06:00 17/04/2023

Quản lý đồng bộ, ngăn chặn sử dụng hóa đơn khống

Tuyết Nhi

Dù hóa đơn điện tử được phủ sóng gần một năm qua nhưng hiện tượng xuất khống, mua bán hóa đơn điện tử vẫn diễn ra nhan nhản. Để ngăn chặn hành vi gian lận này, ngành thuế dự kiến sẽ lên danh sách người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro, ứng dụng công nghệ và rà soát toàn bộ các nền tảng tích hợp thương mại như facebook, zalo…

Sau gần 1 năm phủ sóng hoá đơn điện tử, tình trạng chào mời, mua bán hóa đơn điện tử vẫn diễn ra nhan nhản trên các trang mạng như facebook, zalo…
Sau gần 1 năm phủ sóng hoá đơn điện tử, tình trạng chào mời, mua bán hóa đơn điện tử vẫn diễn ra nhan nhản trên các trang mạng như facebook, zalo…

Lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, nhiều năm qua, không ít đối tượng thành lập doanh nghiệp để mua bán, sử dụng hóa đơn giấy bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước và liên tiếp bị cơ quan công an phanh phui.

Tuy nhiên, dù hoá đơn điện tử được phủ sóng gần 1 năm với kỳ vọng ngăn chặn hành vi gian lận, trốn thuế nhưng thực sự, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục chào mời mua bán hoá đơn điện tử công khai bất chấp pháp luật và cảnh báo từ ngành thuế.

NHAN NHẢN XUẤT KHỐNG HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ

Những năm qua, tình trạng mua bán trái phép hóa đơn để trục lợi diễn ra nhan nhản và dễ dàng, chính là do xuất phát từ nhu cầu hợp thức hóa chi phí của các cá nhân, tổ chức.

Có cung ắt có cầu, dù bị cấm nhưng nhiều đối tượng vì lòng tham đã thành lập loạt công ty làm “bình phong” nhưng không sản xuất kinh doanh, nhằm mua bán trái phép hóa đơn với quy mô lớn.

Bởi vậy, kể từ 1/7/2022, 100% tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử. Sự thay đổi này thực tế đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế; đồng thời, kỳ vọng khắc chế gian lận từ hóa đơn giấy trong thời gian trước đây.

Nhìn nhận về cách hóa đơn điện tử sẽ đẩy lùi nạn mua bán hóa đơn trái phép, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Phạm Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty MACT Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn thuế, kế toán và pháp lý, cho biết hiện tại các doanh nghiệp phần lớn sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Nghĩa là các doanh nghiệp khi xuất hóa đơn đều đã được cơ quan thuế kiểm tra bước đầu đối với hóa đơn đó trước khi cấp mã. Điều này giảm thiểu rủi ro của việc mua bán hóa đơn trái phép.

 
Ông Phạm Quốc Việt Tổng giám đốc Công ty MACT Việt Nam.
Ông Phạm Quốc Việt Tổng giám đốc Công ty MACT Việt Nam.

"Cơ quan thuế có cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, giúp cơ quan thuế giảm thiểu chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý hóa đơn điện tử của doanh nghiệp và phần nào giảm bớt rủi ro mua bán hóa đơn trái phép.

Hóa đơn điện tử không thể xuất lùi ngày cũng là một yếu tố lớn hạn chế việc xuất hóa đơn khống để tăng chi phí cho doanh nghiệp nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp”.

Tổng giám đốc Công ty MACT lấy dẫn chứng doanh nghiệp không thể xuất hóa đơn vào tháng 4/2023 với ngày hóa đơn trong quý 1/2023; qua đó, doanh nghiệp không thể điều chỉnh nghĩa vụ thuế của kỳ kê khai thuế quý 1/2023. Việc này hạn chế việc mua bán hóa đơn trái phép như từng xảy ra đối với hóa đơn giấy trước đó.

Trao đổi với VnEconomy, kế toán một công ty sản xuất giấy cũng cho biết tất cả hóa đơn có mã của cơ quan thuế, dù doanh nghiệp, đối tượng xấu có thể qua mặt được cơ quan chức năng nhưng tất cả các giao dịch đều được lưu vết ở cơ quan thuế, do đó, rất khó xuất hóa đơn chui như trước đây.

