Quyết tâm để dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau về đích vào năm 2025
Thời gian hoàn thành dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau vào cuối năm 2025 không thay đổi. Do đó, chủ đầu tư, nhà thầu cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, tăng cường “3 ca, 4 kíp” để dự án về đích đúng tiến độ….
Chiều 9/12, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh đã có chuyến kiểm tra thực tế hiện trường thi công dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH DỰ ÁN ĐÚNG KẾ HOẠCH
Qua thực tế kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực triển khai thi công của các nhà thầu trong điều kiện khó khăn về nguồn vật liệu, thời tiết,...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh: “Thời gian hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 không thay đổi. Do đó, chủ đầu tư, nhà thầu cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, tổ chức thi công khoa học, hợp lý, tăng cường "3 ca, 4 kíp" để dự án về đích đúng tiến độ”.
Đồng thời, ông Minh cũng lưu ý lãnh đạo các đơn vị tiếp tục duy trì tiến độ trên công trường. Trong đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chủ động phối hợp với các cục, vụ của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương có liên quan xử lý những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, những vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo sớm cho lãnh đạo Bộ để kịp thời có hướng xử lý.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết tình hình triển khai thi công đến nay sản lượng đạt 53% kế hoạch.
Dự án hiện đang triển khai thi công 117/117 cầu, trong đó 45/117 cầu đã xong bản mặt cầu; có 6 cầu lớn (không bố trí cầu tạm) đã thông xe kỹ thuật, cơ bản đáp ứng tiến độ thực hiện cầu trên tuyến chính trong năm 2024. Dự kiến hoàn thành toàn bộ phần bê tông bản mặt cầu tuyến chính trước 31/12/2024.
Đồng thời, công tác gia tải đến tháng 12/2024 hoàn thành trên 83/91 km, hoàn thành 8 km còn lại trong tháng 1/2025 (tương đương trên 91/91 km). Công trường thảm 1,2 km đoạn xử lý đất yếu bằng cọc xi măng đất từ tháng 1/2025, sau khi dỡ tải các đoạn này sẽ thi công cuốn chiếu từ tháng 4/2025 và hoàn thành 31/12/2025.
Tín hiệu tích cực là các địa phương đã bàn giao 110,85/110,85 km tuyến chính (đạt 100%) và 25,65/25,85 km tuyến nối (đạt 99%), còn vướng bãi rác thuộc tuyến nối IC2-QL1, dự kiến triển khai di dời hoàn thành trong tháng 12/2024. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã di dời xong toàn bộ.
KHẨN TRƯƠNG BỔ SUNG VẬT LIỆU CÒN THIẾU
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền dự án khoảng 18,6 triệu m3, trong đó nhu cầu đến hết năm 2024 là 15,12 triệu m3.
Hiện tại, dự án đã sử dụng 11,7 triệu m3 (cát sông 10,9 triệu m3, cát biển 0,8 triệu m3). Nhu cầu còn lại năm 2024 để đắp hoàn thành gia tải tuyến chính khoảng 3,6 triệu m3, nhu cầu còn lại năm 2025 để hoàn thành các hạng mục khác (đường gom, các tuyến nối, nhánh nút giao…) khoảng 3,4 triệu m3. Bên cạnh đó, nhà thầu đã huy động về dự án khoảng 360.000 m3/1 triệu m3 vật liệu cấp phối đá dăm cho nhu cầu gia tải năm 2024.
“Các địa phương đã cung cấp thông tin về các mỏ đá đang sản xuất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án, đảm bảo đủ nguồn cung cấp trong năm 2024, hiện nhà thầu đã và đang huy động về công trường”, ông Thi cho biết thêm.
Thông tin về tình hình cung ứng vật liệu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau), Bộ Giao thông Vận tải cho biết vật liệu cát đắp nền đến nay đã xác định được nguồn cung hơn 28 triệu m3 trên tổng nhu cầu gần 18,6 triệu m3.
Theo đó, các địa phương đã cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác hơn 23 triệu m3; tỉnh An Giang đã hoàn thiện thủ tục để điều chuyển 1,4 triệu m3 từ dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho dự án; Tỉnh Vĩnh Long đã cấp bản xác nhận 3 mỏ gia hạn với tổng trữ lượng 0,8 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thiện các thủ tục để nâng công suất 2 mỏ.
Trong đó, có 2,6 triệu m3 đang hoàn thiện thủ tục khai thác (tỉnh Tiền Giang 0,6 triệu m3, tỉnh Bến Tre 2 triệu m3) dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 12/2024. Đặc biệt, còn khoảng 2,6 triệu m3 chưa xác định nguồn trong đó tỉnh Vĩnh Long 1,2 triệu m3; tỉnh Tiền Giang 1,4 triệu m3.
Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, công tác cấp mỏ vật liệu cho dự án hiện vẫn còn một số vướng mắc. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long triển khai thủ tục cấp mỏ chưa đáp ứng tiến độ. Bên cạnh đó, một số mỏ tại tỉnh Đồng Tháp phải dừng do khai thác quá chiều sâu cho phép, khai thác đến lớp cát chất lượng xấu, không đảm bảo khối lượng.
Cụ thể, tỉnh An Giang triển khai dự án nạo vét sông Vàm Nao để sử dụng khoáng sản thu hồi cung ứng cho dự án nhưng đã phải dừng khai thác do hết công suất. Hiện, tỉnh còn hơn 0,6 triệu m3 chưa thể khai thác và 6/9 mỏ đã dừng khai thác từ cuối tháng 10/2024 do khai thác quá độ sâu hoặc có nguy cơ sạt lở bờ sông; tỉnh Vĩnh Long chưa hoàn thành thủ tục tăng công suất 3 mỏ cát theo đúng thời gian của bản đăng ký xác nhận để cung ứng cho dự án.
Bộ Giao thông vận tải thông tin theo kế hoạch, nhu cầu cát còn lại để hoàn thành công tác đắp gia tải đến tháng 12/2024 khoảng gần 4 triệu m3. Mặc dù đã xác định đủ nguồn cung nhưng công suất khai thác còn hạn chế do các vướng mắc nêu trên, hiện chỉ đạt trung bình 36.000m3/ngày (cát sông 26.000m3/ngày, cát biển 10.000m3/ngày) trong khi nhu cầu khoảng 86.000m3/ngày.
Để đảm bảo công suất khai thác, Bộ giao thông vận tải yêu cầu các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp cần tháo gỡ các vướng mắc trong việc bổ sung nguồn còn thiếu, hoàn thiện thủ tục cấp mỏ, chấp thuận cho khai thác trở lại đối với các mỏ dừng khai thác. Trong đó, tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cần hòa thiện thủ tục cấp phép khai thác các mỏ cho các dự án khai thác mỏ cát trước ngày 15/12/2024 bảo đảm nguồn vật liệu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau.