Nỗ lực chống lạm phát của Fed có như ý? - Ảnh 1
Nỗ lực chống lạm phát của Fed có như ý? - Ảnh 2

Việc Fed và ngân hàng trung ương nhiều nền kinh tế phát triển khác như Anh, Canada và châu Âu đồng loạt tăng lãi suất với mục đích khống chế lạm phát, nhiều nước đang phát triển cũng bắt buộc phải tăng lãi suất theo. “Cuộc đua” lãi suất này đặt ra bất lợi kép đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Thứ nhất, lãi suất cao lên làm gia tăng gánh nặng nợ nần, nhất là đối với những nước đã vay nợ thêm nhiều để vượt qua đại dịch Covid-19. Lãi suất ở Mỹ tăng khiến tỷ giá đồng USD tăng, làm phình to giá trị của những khoản vay bằng USD. Ngoài ra, khi lãi suất tăng, các nước sẽ mất nhiều chi phí hơn khi vay những khoản nợ mới để trang trải nợ cũ. Hàng chục nước đang đối mặt với tình thế bấp bênh của nền tài chính quốc gia, như Ghana, Kenya, Pakistan và El Salvador. Vấn đề nợ nần cũng căng thẳng ở một số nền kinh tế mới nổi lớn đang đối mặt nhiều vấn đề nội tại như Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khoảng 60% số quốc gia thu nhập thấp trên thế giới hiện đang ở trong tình trạng căng thẳng nợ (debt distress) hoặc gần rơi vào trạng thái này. Tổng số nợ mà các nước này đang có khả năng vỡ nợ là 455,6 tỷ USD.

Thứ hai, việc Fed nâng lãi suất cũng có thể dẫn tới sự thoái vốn khỏi các nền kinh tế khác, trong đó có các nước đang phát triển, vì nhà đầu tư muốn chuyển vốn tới Mỹ để tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Cuộc rút lui của dòng vốn có thể gây ra hậu quả tồi tệ đối với các nước bị thoái vốn. Số liệu do Viện Tài chính quốc tế (IIF) công bố mới đây cho thấy các thị trường mới nổi đang bị nhà đầu tư rút vốn 5 tháng liên tiếp - một chuỗi thời gian thoái vốn dài chưa từng thấy đối với nhóm nước này. Tổng cộng, 39,3 tỷ USD đã bị rút ròng khỏi các thị trường mới nổi trên toàn cầu kể từ tháng 3 - thời điểm Fed bắt đầu tăng lãi suất, gần bằng với lượng thoái vốn ghi nhận trong “cơn hoảng loạn” tại các thị trường mới nổi vào năm 2013 - khi Fed kết thúc chương trình mua trái phiếu đã triển khai để đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế 2007-2009.

Nỗ lực chống lạm phát của Fed có như ý? - Ảnh 3

Thứ ba, việc tăng lãi suất đặt sự phục hồi còn chưa vững của các nền kinh tế mới nổi từ đại dịch Covid-19 vào thế mong manh hơn. Lạm phát tăng cao và tăng trưởng sụt giảm đang là mối lo kép không chỉ của các nền kinh tế phát triển mà cả các nước mới nổi và đang phát triển.

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” cập nhật hồi cuối tháng 7 vừa rồi, IMF nâng dự báo tốc độ lạm phát năm 2022 lên mức 6,6% tại các nền kinh tế phát triển và 9,5% tại các nền kinh tế mới nổi, tăng gần tròn 1 điểm phần trăm so với con số đưa ra trong lần dự báo trước. Cùng với đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo 3,6% mà định chế này đưa ra hồi tháng 4.

Việc Fed tăng lãi suất đã kéo đồng USD tăng khoảng 10% từ đầu năm đến nay so với một số đồng tiền chủ chốt khác, nhờ đó giúp kiềm chế bớt áp lực lạm phát ở Mỹ. Nhưng các nền kinh tế đang phát triển không có được may mắn đó. USD tăng giá đồng nghĩa với sự mất giá đồng nội tệ của các nước này, khiến sức ép lạm phát càng thêm lớn, nhất là từ các hàng hóa thiết yếu phải nhập khẩu như xăng dầu và lương thực.

