơn điện tử được triển khai trên toàn quốc.
Với các hộ kinh doanh nhà ăn, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng xăng dầu, Bộ Tài chính yêu cầu phải xuất hoá đơn điện tử thông qua việc xây dựng công nghệ kết nối giữa máy tính tiền của các đơn vị này với dữ liệu của cơ quan thuế để kiểm soát. Đến nay, trên 50% với nhà hàng, siêu thị đã triển khai hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền.
Riêng với cửa hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cũng yêu cầu áp dụng hoá đơn điện tử tại tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Hiện nay, 100% cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kết nối dữ liệu thuế với cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý, lấy dữ liệu dân cư để làm định danh mã số thuế.
Liên quan đến vấn đề này, trong tờ trình vừa được gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại vùng đồng bằng, đô thị, thời gian thực hiện sau 1 năm kể từ ngày Nghị định 95 sửa đổi có hiệu lực; đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các vùng miền núi thời gian thực hiện sau 2 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực.
"Năm ngoái, ngân sách nhà nước tăng thu một phần cũng từ khoản thu này. Chúng tôi tập trung quản lý hoá đơn điện tử thông qua AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích dữ liệu lớn để phát hiện những hành vi trốn thuế, đảm bảo thu ngân sách tốt hơn", ông Phớc thông tin.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng triển khai những giải pháp khuyến khích người dân lấy hóa đơn thông qua chương trình “Hoá đơn may mắn” và thực hiện nghiêm việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tránh thất thoát nguồn thu.
Liên quan đến tình hình triển khai hoá đơn điện tử trên toàn quốc, thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy lũy kế đến ngày 31/10/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,6 tỷ hóa đơn, trong đó, có hơn 1,62 tỷ hóa đơn có mã và hơn 3,98 tỷ hóa đơn không mã.
"Về việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tính đến cuối tháng 10/2023, có 35.565 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hơn 51,6 triệu hóa đơn", Tổng cục Thuế cho biết.
Bên cạnh đó, toàn ngành cũng triển khai tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn. Đến nay, có 62/63 cục thuế thực hiện lựa chọn hóa đơn may mắn quý 1/2023 và 59/63 cục thuế thực hiện lựa chọn hóa đơn may mắn quý 2/2023. Tính từ 01/01/2023 đến ngày 31/10/2023, ngành thuế đã tổ chức trao 2.888 giải thưởng với tổng số tiền là 7,7 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử thời gian tới, Tổng cục Thuế cho biết đang tiến hành đối chiếu chênh lệch giữa dữ liệu hóa đơn và tờ khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ kê khai thuế tháng, quý nhằm phát hiện người nộp thuế thuộc đối tượng rủi ro về hóa đơn.
Cùng với đó, trên cơ sở kết quả “Danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn” theo hệ số K đưa ra tại ứng dụng hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế yêu cầu triển khai rà soát người nộp thuế có rủi ro cao; đồng thời phối hợp với các cục thuế để đưa ra danh sách cảnh báo rủi ro phục vụ công tác kiểm soát hóa đơn điện tử, ngăn chặn tình trạng xuất khống hóa đơn.
Đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.