10:38 07/09/2023

Phát triển đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: Cần kiến tạo đặc biệt để thích ứng nước biển dâng

Ban Mai

Với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dự báo có tới hơn 1/3 diện tích vùng đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị ngập lụt, mất đất lớn nhất thế giới...

Khu vực thuộc tỉnh Hậu Giang, ĐBSCL.
Khu vực thuộc tỉnh Hậu Giang, ĐBSCL.

 Theo Bộ Xây dựng, Đồng bằng Sông Cửu Long là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam. Tỷ lệ đô thị hóa của cả vùng trong 10 năm (2009-2019) chỉ tăng từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%. Những lợi thế vốn có như: địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hòa… nay đã không còn nữa, do tác động từ thiên tai và con người. Hạ tầng cơ sở còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối.

MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG SẼ BỊ NGẬP TỚI 80%

Dự báo, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5-1m vào cuối thế kỷ 21. Do đó, nếu không có giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thì 35% dân số vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với 39% diện tích chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Hiện Đồng bằng Sông Cửu Long có 211 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 32%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước là 40,5%. Dự báo giai đoạn 2021-2025 vùng này có trên 250 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 35%-36%, năm 2030 đạt khoảng 42%-48% (cả nước dự kiến 45% năm 2025 và hơn 50% vào năm 2030).

Biến đổi khí hậu sẽ khiến toàn bộ 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đều có nguy cơ ngập cao, như:  như Kiên Giang (80%), Hậu Giang (80%), Bạc Liêu (40 - 50%), Sóc Trăng (25-30%), Cà Mau (40-50%).

Đây là thông tin được bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, chia sẻ tại hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức tại Hậu Giang.

Bà Lan Anh nhấn mạnh, một số đô thị lớn, trung bình của các tỉnh có nguy cơ ngập cao, gồm: thành phố Rạch Giá (85-90%) và  thị xã Hà Tiên (85-90%) của tỉnh Kiên Giang. Thành phố Vị Thanh (85-90%), thành phố Ngã Bảy (85-90%) của Tỉnh Hậu Giang. Thành phố Cà Mau tỉnh Cà Mau (60-70%). Thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng (10-20%). Thành phố Cần Thơ (5-10%). Thị xã Gò Công tỉnh Tiền Giang (20-25%).

Như vậy, phân vùng các khu vực chịu ảnh hưởng ngập lụt sẽ có khu vực ngập sâu trung bình từ 2m thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang; khu vực ngập trung bình 1- 2m, thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, khu vực ngập nông thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang.

Ngoài ra, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, biển xâm thực.

Việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở… là những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị.

KIẾN TẠO MÔ HÌNH NHÀ Ở THÍCH HỢP

Theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42- 48%. Định hướng phát triển hệ thống đô thị Đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng biến đổi khí hậu.

Quy hoạch này cũng xác định khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt và đề ra phương hướng xây dựng đô thị cho từng khu vực.

Cụ thể, khu vực 1 ngập sâu trung bình từ 2m thuộc các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang. Khu vực 2 ngập trung bình 1m-2m, thuộc các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Tại 2 khu vực này cần hạn chế phát triển đô thị quy mô lớn và hạn chế san lấp mặt bằng quy mô diện tích lớn; phát triển đô thị theo tuyến song song với hướng thoát lũ nhằm giảm tác động của lũ đến đô thị.

Khu vực 3 ngập nông thuộc các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang cần phát triển đô thị quy mô diện tích lớn; tập trung theo hình thái đô thị nén; dành quỹ đất cần thiết để đào hồ, kết nối kênh rạch đảm bảo tiêu thoát nước; xây dựng mới, cải tạo và vận hành tốt tuyến đê ngăn triều ở cửa sông nhằm hạn chế tác động ngập lụt và xâm mặn đến đô thị.

Khu vực 4 ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều cần phát triển đô thị tại khu vực đất giồng, bãi bồi cao ở ven sông, ven biển. Tại khu vực đô thị xây dựng mật độ cao, dùng phương pháp san đắp tập trung toàn bộ khu vực xây dựng, giải pháp đê bao chống lũ hoặc kết hợp cả hai giải pháp.

Khu vực xây dựng với mật độ thấp, san đắp cục bộ theo vị trí công trình, dành quỹ đất còn lại trong từng khu chức năng để đào hồ, kết nối kênh rạch, đảm bảo việc tiêu thoát nước. Khuyến khích phát triển các loại công trình, mô hình ở thích nghi với lũ.

Về các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, bà Trần Thị Lan Anh cho rằng cần tập trung mô hình phát triển hệ thống đô thị - nông thôn.

Cụ thể, kết hợp phi tập trung và tập trung “nén” - chủ động “dành chỗ cho nước”; đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái và cấu trúc sông, kênh, rạch hiện có; chọn đất phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn tính đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa hình tự nhiên.

Cần hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị; hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị… phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.

Việc phát triển đô thị bền vững cũng cần phải chú trọng đến cấu trúc không gian vùng. Trong đó, cần tính đến sự suy giảm dòng chảy kiệt, vì có thể ảnh hưởng lớn đến các hành lang đường thủy, từ đó cấu trúc phát triển đô thị dựa trên mạng lưới đường bộ.

Nhấn mạnh việc ngành chức năng cần quy định cụ thể về xây dựng nhà ở, công trình có liên quan phải ứng phó được với biến đổi của khí hậu, tiến sỹ Hồ Công Đức, Đại học Thương mại, cho rằng cần chú trọng đến hệ sinh thái đô thị, diện tích cây xanh đô thị phù hợp với việc tăng dân số và mật độ xây dựng; giữ lại những hồ điều hòa tại đô thị, giảm bê tông hóa, tạo ra không gian thoáng đãng.

Riêng với đô thị ven biển, cần có biện pháp trồng cây xanh chống gió bão, trồng rừng ngập mặn chống sạt lở bờ biển, ngập lụt do triều cường. Khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, làm giảm hiệu ứng nhà kính, phát huy những công trình có khả năng ứng phó tốt với sự tác động trở lại của biến đổi khí hậu như tòa nhà xanh, công trình xanh...