Hungary là một ví dụ điển hình cho thấy thách thức mà các nước mới nổi và đang phát triển phải đương đầu khi Fed nâng lãi suất. Hồi cuối tháng 6, Ngân hàng Trung ương Hungary gây sửng sốt khi có đợt nâng lãi suất 1,85 điểm phần trăm, mạnh nhất kể từ năm 2008, lên mức 7,75%. Nỗ lực bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ và chống lạm phát này của Hungary không mang lại nhiều tác dụng, khi đồng Forint chỉ tăng giá một chút so với đồng USD và Euro rồi lại quay đầu giảm giá. Năm nay, Forint Hungary đã giảm giá khoảng 20% so với USD, cho dù lãi suất cơ bản của nước này đã tăng 5,35 điểm phần trăm. Tất nhiên, khi lãi suất tăng mạnh như vậy, tăng trưởng kinh tế sẽ trở thành “nạn nhân”.

Nỗ lực chống lạm phát của Fed có như ý? - Ảnh 4

Liệu kinh tế Mỹ có suy thoái hay không đang là một chủ đề gây tranh cãi. Số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 công bố mới đây cho thấy nền kinh tế Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 1,9% trong quý 1. Hai quý suy giảm liên tiếp đáp ứng định nghĩa kỹ thuật về suy thoái kinh tế, nhưng Mỹ chưa bị “tuyên” chính thức suy thoái vì “trọng tài” quyết định việc này là Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBRE), mà tổ chức nghiên cứu này còn dựa vào nhiều yếu tố khác để xác định thay vì chỉ căn cứ vào biến động GDP.

Giới chức Fed cũng tỏ ra lạc quan khi đánh giá về nền kinh tế. “Tôi không nghĩ là kinh tế Mỹ hiện nay đang suy thoái, lý do ở đây là có quá nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế đang hoạt động quá tốt. Thị trường lao động đang rất mạnh nên không thể cho là nền kinh tế đang suy thoái”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc hôm 27/7 với quyết định nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.

Thị trường việc làm tiếp tục thắt chặt là một lý do quan trọng để Fed và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ không có suy thoái, hoặc chí ít là suy thoái chưa xảy ra. Tuy nhiên, nền kinh tế đã phát đi những tín hiệu đáng ngại. Chẳng hạn, trong một cuộc khảo sát của hãng tin CNBC, niềm tin của các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, với 57% số chủ doanh nghiệp nhỏ được hỏi cho rằng suy thoái đã bắt đầu rồi.

Nỗ lực chống lạm phát của Fed có như ý? - Ảnh 5

Dù có suy thoái hay không, sự giảm tốc kinh tế Mỹ là điều không thể phủ nhận. Kể từ tháng 4 đến nay, IMF đã hai lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ. Theo dự báo mới nhất của định chế này, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm 2022 và 1% năm 2023, so với mức tăng 5,7% đạt được trong năm 2021.

Một bài bình luận trên tờ The Washington Post cho rằng “bài thuốc” chống lạm phát bằng cách nâng lãi suất của Fed sẽ không mang lại tác dụng tức thì, bởi lạm phát hiện nay bắt nguồn từ một số nguyên nhân mà công cụ lãi suất không thể kiểm soát.

Thứ nhất, đại dịch Covid-19 gây đảo lộn hoạt động sản xuất trên toàn cầu và sự đảo lộn này sẽ phải mất hàng năm trời để sắp xếp lại. Thứ hai, cuộc chiến tranh Nga-Ukraina đẩy giá nhiều hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá năng lượng và lương thực-thực phẩm tăng cao. Thứ ba, ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế hậu khủng hoảng tài chính 2008 vẫn còn dai dẳng cho tới ngày nay. Sau khủng hoảng, lĩnh vực phát triển nhà ở tại Mỹ đã không được đầu tư đúng mức. Khi nền kinh tế phục hồi mạnh trong năm 2021 nhờ kích cầu trong đại dịch Covid-19, nước Mỹ rơi vào tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng. Cùng với đó, doanh nghiệp Mỹ đã thu hẹp hoạt động trong đại dịch, dẫn tới tình trạng các công ty không thể mở rộng kịp để đáp ứng nhu cầu tăng vọt.

Nỗ lực chống lạm phát của Fed có như ý? - Ảnh 6

Theo tác giả Ryan Cooper, về lý thuyết, có hai chiến lược cơ bản để chống lạm phát: hoặc tạo ra đủ hàng hoá và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu; hoặc khiến cho nhu cầu phải giảm xuống cho cân bằng với nguồn cung. Cách Fed đang làm là cách thứ hai. Lãi suất tăng khiến cho mọi thứ trở nên đắt đỏ, người vay tiền mua nhà hoặc doanh nghiệp vay tiền để sản xuất-kinh doanh đều phải trả lãi cao hơn, dẫn tới nhu cầu chi tiêu và đầu tư ít đi. Cách này sẽ đến lúc phát huy tác dụng kiềm chế giá cả, nhưng có thể phải mất vài năm.

