06:00 24/08/2021

Petrovietnam dự báo ảm đạm về thị trường xăng dầu cuối năm 2021

Hàng tồn kho tại các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất đang ở mức cao, trên 85% đặt ra yêu cầu đối với các bộ phận đơn vị của Petrovietnam phải liên tục cập nhật dự báo thị trường, đẩy mạnh “quản trị biến động” trước tình hình khó khăn hiện nay...

Một  tàu  chở dầu đang nhập dầu thô cho nhà máy Lọc dầu Qung Quất  trong khi kho  chứa hàng đã gần đầy...
Một tàu chở dầu đang nhập dầu thô cho nhà máy Lọc dầu Qung Quất trong khi kho chứa hàng đã gần đầy...

Theo lý giải của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng, yêu cầu trên được đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí nói chung và của Petrovietnam nói riêng.

KINH TẾ HỒI PHỤC MONG MANH

Nhận định về tình hình kinh tế hiện nayy, Petrovietnam đưa ra các đánh  giá không quá bi quan. Trong 8 tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục “mong manh” bởi ảnh hưởng của biến thể mới Delta, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, mạnh, trên diện rộng cùng việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng, tác động lớn hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có Petrovietnam và các đơn vị thành viên.

Điều này được thể hiện qua báo cáo của Tổng cục Thống kê với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0,8%. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước giảm 1,7%.

 
Cầu thị trường yếu khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dầu khí như dầu thô, khí, điện, xăng dầu, phân bón… đều giảm mạnh.

Petrovietnam dự báo, nửa cuối năm 2021 nhu cầu dầu thô của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á còn tiếp tục giảm sút do dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Dự báo trên được đưa ra trên cơ sở OPEC+ đã ban hành mức sản lượng áp dụng trong tháng 8 và 9/2021. Theo đó, Saudi Arabia và Nga có thể tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày mỗi tháng. Các nước còn lại trong OPEC+ sẽ tăng khoảng 10.000 thùng/ngày.

Dự kiến hết năm 2021 mới có thể kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu phục hồi từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật và tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc sẽ giảm.

Petrovietnam còn đưa ra dự báo trong năm 2022 dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động của nền kinh tế, khiến làm chậm quá trình phục hồi ở một số nền kinh tế, trong khu vực trong đó có Việt Nam.

XĂNG DẦU VÀ KHÍ TIÊU THỤ TRONG NƯỚC GIẢM MẠNH

Báo cáo mới đây của Petrovietnam cho thấy, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu xăng dầu giảm mạnh do giãn cách xã hội nên không có thị trường tiêu thụ được sản phẩm lọc dầu.

Các nhà máy lọc dầu như Dung Quất, Nghi Sơn đã chủ động điều tiết công suất cùng các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng tồn kho nhưng mức độ tồn kho tại các nhà máy vẫn ở mức cao với trên 85%.

 
Việc tiếp tục nhập khẩu xăng dầu cùng việc tồn kho cao dẫn đến dư thừa nguồn cung xăng dầu.

Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của PVOIL trong tháng 8/2021 ước giảm khoảng 44% so với kế hoạch. Nhu cầu xăng dầu trong nước giảm nghiêm trọng, trong bối cảnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở nhiều tỉnh thành, sản lượng bán lẻ giảm đến 80% tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, 60% tại Hà Nội, tổng nhu cầu thị trường giảm khoảng 40%.

Với thị trường khí trong nước cũng đối diện với sự giảm sút mạnh, đặc biệt lượng khí huy động cho phát điện.

Cụ thể huy động khí cho sản xuất điện 7 tháng đầu năm 2021 đã thấp hơn kế hoạch của Bộ Công Thương (kế hoạch là khu vực Đông Nam Bộ đạt 94,2% và Tây Nam Bộ đạt 72,8%).

Petrovietnam dự báo các tháng cuối năm, sản lượng khí tiêu thụ sẽ còn thấp hơn khi các tỉnh, thành phía Nam vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, các nhà máy, hộ tiêu thụ sử dụng khí làm nguyên liệu, nhiên liệu dừng hoạt động hoặc hoạt động ở mức cầm chừng.

Ngoài ra, sản phẩm phân bón của 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng rơi vào tình trạng cung dư hơn cầu do thời điểm mùa vụ đã qua. Cụ thể, tính đến ngày 11/8/2021 tồn kho tại Nhà máy Đạm Cà Mau là 48,2 nghìn tấn Ure, và nhà máy Đạm Phú Mỹ tồn kho 65,5 nghìn tấn Ure.