06:00 18/04/2024

Nỗ lực thực hiện mục tiêu Net Zero

Phan Anh

Thực hiện mục tiêu phát thải ròng (Net Zero) vào năm 2050 sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng là một hành trình không dễ dàng với nhiều thách thức đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, với định hướng và giải pháp mạnh mẽ như hiện nay, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, cũng như các hành động cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực, Việt Nam có thể đạt các mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới nền kinh tế carbon thấp, đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2045 như đã đề ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tìm nhìn đến năm 2045.

HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU NET ZERO

Từ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại COP26, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động, sáng kiến cụ thể.

Sau COP26 và COP27, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia đã triển khai thực hiện cam kết; các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động, trong đó có: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; phát triển 1 triệ̂u ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, ban hành Kế hoạch thực hiện cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…

Tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Thủ tướng khẳng định chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần lấy người dân làm trung tâm.

Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng thời gian qua để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Thủ tướng nhấn mạnh 12 hành động cụ thể của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch theo hướng xanh, giảm phát thải, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo…

Nỗ lực thực hiện mục tiêu Net Zero - Ảnh 1

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, TS.Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng Ban biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, đánh giá việc cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu khá tham vọng. Bởi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, thâm dụng lao động, sản xuất chưa theo hướng áp dụng công nghệ cao, công nghệ carbon thấp, nên việc tiêu thụ năng lượng, phát sinh chất thải là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, để thực hiện theo lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngay sau Hội nghị COP26, văn bản đầu tiên chính thức hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 896/QĐ-TTg. “Một trong những nội dung quan trọng mà chiến lược đã xác định là đỉnh phát thải vào năm 2035. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Linh nhận định.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả biến đổi khí hậu tại COP26; trong đó nêu rõ mục tiêu các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quốc gia, ngành và địa phương cần được rà soát, cập nhật và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chuyên gia Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), cho rằng trước tiên cần làm rõ các lĩnh vực thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tương ứng với 5 lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu và Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Trong mỗi lĩnh vực, các mục tiêu được xây dựng cùng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính tương ứng và được thể hiện trong Cam kết quốc gia tự quyết định (NDC) bản sửa đổi 2022 Việt Nam đã nộp cho UNFCCC.  Dựa trên đó, từng bộ, ngành phụ trách lĩnh vực sẽ xây dựng các kế hoạch giảm phát thải với các lộ trình, chiến lược cấp ngành để đạt được các mục tiêu của lĩnh vực và quốc gia đã cam kết.

Do vậy, các mục tiêu và lộ trình cấp lĩnh vực đã được cân nhắc xây dựng phù hợp với các chính sách, mục tiêu phát triển, thực trạng phát thải khí nhà kính và công nghệ, tiềm năng giảm phát thải của lĩnh vực đó.

TIỀM NĂNG GIẢM PHÁT THẢI TRONG 5 LĨNH VỰC CHỦ ĐẠO

Ông Linh cho hay Việt Nam đã xác định danh sách các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực phát thải chính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và thực hiện các giải pháp giảm phát thải. Để giảm phát thải khí nhà kính, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 đã chia thành hai giai đoạn với mức giảm phát thải của các lĩnh vực khác nhau.

Theo đó, đến năm 2030, mục tiêu tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia sẽ giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng sẽ giảm 32,6% và lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương.

Lĩnh vực nông nghiệp kỳ vọng giảm khoảng 43% lượng phát thải. Lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ carbon, lĩnh vực này có khả năng hấp thụ ít nhất.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu Net Zero - Ảnh 2

-95 triệu tấn CO2. Lĩnh vực chất thải giảm khoảng 60,7%; các quá trình công nghiệp sẽ giảm 38,3%. Đặc biệt, các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 2.000 tấn CO2 trở lên phải thực hiện giảm phát thải.

Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh; trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 91,6% và lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2. Điều này có nghĩa trong vòng 20 năm sẽ giảm khoảng 300 triệu tấn. Đây là mức giảm rất lớn, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau trong cả lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ năng lượng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2024 phát hành ngày 15/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nỗ lực thực hiện mục tiêu Net Zero - Ảnh 3