Một trong những bài học được nói nhiều nhất của đại dịch là thị trường lao động có thể hoạt động giống như thị trường vốn của năm 2008 thế nào khi các cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Sự kết hợp giữa Covid-19, tự cách ly và Brexit đã tác động tới vận chuyển hàng hóa, và không nhỏ chút nào.
Các trường dạy kinh doanh thường đưa ra quan điểm rằng quản lý hàng tồn kho đúng lúc và do vậy cần có nguồn cung thường xuyên các tài xế xe tải hạng nặng đủ tiêu chuẩn. Nhưng một vấn đề không chỉ xảy ra ở Vương quốc Anh là thiếu tài xế. Với khoảng 30.000 bài kiểm tra lái xe chở hàng hạng nặng (HGV) không thể thực hiện năm 2020 vì đại dịch, điều này có thể là lý do cho khoảng 30% trong số 100.000 lái xe bị thiếu.
Một ví dụ về sự cố nhỏ có thể trở thành khủng hoảng xảy ra vào cuối tháng 9 khi BP thừa nhận họ tạm thời đóng cửa một số trạm đổ xăng ở Anh sau khi khả năng vận chuyển xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu tài xế xe tải trên toàn ngành. Điều này gây ra tình trạng mua bán hoảng loạn, diễn ra trong 3 ngày và phát triển thành khủng hoảng khi 2/3 số cửa hàng xăng dầu đã hết xăng, số còn lại “một phần đã cạn và sắp hết”.
Sự thiếu hụt lái xe không chỉ giới hạn ở các xe hạng nặng HGV mà cả ở những phương tiện nhỏ hơn, bao gồm các tài xế taxi. Cuộc khủng hoảng cho thấy công việc của người lái xe tải không được trả lương đủ hấp dẫn để làm việc. Đáng lưu ý, trong khoảng hai mươi năm qua, chi phí đào tạo đã chuyển từ người sử dụng lao động sang người lao động nói chung.
Với nhóm lao động tri thức có trình độ, họ có thể đã vượt qua đại dịch rất tốt. Thu nhập của họ phần lớn không bị ảnh hưởng trong khi chi phí đi lại giảm xuống. Tuy nhiên, các nhóm khác đã bị ảnh hưởng nặng nề. Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) đưa ra số liệu về những nhóm lao động dễ bị giảm giờ làm hoặc giảm lương nhất trong thời gian dịch Covid-19. Họ phân loại theo các nhóm công việc như sau:
Thứ nhất là các công việc có tính bấp bênh: không thiết yếu và rất khó để làm việc tại nhà.
Thứ hai là các công việc có tính bấp bênh trung bình: một vài việc thiết yếu và có thể thực hiện một phần tại nhà.
Thứ ba là các công việc có tính bấp bênh thấp: việc có thể thực hiện tại nhà hoặc công việc thiết yếu.
Những nhóm có công việc bấp bênh trùng với những nhóm được hưởng trợ cấp phổ thông, một phúc lợi xã hội chung cho người nghèo dù làm việc hay không có việc. Ngân sách tháng 10 đã tìm cách bù đắp quyết định lấy đi 20 Bảng Anh trợ cấp mỗi tuần được thực hiện trong đại dịch, nhưng trong số 4,4 triệu hộ gia đình nhận trợ cấp, khoảng 3/4 (3,2 triệu hộ gia đình) thậm chí tình trạng còn xấu hơn trước.
Một khó khăn tiềm ẩn khác với người nghèo là lệnh cấm trục xuất người thuê nhà chỉ vì tiền thuê nhà chưa trả đã kết thúc vào tháng Chín. Điều này có nghĩa là 686.000 công nhân theo diện trợ cấp thu nhập đang thuê nhà tư nhân và 445.000 trong số đó đang nợ tiền nhà đối diện nguy cơ mất nhà vào Giáng sinh. Các thủ tục pháp lý thường mất hai tháng để đưa một người thuê ra khỏi nhà.
