09:58 29/11/2024

Những thủ đoạn hợp pháp hóa tinh vi nhằm che giấu tội “rửa tiền”

Đỗ Mến

Để hợp pháp hóa và nhằm che giấu nguồn gốc số tiền bất hợp pháp, các đối tượng thường mượn tài khoản của người khác rồi góp vốn đầu tư, mua bất động sản, ký hợp đồng khống… để nhận lại “tiền sạch”…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Vũ Thị Thanh (SN 1988, ở Nam Định) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Liên quan đến vụ án, bị can Ngô Văn Quyền (SN 1974) về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

MƯỢN TÀI KHOẢN, GÓP VỐN, KÝ HỢP ĐỒNG KHỐNG ĐỂ RỬA TIỀN

Theo cáo buộc, Thanh là đối tượng không nghề nghiệp và từng giúp việc cho gia đình chị M. (ở quận Long Biên, Hà Nội) một thời gian ngắn.

Biết gia đình chị M. có điều kiện kinh tế nên Thanh dùng nick Facebook “Thanh Vũ”, tạo dựng các thông tin gian dối mình là con của chủ tịch HĐQT doannh nghiệp, có chồng là phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines, quen biết nhiều chủ đầu tư dự án nên mua được các căn hộ giá rẻ.

Thời gian đó, Thanh lên mạng tìm các dự án bán căn hộ rồi gửi toàn bộ thông tin cho chị M. rồi đặt vấn đề hỏi chị M. nếu muốn mua các căn hộ trong dự án, Thanh sẽ mua giúp với giá ưu đãi, rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Do tin tưởng thông tin Thanh đưa ra là thật, chị M. đã đồng ý mua nhà với mục đích bán kiếm lời. Để tránh bị phát hiện, Thanh bảo chị M. chuyển tiền mua nhà qua tài khoản của một người tên là Thắm.

Cáo trạng xác định, từ ngày 1/4/2022- 26/10/2022, Vũ Thị Thanh đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tổng số hơn 35 tỷ đồng của chị M. dưới hình thức mua các căn hộ.

Sau khi tài khoản của chị Thắm nhận được tiền, Thanh bảo chị này chuyển các khoản tiền vào tài khoản ngân hàng của Thanh. Toàn bộ số tiền lừa đảo, chiếm đoạt được của chị M., Thanh dùng vào các mục đích khác nhau.

Trong đó, Thanh gửi tiền cho một giám đốc công ty vận tải để mua xe ben; chuyển 3,6 tỷ đồng cho một người đàn ông nhờ mua đất.

Để hợp pháp hóa và nhằm che giấu nguồn gốc số tiền bất hợp pháp, Nguyễn Thị Thanh còn chuyển 21 tỷ đồng cho bị can Ngô Văn Quyền, là giám đốc một công ty xây dựng để góp vốn đầu tư kinh doanh mua máy xay nghiền đá… Sau đó, ông Quyền đã dùng 14 tỷ đồng để mở 6 hợp đồng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Tháng 7/2022, ông Quyền dùng 6 hợp đồng trên để thế chấp tại ngân hàng vay 14 tỷ đồng và chuyển số tiền trên cho một công ty để mua máy xay nghiền đá.

Cơ quan điều tra đã liên hệ với ông Quyền để thông báo rằng, số tiền 21 tỷ đồng mà Thanh chuyển là tiền do Thanh phạm tội mà có, yêu cầu không được tất toán đối với các hợp tiền gửi tại ngân hàng. Tuy nhiên sau đó ông Quyền đã tất toán toàn bộ số tiền trên. Ngày 6/3/2023, bà Thanh đến Cơ quan công an đầu thú. Đến ngày 30/8/2024, ông Quyền bị bắt tạm giam.

Tương tự, trong vụ án khai thác quặng trái phép tại Lào Cai, cơ quan tố tụng làm rõ thủ đoạn rửa tiền tinh vi của các đối tượng. Theo đó, bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa – giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama thu được hơn 451 tỷ đồng từ việc khai thác, bán hơn 1,3 triệu tấn quặng apatit từ năm 2013- 2015. Trừ đi các chi phí, số tiền bị cáo thu lời bất chính là hơn 177 tỷ đồng.

Để hợp thức nguồn tiền trên, bị cáo đã thỏa thuận với 12 cá nhân mà Công ty Lilama thuê vận chuyển quặng và đất đá để mượn tài khoản ngân hàng của họ.

Theo chỉ đạo của bị can Thừa, kế toán Công ty Lilama đã lập khống các hợp đồng, biên bản nghiệm thu để nâng khống giá cước vận chuyển và khối lượng đất đá. Sau đó, kế toán chuyển tiền thu được từ việc bán quặng apatit vào các tài khoản của 12 cá nhân này với số tiền hơn 182 tỷ đồng. Thực tế, họ chỉ được nhận hơn 5,6 tỷ đồng. Còn lại hơn 177 tỷ đồng là tiền các bị cáo đã nâng khống giá cước và khối lượng vận chuyển đất đá.

Quá trình thanh toán, các cá nhân này đã rút tiền mặt và trả lại cho nhân viên Lilama để chuyển cho ông Thừa. Cơ quan tố tụng xác định số tiền này là thu lời bất chính nên tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước.

Còn trong vụ án Vạn Thịnh Phát, các bị cáo che giấu nguồn tiền chiếm đoạt bằng cách chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng hoặc cho các cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm “cắt đứt” dòng tiền. Tùy vào từng mục đích sử dụng, các bị cáo lập khống các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần/vốn góp; vay tiền, tư vấn… để rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng.

XỬ LÝ ĐỒNG THỜI TỘI "RỬA TIỀN" VÀ TỘI PHẠM NGUỒN

Quá trình tố tụng, một số luật sư có ý kiến cho rằng cần đánh giá lại cách xác định “tội phạm nguồn” để xử lý tội “Rửa tiền”.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 3 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xác định, hành vi phạm tội được căn cứ vào một trong các tài liệu sau đây: bản án, quyết định của tòa án; tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (như kết luận điều tra, cáo trạng, tài liệu, chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol, Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế - FATF, tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự…

Theo Nghị quyết 03 thì hành vi sử dụng tiền từ nguồn tiền phạm tội hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có vào việc tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác là hành vi khách quan của tội Rửa tiền.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.