15:29 20/07/2021

Tái cơ cấu Petrovietnam: Chờ một định hướng khung từ Chính phủ

Giai đoạn 2016-2020 Petrovietnam đã hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị, thu về 16.521 tỷ đồng, thặng dư 7.450 tỷ đồng…

Đến nay hầu hết các đơn vị thành viên của Petrovietnam đã cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán…
Đến nay hầu hết các đơn vị thành viên của Petrovietnam đã cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán…

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, Petrovietnam đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng khung, nguyên tắc về tái cơ cấu Petrovietnam.

Liên quan đến Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Petrovietnam, trong giai đoạn 2016-2020 Tập đoàn này đã hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị, thu về 16.521 tỷ đồng, thặng dư 7.450 tỷ đồng. Thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam và LSP thu về 2.052 tỷ đồng, thặng dư khoảng 950 tỷ đồng…

Đến nay hầu hết các đơn vị thành viên của PVN đã cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán…

 
Petrovietnam hiện có 16 công ty con, 11 công ty liên kết và 3 đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo.

Cũng theo ông Lê Mạnh Hùng, để xây dựng Đề án tái cơ cấu Petrovietnam phù hợp với định hướng phát triển, nhóm công tác đã dự báo xu hướng phát triển và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác tái cơ cấu.

Cụ thể, việc tái cơ cấu phải bám sát chủ trương, chính sách đề ra là phải tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Tập trung vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế…

Mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn tất việc sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Đề án tái cơ cấu Petrovietnam phải cập nhật Chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt cũng như phù hợp nội dung của Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025 đang được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Petrovietnam, việc xây dựng phương án tái cơ cấu Petrovietnam giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tập trung vào các nội dung như: tập trung xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dầu khí là thăm dò, khai thác dầu, khí, chế biến, tồn trữ và phân phối dầu khí; đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao…

 
Năm 2020 Petrovietnam được được Tổ chức đánh giá thế giới Fitch Ratings nâng triển vọng xếp hạng từ ổn định lên tích cực và đánh giá xếp hạng tín dụng độc lập ở mức BB+.

Để đạt được các mục tiêu này, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong công tác quản trị doanh nghiệp, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo hướng tăng quyền chủ động, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Petrovietnam. Hướng dẫn Tập đoàn và các đơn vị BSR, PVOil, PVPower sớm hoàn thiện công tác quyết toán cổ phần hóa…

“Việc tái cấu trúc là nhiệm vụ cần thiết khi đã đến chu kỳ bắt buộc phải thực hiện. Việc tái cấu trúc phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Petrovietnam và trước mắt là giai đoạn đến năm 2025. Việc tái cơ cấu cũng sẽ xử lý các tồn tại, rủi ro, các yếu tố không mang lại hiệu quả hiện nay, giúp định hình Petrovietnam trong tương lai…” Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.