Vào tháng 7 năm 2020, trong khuôn khổ các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với đại dịch, việc giảm thuế chuyển nhượng, một dạng thuế mua nhà, đã được thực hiện. Mặc dù nhiều người cho rằng việc này chỉ có lợi cho những người giàu, nhưng chính sách đó được cho là hỗ trợ người mua nhà lần đầu. Theo đánh giá của chúng tôi, với một số phân khúc của thị trường nhà ở, điều này là không cần thiết.
Một trong những động lực chính của hoạt động trên thị trường nhà ở trong 18 tháng qua là mong muốn sở hữu một ngôi nhà có không gian để làm việc tại nhà, có thể là có sân vườn. Thông thường, điều này ngụ ý thời gian đi làm dài hơn, nhưng với việc làm từ xa, sức hút của thành thị giảm đi. Nhà ở nông thôn trở thành một lĩnh vực được quan tâm.
Ở Anh và xứ Wales, việc mua nhà thường đòi hỏi sự thương lượng trực tiếp giữa người mua và người bán. Chủ sở hữu quảng cáo tại một đại lý bất động sản với giá chào bán, đây là cơ sở thương lượng. Ở Wales, một công quốc nông thôn của Vương quốc Anh, các căn nhà đã được trả giá cao hơn từ 20.000 đến 30.000 Bảng so với giá chào bán. Điều này là bất thường. Thậm chí, người mua đã đưa ra đề nghị mua nhà trước khi họ xem bất động sản đó, cho thấy sự điên cuồng của thị trường. Điều này có thể phản ánh nhu cầu bị dồn nén, có thể là từ những người mua lần đầu.
Với việc người tiêu dùng đã tiết kiệm được ước tính khoảng 160 tỷ Bảng trong năm ngoái, họ hiện đang tìm cách chi tiêu. Điều này được thể hiện rõ qua những con số mà trang web bất động sản Rightmove đã báo cáo vào tháng 9 rằng số lượng người mua tiềm năng trên mỗi bất động sản đã tăng hơn gấp đôi so với mức trước đại dịch.
Sự thay đổi về địa điểm làm việc và nhà riêng có thể là vĩnh viễn. Tại thời điểm viết bài này, mức bình thường mới trong lạm phát giá rất khó xác định. Vào tháng 11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey, đã xin lỗi vì lạm phát ở Anh tăng tới 5%. Sau đó là việc Ủy ban Chính sách tiền tệ bỏ phiếu để giữ nguyên lãi suất (khi bài này lên khuôn, lãi suất đã tăng từ 0,1% lên 0,25%).
Vượt qua mục tiêu 2% của Ngân hàng Anh, lạm phát giá tiêu dùng đạt mức cao nhất trong hai năm là 2,1% trong 12 tháng đến tháng Năm. Khi đó, lạm phát trên 3% được hy vọng diễn ra “tạm thời”. Nhưng sau 6 tháng, con số đó dường như đã quá lỗi thời.
Cả Ngân hàng Anh và Fed của Hoa Kỳ đều đang trong thế yếu, vì vậy họ buộc phải quay lại với các tín hiệu chính sách. Trong giai đoạn chưa từng có này, các nhà hoạch định chính sách đang phải vừa phải thích ứng vừa phải đồng thời tạo ấn tượng về tính liên tục. Họ đang tìm kiếm một bình thường mới cho chính sách tiền tệ. Có lẽ sẽ hợp lý nếu họ phải đợi xem bình thường mới trong phát triển kinh tế là gì trước khi đưa ra chính sách tiền tệ bình thường mới.
Có thể giải thích rằng lạm phát tăng tạm thời là do các vấn đề của chuỗi cung ứng xuất hiện ngay lập tức khi việc phòng tỏa được dỡ bỏ. Với các container không ở nơi thích hợp, giá vận chuyển tăng lên đáng kể. Hơn nữa, cảng của Anh như Felixstowe đang bị ảnh hưởng bởi tắc nghẽn một phần là do thiếu tài xế HGV để chuyển chúng.
Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR) nhấn mạnh dự báo về sự phục hồi là đáng ngại. Văn phòng Thống kê Quốc gia báo cáo rằng GDP giảm 9,9% vào năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1709. OBR tại thời điểm ngân sách mùa thu vào ngày 27 tháng 10 đã nâng ước tính tăng trưởng cho năm 2021 từ 4% lên 6,5%. Dự báo tổn thất vĩnh viễn về sản lượng kinh tế đã giảm từ 3% xuống 2% và tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt đỉnh ở mức 5,2%, thấp hơn mức dự báo tệ hơn là 12%.
Chúng tôi cho rằng số liệu cần phải dựa trên bình thường và có thể các ước tính quá bi quan. Dữ liệu ngân sách cho thấy tổng nợ ròng của khu vực công là 2.219 nghìn tỷ Bảng Anh, tương đương tỷ lệ nợ là 95,5%. Điều này là rất cao theo tiêu chuẩn lịch sử nhưng điều đó có quan trọng không?
Cái giá phải trả cho các chính sách hỗ trợ đại dịch đang rơi vào nhóm những người có thu nhập trung bình khi chi phí về nhà ở có thể đã tăng lên đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Theo ước tính của Resolution Foundation, sau khi kế hoạch ngân sách tháng 10 được công bố, các hộ gia đình có thu nhập trung bình sẽ thấy thu nhập sau thuế giảm 2%. Những người hưởng lương hưu không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế.
Đối với khu vực doanh nghiệp, tình trạng thiếu hụt nguồn cung, lạm phát gia tăng, thiếu hụt lao động, và giá năng lượng là những yếu tố rủi ro phá sản và số liệu tòa án đang cho thấy rằng các chủ nợ đang trở nên quyết liệt hơn trong việc đòi nợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà đất và bất động sản, khách sạn và nhà trọ, quán bar và nhà hàng, tại thời điểm viết bài, bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đồng thời, sự yếu kém về tài chính của các công ty có thể có mối liên hệ với nhau.
Nợ doanh nghiệp của Vương quốc Anh tăng 1,9 nghìn tỷ Bảng vào năm 2020 lên 6,6 nghìn tỷ Bảng. Begbies Traynor ước tính rằng 52% doanh nghiệp ở Vương quốc Anh đang gánh những khoản nợ có thể không bao giờ trả được.
Một điểm nữa cần lưu ý là tác động đối với hệ thống ngân hàng. Các công ty “xác sống” với nguồn tài chính kém sẽ trở thành một vấn đề đáng kể đối với các ngân hàng nếu họ không thể trang trải các khoản thanh toán lãi suất. Sự đổ vỡ của các doanh nghiệp có thể dẫn tới căng thẳng trong hệ thống ngân hàng.
Một là, người Anh đã tuân theo chính phủ trong việc cư xử tốt, nhưng không rõ ai sẽ là người duy trì được sự cảnh giác lâu dài đối với Covid-19. Mặc dù chương trình tiêm chủng thành công trong việc nâng cao tinh thần, nhưng Covid-19 vẫn chưa bị đánh bại và nó có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.
Hai là, các dự báo về tăng trưởng, thất nghiệp và lạm phát thường sai. Các nhà hoạch định chính sách có thể buộc phải đưa ra quyết định về dữ liệu không đáng tin cậy. Điều này ngụ ý rằng các phản ứng chính sách nên dựa trên thực tế hơn là các lý thuyết sách giáo khoa truyền thống.
Ba là, thay vì đáng ra phải được hỗ trợ, đại dịch đã cho thấy những người nghèo, những người thường ít có khả năng làm việc tại nhà và do đó dễ bị giảm thu nhập và phụ thuộc vào các chương trình hỗ trợ của chính phủ, trở nên khó khăn hơn.
Bốn là, khả năng phục hồi của ngành công nghiệp Anh có thể bị lu mờ bởi các chương trình của chính phủ và sự thiếu kiên nhẫn của giới ngân hàng. Các công ty có thể bắt đầu thất bại với số lượng lớn khi các khoản vay khẩn cấp đến hạn hoàn trả và khi đó không biết liệu các ngân hàng có thể đương đầu với tác động ngược nếu làn sóng phá sản kéo tới.
VnEconomy 05/02/2022 08:00