Căng thẳng khí đốt bắt đầu leo thang vào ngày 22/2/2022 sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo đình chỉ dự án đường ống Nord Stream 2 nhằm đáp trả đũa việc Nga công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine.
Dự án này từ lâu là nguồn cơn căng thẳng giữa Đức và các nước đồng minh là Mỹ và châu Âu. Các nước này lo ngại Nord Stream 2 sẽ khiến Đức càng thêm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Còn Ukraine cũng lo mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt nếu đường ống chạy thẳng từ Nga đến Đức qua biển Baltic này đi vào hoạt động.
Ngày 24/2, Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Động thái này lập tức đẩy giá xăng dầu thế giới tăng vọt do lo ngại nguồn cung có thể bị cắt giảm.
Đáp trả động thái của Moscow, ngày 2/3, EU tung loạt lệnh trừng phạt chưa từng có, bao gồm loại 7 ngân hàng của Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Tuy nhiên, EU miễn trừ trừng phạt cho 2 nhà băng lớn có mối liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực năng lượng. Điều này phản ánh sự phụ thuộc của nhiều nước thành viên EU vào khí đốt Nga, điển hình là Đức, Italy, Áo và Hungary.
EU từ lâu bị chỉ trích vì sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Năm 2021, Nga cung ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của khối này. Sự phụ thuộc này từng được chiến lược gia Timothy Ash của quỹ đầu tư Bluebay Asset Management mô tả là “không thể tin được”.
“Châu Âu đã tự đưa mình trở thành ‘con tin’ của Nga trong vấn đề cung ứng năng lượng. Rõ ràng châu Âu (EU và Vương quốc Anh) đang ở thế khó về năng lượng và họ quá yếu để giải quyết vấn đề”, ông nói.
Ngày 8/3, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra một loạt đề xuất nhằm tiến tới giảm 2/3 sự phụ thuộc của EU vào khí đốt Nga vào cuối năm 2022. Việc này nằm trong kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch Nga trước năm 2030.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt Nga. Trong khi đó, Anh thông báo sẽ dần tiến tới ngừng nhập khẩu năng lượng Nga vào cuối năm nay.
Đáp trả lại những động thái trừng phạt tới tấp của phương Tây, bao gồm việc đóng băng khoảng 300 tỷ đô la dự trữ ngoại hối của Moscow ở nước ngoài, ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cấm các nước mua khí đốt của Nga thanh toán bằng đồng Đôla Mỹ và Euro.
Ông Putin tuyên bố Nga sẽ chỉ nhấp nhận cho các quốc gia “thiếu thân thiện” thanh toán bằng đồng Rúp.
“Để mua khí tự nhiên Nga, những quốc gia thiếu thân thiện phải mở tài khoản đồng Rúp tại các ngân hàng Nga. Từ các tài khoản đó, họ sẽ thanh toán cho khí đốt giao hàng từ ngày 1/4. Nếu bên mua từ các quốc gia thiếu thân thiện này từ chối trả tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp, Nga sẽ xem đó là sự vi phạm hợp đồng”, ông Putin cho biết.
Các nước thiếu thân thiện mà Tổng thống Putin đề cập thời điểm đó gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, 27 nước EU và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Không lâu sau sắc lệnh trên, ngày 27/4, Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan vì hai nước này "không đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ thanh toán" – động thái mà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen chỉ trích là "hành vi tống tiền".
Trước tình hình này, ngày 18/5, Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch có tên REPowerEU trị giá 300 tỷ đô la nhằm tiến tới ngừng nhập khẩu năng lượng Nga vào năm 2027.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi 3 ngày sau đó, Nga khóa van khí đốt sang Phần Lan – quốc gia chuẩn bị nộp đơn gia nhập NATO - từ chối thanh toán bằng đồng Rúp. Hà Lan và Đan Mạch sau đó cũng bị Nga cắt khí đốt vì lý do tương tự.
