Nhận diện áp lực lên thu ngân sách năm 2024  - Ảnh 1
Nhận diện áp lực lên thu ngân sách năm 2024  - Ảnh 2

Thưa ông, năm 2023 kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhu cầu hàng hóa thế giới và một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sụt giảm khiến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta năm nay không đạt kỳ vọng. Xin ông cho biết kết quả thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu năm vừa qua và những mặt hàng nào ảnh hưởng mạnh đến thu ngân sách nhà nước do ngành hải quan quản lý?

Kinh tế thế giới năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới tăng lên mức kỷ lục, trong khi đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine, xung đột Hamas - Israel tiếp tục căng thẳng, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Đáng nói, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chỉ tiêu mua sắm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó, giá xăng dầu liên tục biến động.

Từ những yếu tố bất lợi trên dẫn đến tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước năm 2023 giảm khoảng 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng nhập khẩu là nguồn thu chính có kim ngạch giảm có thể kể đến như: nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất (than, hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô) chiếm 56% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế, giảm khoảng 15,9%, làm giảm thu ngân sách khoảng 32.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhóm xăng dầu nhập khẩu tăng khoảng 16,3% về lượng nhưng giảm khoảng 4,8% về trị giá, làm giảm thu khoảng 3.600 tỷ đồng. Nhóm dầu thô nhập khẩu tăng 9% về lượng nhưng giảm 10% về trị giá do giá dầu thô giảm, làm giảm thu 2.100 tỷ đồng. Nhóm ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm khoảng 30% về lượng và giảm 25,1% về trị giá, làm giảm thu khoảng 182 tỷ đồng.

Nhận diện áp lực lên thu ngân sách năm 2024  - Ảnh 3

Trong bối cảnh đầy khó khăn kể trên, xin ông chia sẻ những nỗ lực của ngành hải quan trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước?

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023, trước tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường, kinh tế đất nước đang gặp nhiều thách thức, bám sát nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2023, ngày 6/2/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Chỉ thị số 479/CT-TCHQ để triển khai các công tác trọng tâm và đề ra giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Trong đó, toàn ngành hải quan chú trọng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với hiệp hội, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Song song với đó, Tổng cục Hải quan tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ trong ngành nhằm nâng cao các kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện thủ tục hải quan nhanh chóng, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng đúng quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử 24/7 đảm bảo cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.

Về nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại hàng cấm, hàng giả; chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát như chống thất thu về số lượng, trọng lượng, chủng loại, chống thất thu qua giá, mã số hàng hóa, Tổng cục Hải quan ban hành các danh mục quản lý rủi ro về giá, về mã số hàng hóa giúp cán bộ hải quan thuận lợi trong việc thực hiện tác nghiệp. Từ đó, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp kê khai trị giá, mã số hàng hóa bất hợp lý để gian lận, trốn thuế.

Ngành hải quan cũng tăng cường các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế; đồng thời kiểm soát chặt chẽ công tác miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế, đảm bảo việc miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật.

Cùng với đó, tập trung rà soát, phân tích thông tin doanh nghiệp trên hệ thống thông tin của ngành phục vụ công tác đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan. Chúng tôi rà soát xây dựng hồ sơ, trong đó trọng tâm vào các đối tượng rủi ro cao, tuyến đường, hàng hóa trọng điểm; áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro để ngăn ngừa, phát hiện, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng rủi ro và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuân thủ tốt.

Ngoài ra, toàn ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống phiền hà sách nhiễu, tiêu cực và nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành thông qua việc ban hành Quyết định  số 799/QĐ-TCHQ ngày 12/4/2023 quy định về hoạt động kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức trong ngành hải quan có hành vi vi phạm các quy trình, quy chế, quy định của ngành nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực hiện nghiêm các quy định về chính sách tài khóa và các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ và tự kiểm tra nội bộ.

Nhận diện áp lực lên thu ngân sách năm 2024  - Ảnh 4

Năm 2024 dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc, nhiều thị trường chủ lực thắt chặt chi tiêu. So với ước thực hiện năm 2023, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 được giao cao hơn. Ông đánh giá thế nào về những thách thức ngành hải quan phải đối mặt để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm nay?

Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 375.000 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu nhập khẩu là 204.000 tỷ đồng. Trong năm 2024, tình hình thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố ảnh hưởng kinh tế - xã hội thế giới.

Do bất ổn về chính trị, kinh tế, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể dự kiến tăng so với các năm trước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, có 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 20,7% và số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 28,9% so với năm 2022.

Theo đánh giá, tình trạng sụt giảm đơn hàng ở nhiều ngành xuất khẩu chủ lực sẽ tiếp diễn do thu hẹp các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ và EU. Tình trạng cạn đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng phải thu hẹp quy mô sản xuất, cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên, thậm chí đóng cửa nhà máy. Thu nhập của công nhân ngành dệt may, da giày giảm 50%, nhiều doanh nghiệp chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt…

Theo ước tính mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ duy trì ở mức 3% vào năm 2023 và tiếp tục giảm xuống 2,9% vào năm 2024. Đây là một trong những mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tăng trưởng của nhiều nền kinh tế là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Canada, Anh, Đức, Hàn Quốc cũng giảm tốc.

Xung đột quân sự Nga - Ukraine, xung đột Hamas - Israel tiếp tục căng thẳng, khó dự đoán, sự leo thang chiến sự có thể dẫn đến mâu thuẫn trực tiếp giữa Nga - NATO khiến tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng khó khăn hơn, giá xăng dầu liên tục biến động. Bên cạnh đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức mới trong năm 2024 như việc đánh thuế carbon đối với hàng nhập khẩu vào EU. 

Như vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thế giới còn nhiều biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và số thu ngân sách.

Nhận diện áp lực lên thu ngân sách năm 2024  - Ảnh 5

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao, ngành hải quan sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm nào để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý hải quan chặt chẽ, thưa ông?

Năm 2024, toàn ngành hải quan sẽ tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử 24/7, thí điểm nộp thuế qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. Tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế, phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định. Quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế, không để phát sinh nợ mới, không để nợ tại thời điểm 31/12/2024 cao hơn thời điểm 31/12/2023.

Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, ngành hải quan xác định: tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro, từ đó đưa ra các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Cơ quan hải quan các địa phương sẽ tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ,... kiên quyết không để tình trạng thất thu xảy ra trên địa bàn. Cùng với đó, rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt, trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế.

Toàn ngành tăng cường kiểm ra, rà soát, xử lý đúng đối tượng miễn thuế, không chịu thuế quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đúng thủ tục miễn thuế tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 và Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan; kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa.

Cán bộ hải quan cũng sẽ thực hiện kiểm tra trị giá sau thông quan đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có rủi ro khai báo sai về trị giá, nhằm xác định đúng trị giá hải quan, trị giá tính thuế; áp dụng các biện pháp kiểm tra, xác minh về tính chính xác, trung thực của thông tin xác định trị giá hải quan do doanh nghiệp xuất trình để phòng ngừa và phát hiện các trường hợp có gian lận giá, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, công tác quản lý, thu thập thông tin, dự báo tình hình cũng được nâng cao; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực cho cán bộ hải quan.

Nhận diện áp lực lên thu ngân sách năm 2024  - Ảnh 6

VnEconomy 24/01/2024 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 04-2024 phát hành ngày 22-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nhận diện áp lực lên thu ngân sách năm 2024  - Ảnh 7