16:07 05/09/2022

Những quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất

Đức Anh

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), các quốc gia nợ Trung Quốc nhiều nhất chủ yếu nằm ở châu Phi. Ngoài ra, còn có một số quốc nước nằm ở Trung Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương...

Là một chủ nợ mới hàng đầu của các nước thu nhập thấp, Trung Quốc hiện nắm giữ khoảng 37% nợ của các quốc gia này năm 2022. Chỉ khoảng 24% nợ song phương của các nước này đế từ phần còn lại của thế giới.

Theo các chuyên gia, Sáng kiến Vành đai và con đường - dự án được mệnh danh là “con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc - đã khiến các nước tham gia ngập trong nợ. Sáng kiến này đầu tư cho việc xây dựng các dự án hạ tầng trên khắp các quốc gia mà nó đi qua. Tính tới cuối năm 2020, trong số 97 quốc gia mà WB có dữ liệu, Pakistan (nợ Trung Quốc 77,3 tỷ USD), Angola (36,3 tỷ USD), Ethiopia (7,9 tỷ USD) và Kenya (7,4 tỷ USD) là các nước nợ Trung Quốc nhiều nhất.

Các quốc gia có gánh nặng nợ với Trung Quốc lớn nhất tính theo tỷ lệ trên tổng thu nhập quốc gia (GNI) là Djibouti và Angola, theo sau là Maldives và Lào – nước vừa mở một tuyến đường sắt tới Trung Quốc.

Ông David Malpass, Chủ tịch WB, hồi đầu năm nay đã một lần nữa mô tả mức nợ của nhiều quốc gia trong số này là “thiếu bền vững”.

Trước đây, Câu lạc bộ Paris (Paris Club) - nhóm không chính thức của 22 quốc gia chủ nợ là những nước có nền kinh tế lớn và uy tín bậc nhất trên thế giới – nắm giữ phần lớn nợ của các quốc gia thu nhập thấp. Bước sang thế kỷ 21, điều này đã thay đổi. Tính tới cuối năm 2020, Trung Quốc đã chính thức cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình vay 170 tỷ USD, tăng từ chỉ khoảng 40 tỷ USD vào năm 2010.

Các khoản vay của Trung Quốc thường có lãi suất cao hơn và thời hạn trả nợ ngắn hơn so với khoản vay từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay WB hoặc khoản nợ song phương từ các nước thuộc Câu lạc bộ Paris.

Trung Quốc thiết lập các khoản vay này giống với vay thương mại với các điều khoản quan tâm tới điều kiện trả nợ, tính bảo mật cũng như mục tiêu của Bắc Kinh khi cấp vốn cho những dự án hạ tầng cụ thể, thay vì theo đuổi các mục tiêu phát triển chung.

Đại dịch Covid-19 khiến cho việc trả nợ các khoản vay Trung Quốc vốn đã khó khăn nay càng thêm ơhức tạp hơn. Theo tờ Financial Times, trong 2 năm 2020 và 2021, Trung Quốc đã phải tái đám phán lại các khoản vay trị giá 52 tỷ USD – gấp ba lần so với hai năm trước đó.

Một trường hợp điển hình là Sri Lanka, một trong những nước mắc nợ Trung Quốc lớn nhất. Hồi tháng 5, Sri Lanka đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên vỡ nợ trong hai thập kỷ qua.

Những quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất - Ảnh 1