Còn trước mắt, việc Fed nâng lãi suất để chống lạm phát về cơ bản sẽ khiến người Mỹ nghèo đi. Một mối lo lớn là lãi suất tăng sẽ gây thiệt hại cho thị trường lao động của Mỹ, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng lên.

Nỗ lực chống lạm phát của Fed có như ý? - Ảnh 7

Có một tin vui là giới chuyên gia cho rằng khả năng chiến dịch tăng lãi suất này của Fed ít có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu tương tự như hồi thập niên 1980 - thời kỳ khi lãi suất tăng cao khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới suy sụp.

“Thị trường tài chính toàn cầu và các dòng chảy vốn đã phát triển nhiều so với trước đây và vai trò của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu đã giảm bớt phần nào, trong khi vai trò của Trung Quốc và một số thị trường mới nổi khác gia tăng”, ông Maro Sobel - một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ hiện đang giữ vai trò Chủ tịch tại Mỹ của tổ chức nghiên cứu mang tên Diễn đàn Các định chế tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) - nhận định.

Giới chuyên gia cho rằng ảnh hưởng từ sự thắt chặt chính sách của Fed có thể được cảm nhận rõ rệt nhất ở những nước đang phải ứng phó với lạm phát cao và các điều kiện tài chính thắt chặt do sức ép trong và ngoài nước. Nhóm này bao gồm những nước ở khu vực Trung-Đông Âu và tiểu sa mạc Sahara ở châu Phi. Đây đều là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cú sốc giá xăng dầu và lương thực do chiến tranh Nga-Ukraine. Những nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng ít hơn bởi các động thái nâng lãi suất của Fed.

Hiện nay, ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế mới nổi lớn đã có được mức độ đáng tin cậy cao hơn so với ở thời điểm vài thập kỷ trước, bởi chính sách của họ đã dựa nhiều hơn vào các dữ liệu kinh tế và không bị chi phối bởi quyền lực chính trị. Nhiều nước cũng có dự trữ ngoại hối lớn hơn nhiều so với trước và tỷ lệ vay nợ ngoại tệ ít hơn.

Nỗ lực chống lạm phát của Fed có như ý? - Ảnh 8

Dù vậy, tỷ lệ nợ so với GDP vẫn tiếp tục tăng lên ngay cả ở những nước có nền kinh tế ổn định. Và đây là một xu hướng đáng lo ngại đối với ổn định tài chính toàn cầu. Và không ai cho rằng Fed sẽ lùi bước trong chiến dịch chống lạm phát vì nghĩ đến lợi ích của nền kinh tế toàn cầu, trừ phi việc đó phục vụ cho lợi ích của Mỹ.

“Sứ mệnh của Fed là mang lại ổn định giá cả và thị trường việc làm toàn dụng ở Mỹ. Chấm hết. Đó là góc độ mà Fed quan sát nền kinh tế trong nước và cả nền kinh tế toàn cầu”, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Nathan Sheets của Citi phát biểu. Ông nhấn mạnh rằng nếu Fed không mang lại được sự ổn định kinh tế và tài chính ở Mỹ, thì Mỹ có nguy cơ trở thành một nguồn bất ổn cho phần còn lại của thế giới.

Nỗ lực chống lạm phát của Fed có như ý? - Ảnh 9

Trước khi xảy ra đại dịch, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng Fed – ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới – đã chú ý nhiều hơn đến việc chính sách của mình có ảnh hưởng như thế nào đến các quốc gia khác. “Việc theo đuổi các sứ mệnh trong nước trong thế giới mới này đòi hỏi chúng tôi phải hiểu được những hệ quả của những mối liên kết qua lại và tính đến những kết nối đó trong quá trình hoạch định chính sách”, ông Powell nói trong một bài phát biểu vào năm 2019. Phát biểu này của ông Powell được xem như một “cuộc cách mạng” so với hồi thập niên 1980, khi Chủ tịch Fed thời đó Paul Volcker đẩy lãi suất tăng cao chóng mặt để chống lạm phát ở Mỹ và sau đó nói rằng “châu Phi thậm chí không nằm trên màn hình radar của tôi”.

Nỗ lực chống lạm phát của Fed có như ý? - Ảnh 10

VnEconomy 09/08/2022 09:00