Quy định chồng chéo “ngáng đường” bệnh viện công tự chủ tài chính
Đến nay, 100% số đơn bị sự nghiệp y tế công lập trong cả nước đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Song, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh lúng túng trong quản lý và sử dụng nguồn tài chính do các quy định chồng chéo...
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa thừa ủy quyền ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đây là một trong những nội dung quan trọng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luật trong phiên họp thứ 18 vừa khai mạc sáng 13/12.
Báo cáo nêu rõ 5 khó khăn, vướng mắc liên quan đến tự chủ tài chính của các bệnh viện công hiện nay.
Thứ nhất, Luật Ngân sách nhà nước quy định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng áp dụng của Luật Ngân sách nhà nước. Như vậy, mọi nguồn tài chính của đơn vị đều phải được lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách nhà nước phải tuân thủ quy định của Luật này. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay rất phức tạp và không thực sự phù hợp với thực tiễn hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Đến nay, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo các nhóm, trong đó có 253 đơn vị đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên.
Thứ hai, nguồn tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện nay vừa phải tuân thủ các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và vừa phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công nên sẽ phải thực hiện theo nhiều quy trình, thủ tục. Báo cáo của Chính phủ đánh gía điều này sẽ hạn chế mức độ tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của đơn vị, đặc biệt là đối với nguồn thu được để lại cơ sở sử dụng theo quy định.
Thứ ba, toàn bộ các tài sản được hình thành từ bất kỳ nguồn nào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng đều được xác định là tài sản công và sẽ phải quản lý theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, các tài sản sẽ phải thực hiện việc mua sắm trên cơ sở định mức sử dụng tài sản công và thông qua đấu thầu mua sắm theo quy định hiện hành (điều này nếu áp dụng mua sắm thuốc, vật tư, hoá chất sinh phẩm sử dụng 1 lần sẽ không phù hợp). Trường hợp họat động hình thành tài sản thuộc diện quản lý của Luật đầu tư công thì còn phải áp dụng thêm quy định của pháp luật về đầu tư công.
Bên cạnh đó, do vướng mắc quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công nên cơ sở khám, chữa bệnh không thể thực hiện vay vốn vì không có tài sản để đảm bảo tiền vay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, Luật Quản lý nợ công lại không áp dụng với các khoản vay của đơn vị sự nghiệp công lập trong khám, chữa bệnh.
Với Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Chính phủ đề nghị thiết kế một mục quy định về tài chính y tế nhằm tháo gỡ một phần vướng mắc và làm cơ sở pháp lý cho triển khai thực tế. Về lâu dài, cần nghiên cứu ban hành luật về đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, quy định quyền, nghĩa vụ các chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ công, gồm cả công lập lẫn ngoài công lập.
Báo cáo Bộ Y tế trình Quốc hội.
Thứ tư, Luật Đấu thầu quy định quản lý nhà nước về đấu thầu, trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, như đã đề cập, do toàn bộ nguồn tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quản lý theo quy định của pháp luật về ngân sách và đầu tư công nên toàn bộ việc mua sắm phải được thực hiện theo cơ chế đấu thầu với một quy trình, thủ tục gồm nhiều bước. Qua phản ánh của các cơ sở thì thông thường một gói thầu sẽ kéo dà từ 6 đến 8 tháng nhưng thời gian ký hợp đồng chỉ 1 năm. Điều này dẫn đến việc các cơ sở mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc đấu thầu nhưng vẫn không đảm bảo tính kịp thời trong cung cấp thuốc, trang thiết bị y tế cho người bệnh.
Thứ năm, theo quy định của Luật Đất đai hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công phải trả tiền thuê đất (đối với các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên) trong khi giá dịch vụ chưa được kết cấu chi phí này vào giá và ngân sách không cấp tiền cho chi phí này. Diện tích đất chủ yếu sử dụng phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua báo cáo của các đơn vị, số tiền phải bỏ ra thuê đất là lớn lớn trong khi nguồn thu giảm sút nên rất khó khăn khi thực hiện tự chủ.