Quy định đã có, khó giảm tuổi nghỉ hưu?
Tuổi nghỉ hưu đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động, còn xu hướng các nước cũng là nâng dần tuổi hưu khi tuổi thọ tăng và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60 với nam, 55 với nữ là rất khó trong bối cảnh hiện nay…
Liên quan đến điều kiện hưởng chế độ lương hưu cho người lao động, mới đây góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số hiệp hội doanh nghiệp đã đưa ra đề xuất cho người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng với nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm.
GIẢM NĂM ĐÓNG BẢO HIỂM HAY GIẢM TUỔI NGHỈ HƯU?
Đề xuất được các hiệp hội lý giải là do lao động Việt Nam chủ yếu là lao động chân tay, nhiều trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ rất sớm, có thời gian và mức đóng cao. Khi đến năm 55-60 tuổi thì sức khỏe của họ cũng đã giảm sút, không đảm bảo được yêu cầu công việc, có nguy cơ mất việc. Trong khi đó, nếu phải chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống.
Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ của người lao động. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Như vậy, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì tuổi nghỉ hưu năm 2023 đối nam là từ đủ 60 tuổi 9 tháng, đối với lao động nữ là từ đủ 56 tuổi.
Đây là độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, vẫn có trường hợp người lao động được về hưu sớm hơn 5 năm, thậm chí là 10 năm. Với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đến 5 tuổi.
Để tăng cơ hội tiếp cận lương hưu cho người lao động, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đề xuất giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn, hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.
Thực tế, vấn đề tuổi nghỉ hưu của người lao động luôn nhận được nhiều ý kiến trong mỗi lần sửa đổi chính sách pháp luật về lao động, thậm chí trong lần sửa đổi này, có ý kiến cho rằng, nên giảm tuổi nghỉ hưu thay vì giảm năm đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những căn cứ như trên và điều kiện bối cảnh hiện nay, giảm tuổi nghỉ hưu là điều rất khó.
XEM XÉT GIẢM TUỔI NGHỈ HƯU VỚI NHỮNG NHÓM NGHỀ ĐẶC THÙ
Trao đổi về việc có nên giảm tuổi nghỉ hưu hay không, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng tuổi nghỉ hưu đã được quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, chính sách này cũng đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu là vấn đề rất khó trong bối cảnh chúng ta mới sửa đổi Bộ luật Lao động. Xu hướng các nước trên thế giới thì cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tuổi nghỉ hưu thường nâng lên chứ không phải giảm đi. Hầu như không có quốc gia nào xây dựng chính sách tuổi nghỉ hưu giảm theo thời gian cả, nên đề xuất muốn giảm tuổi nghỉ hưu tôi nghĩ là khó”, ông Quảng nêu ý kiến.
Chia sẻ với những băn khoăn của nhóm lao động trực tiếp sẽ khó làm đến tuổi nghỉ hưu, theo ông Quảng, để khắc phục những bất cập này cần thực hiện các chính sách giảm tuổi về hưu cho một số trường hợp lao động nặng nhọc, độc hại, và một số ngành nghề đặc thù cũng nên xem xét đề xuất được nghỉ hưu sớm hơn như giáo viên mầm non…
“Một số trường hợp đặc thù nên xem xét đưa nhóm này vào diện được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định của Bộ luật Lao động, còn đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu chung thì chúng tôi nghĩ không phù hợp với bối cảnh hiện nay”, vị chuyên gia công đoàn tái khẳng định.
Cũng không đồng tình với đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nói rằng, tuổi nghỉ hưu của một đời người được xác định bởi tuổi thọ và khả năng kinh tế đủ để sinh sống khi hết tuổi lao động. Khi tuổi thọ kéo dài thì phải tăng tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, mục tiêu của việc tham gia bảo hiểm xã hội đến khi nghỉ hưu là hưởng mức tối đa 75%, thậm chí dù mức hưởng thấp hơn nhưng người lao động vẫn được đảm bảo chế độ an sinh.
Từng có thời gian tham gia sửa đổi Bộ luật Lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nói việc đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu, Ban soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nên xem xét, song ở góc độ cá nhân, ông cho rằng rất khó để được chấp thuận. Theo ông Huân, khi người lao động nghỉ hưu phải đảm bảo hai điều kiện là số năm tham gia bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu.
“Hiện nay, chúng ta đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 với nam và từ 55 lên 60 với nữ nên khó có thể giảm tuổi nghỉ hưu”, ông Huân nêu quan điểm.
Theo nguyên Thứ trưởng, khi xã hội phát triển, có nhiều dịch vụ thì người lao động tuổi cao có thể chuyển sang làm nghề khác. Trung tâm Dịch vụ việc làm ở các tỉnh, thành phố có thể giới thiệu người lao động tuổi cao sang làm những công việc dịch vụ phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống.
Theo lộ trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2023, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2023, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.