Bốn bài học kinh nghiệm từ gói kích thích kinh tế 2008-2009 "hơn 10 năm chưa quyết toán xong"
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới những giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển nền kinh tế thời gian tới, đặc biệt là các gói kích thích, phục hồi tăng trưởng...
Tham gia chất vấn, đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ những bài học kinh nghiệm từ các gói kích thích kinh tế trước đây khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển thời gian tới.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết gói kích thích trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 mà theo ông còn nhiều tồn tại và bất cập.
4 BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Theo Bộ trưởng, gói kích thích 2008-2009 chủ yếu tập trung vào phát triển kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội với quy mô 122.000 tỷ đồng (6,9 tỷ USD). Trong đó, riêng năm 2009, dành 106.600 tỷ đồng (5,7 tỷ USD), tương đương 5,6% GDP lúc đó để kích cầu kinh tế.
Gói kích thích này giúp đất nước vượt qua khủng hoảng và trở thành một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương (lần lượt là 5,7% và 5,4% trong năm 2008 và 2009). Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ ra hàng loạt bất cập cần phải rút kinh nghiệm.
“Gói kích thích này khi đó chủ yếu tập trung vào nguồn cung mà không hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ lãi suất lớn nhưng thiếu đồng bộ với các chính sách về tiền tệ và tài khóa khác, làm giảm hiệu quả dẫn tới trục lợi chính sách”, Bộ trưởng chỉ ra.
Ông cũng dẫn chứng về tình trạng vay vốn rẻ để gửi ngân hàng và hưởng chênh lệch lãi suất, hoặc chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản chứ không chảy vào sản xuất.
Về ảnh hưởng vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết gói kích thích này khiến lạm phát tăng cao, năm 2010 và 2011 lần lượt là 9,2% và 18,6%. Đầu tư dàn trải gây nợ đọng lãng phí, đình hoãn, nhiều dự án dừng vào năm 2011 đến nay chưa giải quyết được hậu quả. Ông cũng cho biết một số chương trình hỗ trợ lãi suất đến nay chưa quyết toán được, gây hệ lụy lớn.
Bộ trưởng đánh giá gói kích thích này khi đó được triển khai thiếu đồng bộ với các chính sách tài khóa và tiền tệ, công tác quản lý giám sát thiếu chặt chẽ, thực hiện trên nền vĩ mô thiếu ổn định, chính sách hỗ trợ chưa sát thực tiễn, điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch.
Do đó, Bộ trưởng rút ra 4 bài học kinh nghiệm từ gói kích thích này.
Thứ nhất là cần có một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn và đủ khả năng vay trả và phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
“Hiện tại giải ngân còn chưa hết, sắp tới có một gói cầu đầu tư nào đó thì làm sao giải ngân kịp trong 2022 và 2023. Đây là thách thức đang đặt ra với chúng ta. Nếu chúng ta xây dựng chương trình kích cầu đầu tư nhưng không chuẩn bị kịp, giải phóng mặt bằng chưa xong thì nền kinh tế không hấp thụ được. Không thể kéo dài gói hỗ trợ tới 5-10 năm sau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.
Kinh nghiệm thứ hai được Bộ trưởng rút ra là phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả và kịp thời, đồng thời đảm bảo tính ổn định.
Thứ ba là hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số ngành và lĩnh vực có khả năng phục hồi. Trong đó, hỗ trợ về dòng tiền và ổn định tài chính cho doanh nghiệp, đồng thời huy động các nguồn lực quốc tế khác.
Bộ trưởng nhấn mạnh kinh nghiệm thứ tư là phải kiểm soát rủi ro và có giám sát chặt chẽ trong khâu thực hiện.
PHẢI NỚI NỢ CÔNG VÀ BỘI CHI NGÂN SÁCH
Cũng quan tâm tới nội dung này, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) dẫn ý kiến của các chuyên gia quan ngại cho rằng để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, cần gói hỗ trợ đủ lớn, đặc biệt là gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP. Tuy nhiên, nếu làm vậy thì nợ công sẽ tăng cao và tăng bội chi ngân sách. Còn nếu không có giải pháp đủ lớn thì kinh tế chậm phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước, kèm theo nhiều hệ lụy tiêu cực.
Trả lời băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết ông ủng hộ quan điểm nới bội chi ngân sách và nợ công. Ông cho rằng nếu không nới bội chi và nới nợ công thì khó có điều kiện tăng trưởng và khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm cũng như khát vọng là nước phát triển vào năm 2045. Bên cạnh đó, đất nước cũng mất cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dân số vàng, các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới.
“Khi làm vậy, sẽ vừa phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, làm cho quy mô nền kinh tế lớn hơn, khi đó tự khắc nợ công sẽ giảm xuống dù không thể xuống như cũ. Còn nếu không nới, không có đầu tư, không có phát triển, sẽ là vòng luẩn quẩn là bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao, trong khi chúng ta bỏ hết cơ hội phát triển", Bộ trưởng Dũng nêu quan điểm.