13:01 04/08/2022

Nhiều cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh từ đáy, cơ hội ngắn hạn còn không?

Thu Minh

Tính chung cho 23/27 ngân hàng đang giao dịch, lợi nhuận sau thuế Q2/2022 tăng mạnh tăng 33,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với quý 1 liền trước, lợi nhuận sau thuế giảm -10,8%, nguyên nhân chính là do tăng trưởng tín dụng chững lại và NIM giảm nhẹ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thống kê của FiinTrade cho thấy, tính đến ngày 29/7/2022, có 812/1712 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết chiếm 68,3% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn đã công bố chính thức hoặc đưa ra ước tính kết quả kinh doanh cho Q2/2022, với xu hướng tăng trưởng lợi nhuận không đổi.

LỢI NHUẬN TĂNG, CỔ PHIẾU HỒI MẠNH

Cụ thể với nhóm ngân hàng, tính chung cho 23/27 ngân hàng (đại diện 97% vốn hóa ngành), lợi nhuận sau thuế Q2/2022 tăng mạnh tăng 33,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với quý 1 liền trước, lợi nhuận sau thuế giảm -10,8% và nguyên nhân chính là do tăng trưởng tín dụng chững lại và NIM giảm nhẹ trong khi một số ngân hàng tăng ghi nhận chi phí hoạt động.

VCB và MBB là hai ngân hàng đáng chú ý trong lần cập nhật này với tăng trưởng lợi nhuận trái chiều. VCB ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm đáng kể giảm 25,4% chủ yếu do tăng trưởng thu nhập lãi thuần (+6,9%) không đủ bù đắp phần sụt giảm (-33,3%) ở thu nhập ngoài lãi (đặc biệt là thu nhập dịch vụ) trong khi chi phí hoạt động tiếp tục tăng mạnh (+29%) vì VCB đẩy mạnh ghi nhận các chi phí liên quan đến hoạt động quản lý công vụ.

Với MBB, lợi nhuận sau thuế Q2/2022 tăng nhẹ, tăng 1,44% so với quý liền kề trước đó chủ yếu nhờ giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm 35,3% so với quý trước.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh từ đáy, cơ hội ngắn hạn còn không?  - Ảnh 1

Trên thị trường chứng khoán, cùng với đà hồi phục của thị trường, cổ phiếu nhóm ngân hàng sau khi chạm đáy cũng đã bật tăng trở lại trong thời gian gần đây.

Một số cổ phiếu đã gần quay về vùng đỉnh như VCB tăng 13% trong vòng 2 tuần hiện đang giao dịch loanh quanh 80.500 đồng/cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu tăng rất tốt chỉ trong vòng một tuần vừa qua như ABB tăng 8,41%; BID 10,55%; CTG 7,78%; MBB 8%; STB 10,5%; VPB, LBB.... Mức hồi phục của nhóm ngân hàng tốt hơn so với chỉ số VN-Index hồi 6% trong vòng một tuần vừa qua.

Tuy nhiên, những rủi ro vĩ mô toàn cầu cũng như nội địa vẫn còn đó khá nhiều, sau khi hồi mạnh từ đáy, triển vọng nhóm này ra sao trong thời gian tới là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm....

CƠ HỘI NGẮN HẠN CÒN KHÔNG?

Nhận định về triển vọng nhóm ngân hàng vừa công bố, Chứng khoán BSC cho rằng định giá nhóm này vẫn rất hấp dẫn ở thời điểm hiện tại, khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc phân bổ danh mục.

Cho cả năm 2022, BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành Ngân hàng vì thế sẽ tốt hơn so với dự báo trước, cụ thể lên mức 36.4% (so với mức 22,2% trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021. "Ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng về lợi nhuận, cùng nhiều catalyst có thể diễn ra sẽ giúp các cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng vượt trội hơn so với mặt bằng chung của VN-Index", các chuyên gia phân tích của BSC nhấn mạnh.

SSI Research cũng có quan điểm tích cực trong ngắn hạn đối với ngành ngân hàng. Rủi ro từ nợ tái cấu trúc do Covid có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. Tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38-39%.

Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023.

Theo ước tính, một phần tư tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023. Chi phí huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản đang tăng lên, trong khi các khoản vay mua nhà có thời gian ân hạn 2020-2022 sẽ hết thời gian ưu đãi và có rủi ro trở thành nợ xấu vào năm 2023 khi các khoản thanh toán gốc và lãi đến hạn (trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản bị thắt chặt).

Nhiều cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh từ đáy, cơ hội ngắn hạn còn không?  - Ảnh 2

Trên cơ sở đó, SSI Research cho rằng khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh mạnh đối với cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 là không quá lớn, đặc biệt là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (khi điều kiện thị trường thuận lợi) và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2022 (đặc biệt là quý 3/2022). Đây có thể là những động lực tích cực cho ngành trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, SSI Research duy trì quan điểm thận trọng đối với lĩnh vực ngân hàng, với xếp hạng Trung lập. Giá mục tiêu được điều chỉnh do hạ mức P/B mục tiêu để phản ánh môi trường lãi suất tăng (0,2 lần) và rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản của mỗi ngân hàng (0,1 đến 0,2 lần).