Những quốc gia nào có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất?
Năm 2022, trên thế giới có tổng cộng 411 lò phản ứng đang hoạt động, giảm 18 lò so với năm 2012...
Theo Báo cáo tình trạng ngành công nghiệp hạt nhân năm 2022, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu đã tăng 3,9% trong năm 2021, sau khi giảm với mức tương tự một năm trước đó.
Năm 2022, trên thế giới có tổng cộng 411 lò phản ứng đang hoạt động, giảm hơn 18 lò so với năm 2012. Hiện tại có 29 lò đang trong tình trạng lưu trữ dài hạn và 53 lò đang được xây dựng, trong đó hơn một nửa ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo và tâm lý tiêu cực của công chúng đối với năng lượng hạt nhân sau các thảm họa trước đây như ở Chernobyl hay Fukushima đã và đang khiến điện hạt nhân không còn được đầu tư phát triển nhiều. Tỷ trọng điện hạt nhân trong sản lượng điện toàn cầu đã giảm từ mức 17,5% vào năm 1996 xuống chỉ còn 9,8% năm 2021, khi nhiều quốc gia đã hoãn hoặc từ bỏ chiến lược hạt nhân của mình.
Theo báo cáo trên, thế giới hiện có 33 quốc gia đang vận hành các lò phản ứng điện hạt nhân, trong đó chỉ còn 15 nước vẫn đang chủ động theo đuổi công nghệ hạt nhân (bao gồm 2 nước mới bắt đầu sản xuất điện hạt nhân vào năm 2020 là Belarus và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE).
Trung Quốc là nơi phát triển năng lượng hạt nhân nhanh nhất thế giới. Quốc gia này bắt đầu sử dụng năng lượng hạt nhân từ đầu những năm 1990 và hiện có 55 lò phản ứng hạt nhân mà đa số được hòa lưới điện chỉ trong vòng 10 năm qua.
Trong khi đó, Mỹ hiện vẫn là cường quốc lớn nhất thế giới về năng lượng hạt nhân với 92 lò phản ứng đang hoạt động tính tới tháng 7/2022. Tuy nhiên, số lượng lò phản ứng đã giảm 12 so với 10 năm trước.
Quốc gia có số lượng lò phản ứng hạt nhân giảm nhiều nhất trong thập kỷ qua là Nhật Bản với 34 lò ngừng hoạt động. Với chỉ 10 lò phản ứng đang hoạt động ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản dự kiến sẽ sớm chính thức từ bỏ việc xây dựng các cơ sở mới.
Trong số các quốc gia có chương trình năng lượng hạt nhân, đến nay chỉ có 3 nước đã đóng cửa tất cả các lò phản ứng. Đó là Italy vào năm 1987, Kazakhstan năm 1998 và Lithuania năm 2009. Đức gần đây đã kéo dài hoạt động của một số lò phản ứng nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng nhưng dự kiến sẽ ngừng sản xuất điện hạt nhân vào năm 2023.