Phản ứng với các động thái của Nga, EU cho phép các nước thành viên thanh toán hợp đồng khí đốt theo điều khoản mà phía Nga đưa ra nhằm ngăn chặn việc gián đoạn nguồn cung.
Tuy nhiên, ngày 14/6, Gazprom thông báo giảm cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 về mức 40% công suất của đường ống do tuabin khí gặp vấn đề kỹ thuật. Thông báo được đưa ra giữa lúc chuẩn bị diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU ngày 23 và 24 tháng 6 mà ở đó dự kiến công nhận tư cách ứng viên gia nhập EU của Ukraine.
Việc này khiến Đức sau đó phải nâng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt khí đốt lên mức 2 trên thang cảnh báo 3 bậc, tiến gần tới quyết định phân phối khí đốt theo định mức.
Ngày 11/7, Gazprom thông báo đợt bảo trì đường ống Nord Stream 1 trong 10 ngày, sau khi hoàn thành bảo trì, lượng khí đốt cung cấp cho Đức ở mức 40% công suất đường ống. Berlin chỉ trích đây là một biện pháp Nga dùng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi ngày 25/7, tập đoàn này tiếp tục thông báo dừng hoạt động thêm một tuabin khác thuộc đường ống Nord Stream 1, theo chỉ dẫn của cơ quan giám sát ngành năng lượng Nga, sau khi đánh giá tình trạng kỹ thuật của thiết bị.
Theo đó, từ ngày 27/7, dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 giảm xuống chỉ còn 20% công suất bình thường của đường ống. Đức nói rằng nước này nhận thấy không có lý do kỹ thuật nào cho động thái giảm cung cấp khí đốt mới nhất của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng Nga đang mở một “cuộc chiến khí đốt công khai” nhằm vào châu Âu.
“Nga đang giảm cung cấp khí đốt để tạo ra một cuộc “khủng bố về giá” nhằm vào châu Âu. Sử dụng Gazprom, Nga đang làm tất cả những gì có thể để biến mùa đông này trở nên khắc nghiệt nhất có thể đối với các nước châu Âu. Nga phải bị đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt”, ông Zelenskiy nói.
Nhiều nước châu Âu hiện lo ngại Nga có thể tiếp tục siết sặt nguồn khí đốt để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Điều này làm xáo trộn kế hoạch tích trữ khí đốt cho mùa đông và đẩy cuộc khủng hoảng khí đốt trong khu vực leo thang.
Trong khi đó, Nga nói rằng nước này là một bên cung cấp đáng tin cậy, đồng thời khẳng định các lệnh trừng phạt phương Tây là yếu tố gây ra vấn đề với nguồn cung đến châu Âu và Nga không có lợi khi dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Trong bối cảnh "chiến tranh khí đốt" ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều nước EU đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để thay thế sản phẩm từ Nga. EU và Azerbaijan ngày 18/7 ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt từ quốc gia ven biển Caspi. Bên cạnh đó, EU cũng đang tìm nguồn cung bù đắp từ Qatar, Na Uy và Algeria. Mỹ cũng đã đồng ý cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong năm nay.
Ngày 26/7, EU phê chuẩn một kế hoạch khẩn cấp nhằm hạn chế tiêu thụ khí đốt trong khối để các quốc gia tiết kiệm đủ khí đốt vượt qua mùa đông. Tuy nhiên, thỏa thuận này miễn trừ cho Ireland, Malta và Cyprus cũng như một số ngành công nghiệp khỏi mức cắt giảm bắt buộc 15%. Bên cạnh đó, một số ý kiến lo ngại rằng việc tiết kiệm khí đốt vẫn sẽ không đủ để ngăn tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu trong mùa đông năm nay.
Chưa rõ “cuộc chiến khí đốt” giữa Nga và châu Âu sẽ đi về đâu nhưng một điều chắc chắn là châu Âu năm nay sẽ trải qua một mùa đông đầy khó khăn khi giá khí đốt leo thang mạnh và nguồn cung từ Nga ngày càng siết lại.
VnEconomy 02/08/2022 10:00