“Dù số lượng hóa đơn điện tử khổng lồ, lên tới 3,3 tỷ đơn vị, được cơ quan thuế tiếp nhận tính đến giữa tháng 3/2023, nhưng cơ quan thuế sẽ quản theo mã số thuế của công ty, cần kiểm tra công ty nào thì hóa đơn của công ty đó hiện ra hết. Thậm chí, cơ quan thuế sau khi tra được hóa đơn online, nếu nghi ngờ hoặc thắc mắc thì yêu cầu công ty giải trình”, nữ kế toán này cho biết.

Đặc biệt, cơ quan thuế kiểm tra qua phiếu xuất kho lưu trữ tại đơn vị có khớp hoá đơn không, kết hợp với kiểm tồn kho trực tiếp; còn giá cả thể hiện trên hoá đơn, hợp đồng, các quyết định. Do đó, việc doanh nghiệp gian lận xuất khống, mua bán hóa đơn để trục lợi như trước đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng chào mời, mua bán hóa đơn điện tử vẫn diễn ra sôi nổi trên các trang mạng như facebook, zalo… với lời cam kết xuất hóa đơn đủ mọi ngành nghề như: xây dựng, y tế, nông nghiệp, xăng dầu… đầy đủ hồ sơ xuất kho phiếu thu theo yêu cầu.

Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Việt cho rằng dù quản lý khắt khe và hiện đại hơn nhưng thực sự rủi ro vẫn còn và cơ quan thuế chưa thể kiểm soát được việc này.

Một vụ triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử có doanh số lớn nhất trong cả nước, lên tới 25.000 tỷ đồng vẫn bị phát giác bởi Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ cũng gây rúng động dư luận thời gian qua.

Theo đó, cơ quan công an khởi tố 5 bị can, trong đó có 2 đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Cơ quan điều tra đánh giá hóa đơn điện tử là lĩnh vực mới, do đó, công tác quản lý trên môi trường điện tử chưa theo kịp tình hình và số lượng tội phạm mua bán trái phép hóa đơn điện tử gia tăng nhức nhối.

NHIỀU "LẤN CẤN" KHI TRIỂN KHAI

Nhìn lại gần 1 năm phủ sóng hóa đơn điện tử, một chuyên gia am hiểu ngành thuế cho rằng, đánh giá các doanh nghiệp bước đầu làm quen với hóa đơn điện tử và nhận thấy nhiều điểm tích cực, tiện lợi khi sử dụng như: nâng cao hiệu quả việc sử dụng và quản lý hóa đơn điện tử, không tốn chi phí nhân sự viết hóa đơn giấy như trước kia. Việc lưu trữ hóa đơn điện tử cũng dễ dàng và thuận tiện, không phải lo mất, cháy, hỏng hóa đơn do hóa đơn điện tử được lưu trữ bằng bản mềm.

Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn và với số lượng 4 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, khi sử dụng hóa đơn điện tử, số tiền mà doanh nghiệp có thể tiết kiệm được trên 3.000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Việt, thực tế khi sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp vẫn gặp phải 4 khó khăn chính sau đây.

Một là, doanh nghiệp cần có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng hóa đơn điện tử như máy tính, phần mềm hóa đơn điện tử, chữ ký số… Nhân sự kế toán sử dụng hóa đơn điện tử cần được đào tạo về việc xuất, điều chỉnh, hủy hóa đơn điện tử theo quy định. Các thủ tục xuất, xử lý hóa đơn điện tử khi có sai sót còn mới và gây nhiều bỡ ngỡ cho nhân sự kế toán do hóa đơn điện tử mới được áp dụng.

Hai là, hướng dẫn của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 (Nghị định số 123) và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021 về hóa đơn điện tử còn nhiều nội dung chưa đầy đủ và rõ ràng như quy định của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 về hóa đơn giấy trước kia, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực tế khi xuất và điều chỉnh hóa đơn điện tử khi sai sót.

Ba là, doanh nghiệp gặp vướng mắc về nội dung phải xuất hóa đơn điện tử trong trường hợp “tiêu dùng nội bộ”, đặc biệt chưa có hướng dẫn thế nào là “tiêu dùng nội bộ” trong các văn bản hướng dẫn. Theo quy định của Thông tư 39/2014/TT-BTC trước đây về hóa đơn giấy, doanh nghiệp không phải xuất hóa đơn khi “tiêu dùng nội bộ”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Quản lý đồng bộ, ngăn chặn sử dụng hóa đơn khống - Ảnh 1